Nơi gợi lại ký ức xưa

Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, bên cạnh những món đồ đời mới để phục vụ nhu cầu sử dụng và trang trí thì nhiều người còn tìm đến những nơi bán đồ cổ để hồi tưởng về ký ức tuổi thơ hay thỏa đam mê sưu tầm đồ cổ làm kỷ niệm. 
 
Chợ đồ cổ trong quán cà phê Cao Minh là điểm đến của nhiều người mê đồ cổ
Chợ đồ cổ trong quán cà phê Cao Minh là điểm đến của nhiều người mê đồ cổ
Phố sống chậm giữa lòng thành phố
Lọt thỏm giữa khu đô thị sầm uất, nhộn nhịp của TPHCM, con đường Lê Công Kiều lại bình yên đến lạ. Đường chỉ dài hơn 200m, thẳng tắp, nối giữa đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), đã chọn cho mình một nhiệm vụ riêng. Đó là nơi gợi về những ký ức xưa.
Ông Dương Hải Biên, 84 tuổi, sinh sống trên đường Nguyễn Thái Bình, cho biết, đường Lê Công Kiều trước đây là con hẻm nhỏ, khoảng năm 1920 được người Pháp đổi tên thành Reims, rồi đến khoảng năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành Lê Công Kiều, còn người dân ở đây quen gọi là chợ Kiều. Ngày trước cả tuyến đường chỉ có vài ba sạp nhỏ buôn bán những món đồ cũ kỹ, chủ yếu thu mua lại của các gia đình khá giả thất thế thất thời, phải đem những món đồ trong nhà ra đổi lấy tiền trang trải sinh hoạt. Rồi đến khoảng năm 1980, những người đam mê đồ cổ thường tới lui con phố để ngắm nhìn hoặc mua bán những món đồ mình yêu thích. Cũng từ đó, đường Lê Công Kiều dần trở thành nơi chuyên bán đồ cổ. 
Suốt những năm tháng đổi thay cùng thành phố, nhịp sống trên đường Lê Công Kiều vẫn chậm rãi và bình yên. Xuyên suốt tuyến đường là gần 50 cửa hàng bán đồ cổ, mỗi cửa hàng bán một loại đồ khác nhau. Không gian của con phố không rực rỡ biển hiệu, đèn led nhấp nháy mà đượm màu thời gian.
Các cửa hàng bắt đầu mở cửa vào 9 giờ sáng nhưng 17 giờ chiều đã có nơi rục rịch đóng cửa. Ở đây người dân có thể tìm được đủ thứ, từ đồng tiền xu, chiếc hộp quẹt cổ có giá vài chục ngàn đồng, từ món hàng gốm sứ đến bộ bàn ghế, tràng kỷ, hoành phi, máy phát nhạc… có giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài những món đồ cổ thật thì một số cửa hàng còn kinh doanh đồ giả cổ như gốm Chu Đậu để làm đồ trang trí cho phòng khách.
Nằm giữa cửa hàng bán tranh gỗ và lục bình gốm sứ, cửa hàng của ông Nguyễn Ngọc lại chuyên những món đồ thờ nho nhỏ. Hỏi chiếc lư đốt trầm, ông Ngọc đưa ra những chiếc lư đồng nhỏ bằng cái chén ăn cơm nhưng nặng trịch, có màu nâu sậm. Ông Ngọc kể: “Những chiếc lư này trước đây chỉ nhà quyền quý mới có, sau nhiều biến cố, con cháu bán dần đồ trong nhà để sinh sống. Giờ nhiều nơi bán loại lư này nhưng là đồ mới sản xuất, màu vàng bóng loáng còn đúng chất cổ thì rất hiếm, chỉ dân sưu tầm thập cẩm như tụi tôi mới có”.
Ở phố đồ cổ, giá cả luôn là thứ khó lường, có khi sẽ mua được món đồ với giá rẻ bất ngờ nhưng cũng có món lên tới hàng trăm triệu đồng. Dân bán đồ cổ cũng vậy, có ngày không bán được món đồ nào, có tháng chỉ bán một vài món là sống khỏe cả tháng. Anh Hảo, chủ cửa hàng số 48, cho biết: “Dân ở đây cũng sống chậm như chính mặt hàng chúng tôi kinh doanh. Nếu vì đồng tiền thì không thể làm nghề này được, chủ yếu vẫn là vì đam mê”.
