Trong những ngày qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường trong sắc phục đỏ rực thuộc Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) để trình đơn thỉnh cầu lệnh ân xá của Hoàng gia đối với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng hàng triệu chữ ký ủng hộ. Tình hình căng thẳng khiến Văn phòng thư ký Hoàng gia Thái Lan đồng ý yêu cầu chính phủ xem xét đơn xin ân xá cho ông Thaksin và trình kiến nghị chính thức lên Hoàng gia về vấn đề này.
Trong khi đó, báo The Nation (Thái Lan) ngày 18-8 đưa tin Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết, chính phủ sẽ xem xét kiến nghị của UDD về việc ân xá cho ông Thaksin trong vòng 60 ngày vì đơn này liên quan đến một số lượng lớn những người ký tên xin ân xá cho ông Thaksin. Bộ Tư pháp Thái Lan là cơ quan chính giải quyết vấn đề này. Đây thực sự là một bước chuyển đáng chú ý, vì trước đó Thủ tướng Abhisit Vejjajiva khẳng định, chính phủ sẽ bác đơn xin ân xá.
Tuy nhiên, phe “áo đỏ” vẫn không muốn vụ việc kéo dài. Đồng thủ lĩnh của UDD Jatuporn Prompan cho rằng chính phủ của ông Abhisit Vejjajiva buộc phải xem xét kiến nghị của UDD. Nếu cố tình trì hoãn, chính phủ sẽ phải đối mặt với sự giận dữ của 3 triệu người đã ký vào đơn kiến nghị ân xá cho cựu thủ tướng Thaksin.
Về phần chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Chaovarat Charnveerakul cho biết chính phủ cũng đã thu thập được hơn 10 triệu chữ ký phản đối ân xá cho ông Thaksin. Không chỉ vậy, mới đây, chính phủ Thái Lan cũng đã tổ chức một buổi truyền hình trực tiếp để tuyên truyền việc bác bỏ đề nghị ân xá cho cựu thủ tướng Thaksin. Chính quyền Thái Lan lo ngại sự trở lại của ông Thaksin sẽ gây bất ổn cho đất nước này. Điều này hoàn toàn có khả năng diễn ra vì theo báo chí Thái Lan, thủ lĩnh phe “áo đỏ” Jatuporn Prompan đã tuyên bố sau khi kế hoạch xin Hoàng gia ân xá cho Thaksin được thực hiện sẽ là các cuộc đấu tranh của UDD để lật đổ chính phủ hiện nay ở Thái Lan.
Kinh tế xuống dốc, bất ổn chính trị dâng cao thực sự là bước cản trên con đường giành lại uy tín của chính phủ Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Mặc dù chính phủ liên minh 6 đảng đang có nhiều nỗ lực thực hiện những biện pháp kinh tế kiểu ông Thaksin từng làm đối với nông thôn, nhưng điều đó là chưa đủ để hàn gắn được sự chia rẽ sâu sắc về chính trị trong xã hội.
Đã gần 4 năm nay, nền chính trị được mệnh danh là “dân chủ đa đảng” của Thái Lan biến động triền miên. Dân chúng bị chia rẽ và bị các đảng phái chính trị lôi kéo, chia thành các phe “áo vàng” (thân chính phủ hiện nay), phe “áo đỏ” thân cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ và phe “áo xanh” ủng hộ cựu nghị sĩ Newin Chidchob, người bị coi là đã quay lưng lại với Thaksin nhưng cũng bị buộc tội tham nhũng.
Ngoài các cuộc biểu tình đấu tranh với chính phủ của UDD, nguy cơ bạo lực, xung đột nổ ra giữa các phe phái đang là nỗi lo của người Thái Lan trong bối cảnh sự hồi phục khủng hoảng kinh tế còn mong manh.
NGUYỄN KHẮC ĐỨC