Nỗi lo bên dòng Đăk Mét

Hơn 3.000 người Giẻ Triêng ở 2 xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) sống trong sợ hãi, thiếu thốn, bị cô lập hơn nửa tháng qua. Bão số 9 đã gây ra lũ quét, sạt lở khiến toàn bộ tài sản, nhà cửa của người dân trôi theo dòng Đăk Mét. 9 người chết và 4 người mất tích sau trận sạt lở núi kinh hoàng. Người dân lâm vào cảnh khốn khó.
Chị Hồ Thị Giang (Phước Lộc) ngày nào cũng lội bùn tìm chồng rồi về căn nhà đổ nát thẫn thờ đợi tin chồng
Chị Hồ Thị Giang (Phước Lộc) ngày nào cũng lội bùn tìm chồng rồi về căn nhà đổ nát thẫn thờ đợi tin chồng

Vọng phu giữa đại ngàn

Sau hơn 1 tuần đồng bào 2 xã miền núi Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) bị cô lập bởi mưa lũ và sạt lở núi, chúng tôi mạo hiểm vượt hàng chục cây số từ thị trấn Khâm Đức qua cung đường hiểm trở vì sạt lở núi và lũ quét rập rình mới tới được Phước Thành, Phước Lộc. Con đường huyết mạch liên xã từ Phước Thành đi Phước Lộc bị nước xiết, khoét thành rãnh sâu hóm. Có đoạn bị dòng lũ cắt đứt, đá và cây rừng chặn ngang. Những cây cầu bê tông như cầu khe Xà Rim, cầu Ván (Phước Thành), cầu Đăk Bay, cầu Bản, cầu Nước Râu (Phước Lộc) chỉ còn trơ khung sau những trận lũ quét. Trên đường đi chỉ cần cái sẩy chân là phải trả giá bằng mạng sống.  

Trận lũ quét vào cuối tháng 10 không chỉ cày xới cầu đường mà còn biến làng mạc thành bình địa. Nhà cửa bị vùi lấp, bị cuốn trôi xuống suối Đăk Ba Sao, ra sông Đăk Mét. “Dòng nước lũ hung ác kia cuốn hết rồi. Không còn gì cả. Chỉ còn lại bùn, đá…”, chị Hồ Thị Nguyệt (xã Phước Thành) thờ thẫn bên sông tìm kiếm đồ đạc còn sót lại mấy ngày qua, cho biết. 

Trời ngớt mưa, chị Hồ Thị Giang (xã Phước Lộc) cùng người dân lội bùn quay về nhà để tìm những đồ dùng còn sót lại. Thi thoảng chị Giang nhìn về phía dòng sông Đăk Mét, đôi mắt đỏ hoe, trông mong tin tức về người chồng mất tích nhiều ngày qua. Chồng chị Giang - anh Hồ Văn Sợ, cán bộ tuyên giáo và dân vận xã Phước Lộc cùng một cán bộ khác trong lúc lũ ống, sạt lở đổ xuống khu dân cư đã chạy tìm từng người dân để đưa về UBND xã tránh trú, nhưng không may anh Hồ Văn Sợ bị nước cuốn trôi. “Nửa tháng nay, ngày nào mình cũng ra bờ sông, bờ suối tìm chồng. Đêm nghe tiếng đá rơi, tiếng nước chảy, mình không ngủ được. Nuốt hạt cơm lẫn nước mắt nghẹn ngào nhưng phải cố gắng để còn khỏe nuôi đứa con 4 tuổi và đợi tin chồng. Chồng đi cứu người mà lâu quá. Người ta chỉ nơi xe chồng mình dựng bên đường, nói anh đã bị lũ cuốn tại chỗ này, nhưng mình không tin đâu, chắc là chồng mình đang bị kẹt đâu đó, sẽ về với mẹ con mình…”, chị Giang nước mắt giàn giụa, nuôi hy vọng.

Ông Trương Thắm, năm nay ngoài 70 tuổi, than vãn, mấy chục năm sống trên mảnh đất này chưa từng thấy cảnh tượng hãi hùng đến như vậy. “Tài sản dành dụm cả đời đã nằm trong lòng đất. Sống triền núi thì bị núi lở vùi lấp, sống giữa thung lũng bằng phẳng như chúng tôi thì bị lũ quét. Không biết nơi đâu là an toàn nữa”, ông Thắm nghẹn ngào.

