Với đà này, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và nhiều nơi khác cũng có thể học theo mô hình này. Đó là lý do vì sao nhiều nước tỏ ra lo ngại về cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có ranh giới sát khu vực người Kurd ở Iraq. Ngoài ra, đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị chính phủ nước này liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, qua hàng loạt vụ đánh bom. Chính phủ Thổ Nhì Kỳ đe dọa cho ngừng dòng chảy dầu thô từ khu vực người Kurd tại Iraq sang cảng Ceyhan cũng như cấm vận thương mại khu vực người Kurd.
Theo báo The Guardian, giao dịch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực người Kurd ở Iraq lên tới 10 tỷ USD/năm, cấm vận cũng ảnh hưởng đến chính Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và tất nhiên là Iraq cũng có nhiều biện pháp mạnh với khu vực người Kurd ở Iraq. Baghdad ra lệnh đóng cửa không lưu khu vực người Kurd. Ngay cả Mỹ và Anh cũng cật lực phản đối cuộc trưng cầu dân ý này vì điều đó đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, nơi Mỹ và Anh đã phải tốn cả xương máu và tài chính để xây dựng dựng lại một Iraq đang kiệt quệ vì chiến tranh.
Không chỉ ở những khu vực giao tranh người ta mới lo ngại trào lưu ly khai, ngay tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này cũng đang cương quyết dập tắt mọi bước đi chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý độc lập của khu vực Catalonia, dự kiến diễn ra ngày 1-10. Kể từ khi Tòa án Công lý Tây Ban Nha ra phán quyết xem cuộc trưng cầu dân ý này là vi hiến, cảnh sát Tây Ban Nha ráo riết bố ráp các hoạt động in ấn phiếu trưng cầu và chuẩn bị hòm phiếu, địa điểm. Đến nay, cảnh sát đã bắt giữ 4 quan chức chính quyền Catalan tham gia công tác chuẩn bị trưng cầu và tịch thu gần 10 triệu lá phiếu. Các trang web thiết kế cho cuộc trưng cầu bị đánh sập. Người đứng đầu khu vực Calalonia Carles Puigdemont đang bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tờ Washington Post cho rằng, khu vực Catalonia chiếm 16% dân số Tây Ban Nha, 1/5 GDP, 1/4 xuất khẩu và hơn một nửa đầu tư mới vào năm 2016. Vì vậy, việc độc lập của Catalonia là “án tử” với Madrid. Ngoài ra, Catalonia độc lập là vấn đề hết sức nguy hiểm trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chưa xử lý xong khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp cũng như khủng hoảng người nhập cư từ Trung Đông và Anh chuẩn bị rời EU (Brexit). Hơn lúc nào hết, EU cần ổn định.
Làn sóng ly khai không phải là mới nhưng dường như mang tính chất domino. Cụ thể là không lâu sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6-2016, đến lượt Scotland cũng trưng cầu dân ý rời Liên hiệp Anh. Giờ đây là khu vực người Kurd ở Iraq và khu vực Catalonia ở Tây Ban Nha. Trước đó nữa là trưng cầu dân ý ở Quebec (Canada), Nam Sudan và Australia… Nhưng có lẽ trào lưu ly khai và độc lập trỗi dậy mạnh nhất là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Đó là lý do tại sao không ít người lo ngại thế giới đang tan rã thông qua cuộc nội chiến và chủ nghĩa ly khai.