Có những hình ảnh đau thương không nói thành lời. Nhiều người không cầm được lòng khi nhìn cảnh một chủ trang trại ở tỉnh Thanh Hóa phải bì bõm trong dòng nước đục để cứu đàn heo gồm 4.000 con chìm nổi mà không đặng vì nước dâng lưng chuồng trại.
Trận mưa lũ lịch sử vừa xảy ra tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong thời gian từ ngày 9 đến 13-10 thêm một lần nữa báo động về công tác dự báo khí tượng thủy văn ở nước ta hiện nay có nhiều yếu kém. Trước đó, dư luận đã rất nhiều lần lên tiếng về độ chính xác của dự báo mưa lũ bão.
Chỉ một đợt mưa cướp đi hơn trăm mạng sống, nhưng còn nguy hiểm gấp bội khi lần đầu trong lịch sử hồ thủy điện Hòa Bình phải mở cấp tập 8 cửa xả đáy. Hồ thủy điện Sơn La phải tạm dừng để cắt lũ về hồ Hòa Bình. Mặc dù “lạ tai” nhưng tại cuộc họp báo về quy trình liên hồ chứa Sơn La - Hòa Bình, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) giải thích rằng 6 cơ quan phải cùng họp bàn mới đưa ra được quyết định này, nếu không thì sẽ là “một thảm họa cho đất nước”.
Theo Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã đưa ra những số liệu dự báo lũ về thủy điện Hòa Bình không đúng thực tế, lúc dự báo thấp thì lại rất cao, sau đó dự báo rất cao thì lại thấp. Qua đợt mưa lũ vừa xảy ra, có thể thấy một điều vô cùng nguy hiểm là công tác dự báo của cơ quan chức năng lại một lần nữa cho thấy sai số quá lớn so với thực tế.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trước đó việc tích nước của hồ thủy điện Hòa Bình là đúng theo quy định. Nếu có các dữ liệu thủy văn chuẩn xác, chắc chắn không đến nỗi phải xả cấp tập 8 cửa xả để đảm bảo an toàn cho công trình. Không chỉ riêng hồ Hòa Bình, lâu nay quá trình tích - xả nước của các hồ thủy điện trên cả nước đều phải dựa vào thông tin dự báo của cơ quan khí tượng. Nếu dự báo không chính xác - dự báo vống kiểu “trừ hao”, thủy điện sẽ xả nước “quá tay” dẫn tới nguy cơ thiếu điện mùa khô. Ngược lại, sẽ là thảm họa nếu tích đầy nước mà xuất hiện nhiều mưa, lũ lớn.
Câu hỏi đặt ra là vì sao công tác dự báo thiên tai, thảm họa ở nước ta lại có nhiều bất cập, sai sót như vậy? Dư luận xã hội không còn tin tưởng vào chất lượng, độ chính xác của các bản tin dự báo nữa. Nhiều người hoài nghi vì nhiều lần thấy dự báo không đúng như thực tế, ngay cả với các dự báo thời tiết thông thường. Có những cơn bão dự báo sai cả về đường đi hoặc dự báo vống, làm mất tiền của trong việc chạy bão, chạy lũ, dần dần người dân tỏ ra thờ ơ, chủ quan. Các địa phương tốn kém ngân sách khá lớn khi triển khai chống bão không đúng diễn biến. Đến khi bão mạnh hoặc mưa lũ lớn (như đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua) lại trở tay không kịp, bị thiệt hại nặng nề cả người và của.
Điều dư luận xã hội đòi hỏi hiện nay là cơ quan chức năng được nhà nước giao trọng trách phải nâng độ chính xác trong hoạt động của mình, có dự báo chuẩn xác và ứng phó kịp thời, đứng mức với các hiện tượng cực đoan như mưa lũ, bão… Nếu bão lũ không quá lớn thì nên có thông tin rõ là không quá lớn để các hồ chứa chủ động tích - xả, các địa phương khỏi tốn kém triển khai ứng phó. Ngược lại, nếu nghiêm trọng phải nâng tần suất dự báo lên đúng tầm mức, thay đổi cách thức truyền tải thông tin như hiện nay.
Đành rằng hậu quả tang thương của mưa lũ hiện nay còn có một phần do sự chủ quan của người dân, tình trạng phá rừng bừa bãi không được kiểm soát; vai trò của các bộ ngành, chính quyền địa phương chưa sâu sát… nhưng không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan phòng chống thiên tai, phải chịu trách nhiệm trước dân một cách rõ ràng. Riêng ngành khí tượng - thủy văn trong những năm qua, ngân sách nhà nước đã chăm lo hơn hẳn trước kia. Nhiều loại máy móc thiết bị, phương tiện làm việc đã được mua sắm, nâng cao đời sống của cán bộ nhân viên trong ngành. Vì vậy, người dân không thể chấp nhận kiểu dự báo sai, lại đổ lỗi cho biến đổi khí hậu nên khó dự báo, rồi công nghệ dự báo còn lạc hậu, trang thiết bị vẫn thiếu thốn... rồi lẩn trốn trách nhiệm của mình.