Nếu dự thảo này có hiệu lực, EIB sẽ không hỗ trợ những hoạt động sản xuất dầu khí, khai thác than, sản xuất điện hoặc nhiệt từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, hay xây dựng những cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc khai thác những nguồn nhiên liệu trên. Khi đó, tất cả các hoạt động của EIB trong lĩnh vực năng lượng sẽ hoàn toàn phù hợp với nội dung Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được quốc tế ký kết hồi năm 2015. Hiệp định này đặt mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này không tăng hơn 1,5oC so với thời tiền công nghiệp. Dự thảo sẽ được trình lên chờ các quan chức của EIB phê duyệt vào tháng 9 tới.
Cựu Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Nicholas Stern cho biết việc EIB chuyển các khoản đầu tư sang năng lượng sạch không những mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng, mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm không khí. Ông Stern cũng khuyến cáo các tổ chức tài chính khác nên xem xét đi theo hướng của EIB để có thể đầu tư đúng đắn cho một tương lai bền vững hơn.
EIB không phải là thể chế tài chính đầu tiên xem xét việc chuyển đầu tư ra khỏi các ngành công nghiệp được coi là phải chịu trách nhiệm cho phần lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đầu năm nay, quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1.000 tỷ USD của Na Uy đã công bố kế hoạch bán cổ phần của một số công ty dầu khí. Động thái này được các nhà hoạt động môi trường đánh giá cao.