Nhộn nhịp ở chợ đồ cổ
Nếu như phố đồ cổ Lê Công Kiều nổi tiếng với bề dày lịch sử thì chợ đồ cổ nằm trong quán cà phê Cao Minh (311/27 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh) cũng được nhiều người biết đến bởi những món hàng ở đây có tuổi đời từ vài chục đến trăm năm tuổi.
Càng đi sâu vào trong hẻm 311 Nơ Trang Long, qua cánh cổng gạch nhỏ xây kiểu giả cổ là khung cảnh vô cùng nhộn nhịp với hàng trăm người bán, người mua cùng người… đi ngắm.  Có người gọi là chợ đồ cổ nhưng cũng có nhiều người gọi là “chợ ve chai” bởi hàng hóa ở đây đều là đồ cũ với đủ thứ mặt hàng: từ chiếc bật lửa zippo, chiếc đèn dầu, cái bàn là con gà trống hay cuốn sách cũ đến những chiếc xe đạp, máy đánh chữ, máy chụp hình đời đầu, thậm chí có cả những tấm hình lưu niệm của gia đình…
Chợ đồ cổ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều chủ nhật hàng tuần, hiện có hơn 70 sạp. Có sạp vừa bán bình cổ, vừa bán đồng hồ dây cót lại có những chiếc máy ảnh phim đen trắng đời đầu; có sạp bán vài chiếc bật lửa, vài ba đôi giày, cái đèn dầu, chiếc mâm đồng hay cái tẩu thuốc… Anh Trần Anh Kiệt (ngụ quận Tân Bình), chủ một sạp bán đồng hồ cổ, trang sức cổ, bình đựng nước thời chiến và nhiều mặt hàng khác, cho biết: “Ngày thường tôi làm cơ khí, chủ nhật thì gói ghém “gia tài” đến đây. Nói là đi bán hàng nhưng với anh em ở đây, buôn bán là phụ mà gặp gỡ những người có cùng đam mê là chính. Năm năm gắn bó với nơi này đã cho tôi những người bạn chí cốt, là động lực để tôi lặn lội đi sưu tầm đồ cổ ở khắp các tỉnh thành rồi lại hồi hộp chờ đợi đến cuối tuần tới đây bày ra cho mọi người ngắm và tìm cho nó người chủ mới”.
Ở chợ đồ cổ này, chủ yếu là những người tới bán và mua niềm đam mê. Ông Trần Minh Thọ, một khách hàng quen thuộc, tâm sự: “Tôi ưng đồ cổ từ ngày xưa, ở nhà tôi có cả trăm món đồ cũ cũ cổ cổ trưng khắp nơi nhưng tới đây nhìn gì cũng ham. Nhiều khi tới đây chẳng mua gì, vào uống ly cà phê, ngắm vài món yêu thích rồi nghe thiên hạ bàn chuyện đồ cổ là thấy vui rồi”. Chỉ về phía các bàn cà phê ở sàn gác phía trên, ông Thọ bảo, nhìn khách đủ lứa tuổi nhưng đã đến đây là đều nói chuyện về đồ cổ, cách nhận biết đồ cổ. Những lúc cao hứng, mấy người lớn tuổi và đám thanh niên lại kéo nhau đi hết sạp này, quầy kia để tìm những món đồ chứng minh cách nhận biết đồ cổ thật và đồ cổ giả cho nhau. “Mấy người bán hàng ở đây cũng ngộ lắm, khách hàng hỏi tới hỏi lui, bu đông đen cả buổi chỉ để hỏi nhưng luôn nhiệt tình trả lời dù biết họ chẳng mua gì”, ông Thọ cho biết.
Theo ông Trần Văn Dũng, ông cùng ca sĩ Cao Minh thành lập chợ đồ cổ này từ năm 2009. Ông Dũng cho rằng đồ cũ giúp ông gợi nhớ về những kỷ niệm thơ ấu, về những năm tháng còn nhiều thiếu thốn, giúp ông trân quý những gì đã qua. Mỗi món đồ cũ có thể không có giá trị với người này nhưng lại rất có giá trị với người khác, vì vậy ông lập ra chợ đồ cổ để làm cầu nối giúp những món đồ cũ tìm được người trân trọng nó.

Tin cùng chuyên mục