Ngày 23-2, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên tiếng trấn an người dân nước này không nên lo lắng về nguồn cung cấp năng lượng của đất nước khi mà nguồn cung cấp khí đốt có thể bị cắt giảm 1 tỷ m3 từ Myanmar do nước này cho đóng cửa mỏ khí đốt Yadana. Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á phụ thuộc vào nhiều nguồn năng lượng nhập khẩu không chỉ từ các nước láng giềng.
Trước đó 2 ngày, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cảnh báo việc khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu gây “rủi ro nghiêm trọng” đối với sự ổn định kinh tế và an ninh năng lượng trong khu vực.
Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (APERC), khu vực này dự kiến sẽ nhập 44% nhu cầu tiêu thụ dầu cơ bản trước năm 2035, cao hơn so với mức 36% hồi năm 2010. An ninh năng lượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành vấn đề cấp bách sau khi “Mùa xuân Arập” cho thấy nguồn cung năng lượng từ các nước Trung Đông đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Có thể nói khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chạm gần bước ngoặt an ninh năng lượng mới khi chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ năng lượng của thế giới trong bối cảnh mối quan ngại về an ninh năng lượng hạt nhân đang leo thang trên toàn cầu sau thảm họa tại nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản cách đây gần 2 năm.
Kể từ đó, những quyết định xem xét lại sự kết hợp năng lượng đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều nước. Tuy nhiên, theo Eastasiaforum, năng lượng hạt nhân tiếp tục được xem là nguồn năng lượng quan trọng của châu Á. Trong khi tại Nhật Bản, nguồn năng lượng này đang là vấn đề tranh cãi và gây chia rẽ trong công chúng và cả trong chính phủ thì số lượng các nhà máy hạt nhân vẫn sẽ tiếp tục mọc lên trong suốt phần còn lại của châu Á trong tương lai gần.
Trong cuộc họp mới đây, các nhà lãnh đạo APEC đã ra tuyên bố phải “đảm bảo an toàn và an ninh trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân như nguồn năng lượng sạch tại các nền kinh tế trong khu vực bằng cách chia sẻ chuyên gia, kiến thức và cách thức thực hành tốt nhất để nâng cao tiêu chuẩn an toàn hạt nhân và phối hợp ứng phó khẩn cấp”.
Nếu như trước đây, các sáng kiến để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu của APEC chỉ được thực hiện theo chỉ đạo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA), tại hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Nga, các nhà lãnh đạo APEC cũng đã đề nghị xem xét tình trạng hiện tại và triển vọng thị trường năng lượng khu vực APEC với quan điểm gia tăng khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một trong những loại nhiên liệu hóa thạch sạch nhất trong khu vực.
Với lợi thế gây ra tác động nhỏ hơn cho môi trường so với các loại nhiên liệu hóa thạch khác, trữ lượng cũng được phân bổ tương đối đồng đều, LNG được dự đoán sẽ lan rộng trong APEC trong tương lai gần. Vào tháng 9 tới, khi Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản và APEC sẽ tổ chức Hội nghị các nhà sản xuất và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng ở Tokyo.
Tham dự có các bộ trưởng năng lượng của Australia, Canada, Qatar và Hàn Quốc với mục đích gia tăng tính minh bạch trong cung và cầu nguồn LNG, tạo điều kiện giao dịch thương mại tốt hơn nguồn năng lượng này.
HẠNH CHI