Nỗi lo sạt lở trái mùa

Mặc dù đang vào cao điểm mùa khô, thế nhưng tình trạng sạt lở bờ sông vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh ĐBSCL. Trong lúc người dân luôn thấp thỏm lo ruộng vườn, nhà cửa và tính mạng bị đe dọa thì chính quyền địa phương nơi đây cũng rối bời chuyện chống sạt lở…
Nỗi lo sạt lở trái mùa

Mặc dù đang vào cao điểm mùa khô, thế nhưng tình trạng sạt lở bờ sông vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh ĐBSCL. Trong lúc người dân luôn thấp thỏm lo ruộng vườn, nhà cửa và tính mạng bị đe dọa thì chính quyền địa phương nơi đây cũng rối bời chuyện chống sạt lở…

Sạt lở liên tục

Ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là nơi bị sạt lở nghiêm trọng nhất trên tuyến kênh Chợ Gạo hiện nay. Bà Huỳnh Thị Mười, nhiều năm sống ở ấp Tân Hòa cho biết: “Hồi trước căn nhà tôi nằm tuốt ngoài kia, thế nhưng sạt lở ngày càng nhanh khiến tôi phải 4 lần dỡ nhà tháo chạy. Riêng đất vườn dừa ngày trước có 3,5 công, nhưng “bà Thủy” cứ nuốt riết, giờ chỉ còn lại khoảng 2 công. Hiện nay sạt lở vẫn tiếp diễn và đất đai tiếp tục bị mất từng ngày…”.

Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Bạch Hồng, cùng ngụ ấp Tân Hòa, than thở: “Sau năm 1975, ông bà để lại cho tôi hơn 9 công đất nằm cạnh tuyến kênh Chợ Gạo. Khu vực này chủ yếu trồng dừa, nhưng cứ vài hôm là mấy cây dừa bị trốc gốc rồi bị nước cuốn trôi mất. Ban đầu tưởng sạt lở bình thường nên nhà nào cũng lấy cây và dây chằng chéo phòng ngừa, tuy nhiên giải pháp thủ công này chẳng ăn thua gì so với dòng nước chảy xiết. Gần đây gia đình tôi vừa đo đất lại thì phát hiện bị nuốt chửng gần 3 công?”.

Theo ông Trần Tuấn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, nếu như thời gian trước sạt lở thường diễn ra vào mùa lũ, mùa mưa thì gần đây sạt lở xuất hiện cả vào mùa khô. Hiện ở ấp Tân Hòa chiều dài sạt lở khoảng 1km, có hơn 60 hộ bị ảnh hưởng, nơi sạt lở nhiều nhất ăn sâu vào đất liền hơn 20m, rất nguy hiểm.

Sạt lở tràn lan ở ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông (Chợ Gạo, Tiền Giang).

Tại Đồng Tháp, sạt lở lan rộng ở nhiều nơi, trong đó xã An Hiệp (huyện Châu Thành) là điểm nóng. Theo thống kê của UBND xã An Hiệp, gần 1 năm qua đã xảy ra 5 vụ sạt lở khiến nhiều hộ phải dỡ nhà tháo chạy, gây thiệt hại lớn về tài sản, đất đai… Trước đây sạt lở ở dạng bào mòn, lở từ từ…, nay sạt lở có thể ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét và lở cả mùa lũ lẫn mùa khô.

Anh Nguyễn Tấn Hậu, ở ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp chua xót: “Lở đất xảy đến liên tục nên nhiều hộ không còn đất cất nhà tạm để ở. Khu vực này có rất nhiều hộ còn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng thực tế đất không còn bởi đã bị “bà Thủy” cuốn đi mất. Sống ở vùng sạt lở cứ canh cánh lo âu, đêm nằm không yên giấc được”.

Dồn sức chống sạt lở

Trước tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nguy hiểm, cuối tháng 3-2015, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở đất bờ sông Tiền, đoạn qua xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Theo đó, chiều dài khoảng 2.100m có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương xác định ngay vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực thường xảy ra sự cố để cảnh báo cho người dân biết, hạn chế giao thông khu vực này. Song song đó, tiến hành di dời gấp các hộ dân, nhà cửa, cơ sở sản sản xuất kinh doanh… ra khỏi nơi sạt lở, bố trí chỗ ở an toàn. Các sở, ngành chức năng triển khai các giải pháp xử lý, khắc phục khẩn cấp sạt lở.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 150 tỷ đồng, giúp địa phương xử lý khẩn cấp việc khắc phục sạt lở ở xã An Hiệp; bởi nơi đây còn khoảng 150 hộ cần phải di dời và hàng trăm hộ khác có nguy cơ bị ảnh hưởng, nếu không có giải pháp kịp thời.

Theo Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, nguyên nhân dẫn đến sạt lở nghiêm trọng ở kênh Chợ Gạo là do lưu lượng tàu thuyền qua lại rất nhiều, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.400 - 1.500 phương tiện, bởi đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL đi TPHCM và ngược lại. Để khắc phục sạt lở, Bộ GTVT phê duyệt dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo có độ rộng thông thuyền 55m, dài 27km, với tổng mức đầu tư 2.264 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Cuối tháng 12-2013, Bộ GTVT khởi công dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, qua địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Dự án được phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2015, với tổng mức đầu tư gần 790 tỷ đồng, gồm giải phóng mặt bằng 29,45ha và nạo vét luồng đoạn rạch Lá, rạch Kỳ Hôn và bờ Bắc Chợ Gạo. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2016 - 2017), với tổng mức đầu tư gần 1.480 tỷ đồng cho các hạng mục còn lại của dự án.

Có thể nói, việc nâng cấp kênh Chợ Gạo khi hoàn thành sẽ khắc phục vấn đề quá tải, ùn tắc tàu thuyền xảy ra nhiều năm qua. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải thủy ngày càng tăng giữa các tỉnh ĐBSCL đi TPHCM và ngược lại, giúp ổn định đời sống người dân hai bên bờ sông. Tuy nhiên, nguồn vốn nâng cấp kênh Chợ Gạo và chống sạt lở rất lớn, vì vậy phải triển khai từng bước.

Hiện những nơi như ấp Tân Hòa (xã Xuân Đông) đang sạt lở nghiêm trọng, bởi dự án chưa được thi công tới. Người dân mong chờ ngành chức năng sớm triển khai và có giải pháp “chữa cháy”, bởi từ nay đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở sẽ phức tạp hơn. Nhất là tuyến đê bao ở ấp Tân Hòa nguy cơ bị “nuốt chửng”, đe dọa hàng trăm hécta vườn, nhà…

NGUYỄN THANH

Tin cùng chuyên mục