Đường đến xã Phước Lộc giờ chỉ còn bùn đất, đá và dòng nước chảy xiết

Phận không nhà   

Buổi sáng hoặc chập tối, chúng tôi bắt gặp những người dân bước ra từ trụ sở UBND xã, tay ôm túi mền gối và một số vật dụng vừa được hỗ trợ. Họ đi đến nhà người quen hoặc ra bờ suối, nơi có những tảng đá lớn mà họ gọi là nhà để nhìn dòng nước chảy trong nỗi buồn xót xa. Buổi chiều tối lại dắt díu nhau cũng với cái túi đồ ấy về trụ sở xã để tìm chỗ trú ngụ. Nhà trôi, cũng may đứa con đầu của gia đình anh Hồ Văn Minh (thôn 2, xã Phước Thành) được kéo ra kịp thời trong đống bùn pha trộn đá núi. Anh Minh nghẹn ngào nhớ lại: “Chiều hôm ấy, thấy nước về nhanh quá, hàng xóm gào khóc gọi nhau. Tôi gọi vợ ôm đứa con nhỏ chạy ra, nhưng nhớ lại cậu con trai còn đang ngủ nên chạy vào tìm nhưng không thấy đâu. Tôi hét lớn tìm con và được hàng xóm giúp bới đống bùn đất, lôi nó ra rồi ôm chạy. Bây giờ đôi mắt nó bị bùn vào sưng húp…”.

Không chỉ mất nhà, sống tạm, không điện, thiếu nước, người dân 2 xã Phước Thành và Phước Lộc đang đối mặt với dịch bệnh. Một số thôn tại xã Phước Lộc vẫn còn bị cô lập, sạt lở rình rập. 4 người mất tích vẫn chưa tìm thấy. Em Hồ Thị Hướp (thôn 6, xã Phước Lộc) hiện đang học tại huyện Nam Giang, bị mất nhà, mẹ chết trong trận lũ quét, nhưng không thể về được. Em đã khóc ngất 2 tuần nay, đòi băng rừng về nhìn mẹ lần cuối. Nhưng đường sá chia cắt, nhà trường quyết giữ em lại; thầy cô kề cận hàng ngày an ủi em.

Mất nhà, hàng chục hộ dân đang sống tạm tại trụ sở UBND xã, trung tâm y tế xã và trường học, nay đã không còn nước mắt để khóc. Ngày 13-11, chính quyền huyện Phước Sơn cũng đã triển khai dựng nhà tạm cho bà con ở, vệ sinh trường học cho các em học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn, dựng nhà tạm là giải pháp cấp bách, sau đó huyện sẽ tính toán; bởi hiện nay đất rộng nhưng mặt bằng an toàn để làm nhà ở thì vô cùng khó khăn. 

Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, xã Phước Lộc lọt thỏm giữa mênh mông sông nước, đất đá bùn lầy bủa vây. Những ngọn núi xung quanh ngậm nước dài ngày chực chờ đổ ập bất cứ lúc nào. Đời sống bà con chênh vênh bất an giữa cái đói, rét, dịch bệnh và cô lập. Đường từ xã Phước Lộc về xã Phước Công để về thị trấn Khâm Đức nay không còn nữa. Chỉ gần 10 cây số nhưng chúng tôi phải mất hơn nửa ngày lội bộ qua cung đường ngập ngụa bùn đất, đu dây, vượt núi… mới có thể đến nơi. Cuộc sống của đồng bào vùng cao đã nghèo, thiếu thốn, nay lại thêm khốn khó. Trên những triền núi xa, bông lau trắng đã bắt đầu trổ cờ, báo hiệu cho một mùa bão lũ đi qua.

Theo ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn, thiệt hại do bão lũ toàn huyện Phước Sơn trên 350 tỷ đồng. Con đường từ Phước Công đi Phước Lộc với khối lượng sạt lở quá lớn, hết năm 2021 cũng chưa chắc thông tuyến. Huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt, tích cực để sửa đường trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, huyện sẽ tập trung khắc phục tuyến đường từ Phước Kim đi Phước Thành và từ Phước Thành đi Phước Lộc để vận chuyển hàng hóa, gạo, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con. Nếu không đi được bằng ô tô thì có thể mở đường đi bộ, hoặc đi xe máy để trung chuyển lương thực, thực phẩm, kiên quyết không để cho người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

* Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn:

"Năm 2021, Phước Sơn sẽ không xây dựng mới công trình mà dành toàn bộ nguồn kinh phí đầu tư công, khoảng hơn 120 tỷ đồng, để tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra. 5 năm địa phương phấn đấu giảm từ 5%-7% hộ nghèo/năm, thì giờ đây, sau một cơn bão, số bà con nghèo, tái nghèo lại tăng lên nhiều lần. Không nhà không cửa, không ruộng vườn, nương rẫy, chuyện tái nghèo là điều đương nhiên. Nội lực của huyện nghèo 30a như Phước Sơn là rất hạn chế, do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, trợ lực kịp thời của Trung ương, tỉnh và các nhà hảo tâm để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai, lũ dữ"

Tin cùng chuyên mục