Những vụ vỡ đập thủy điện liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong những năm qua đe dọa đến tính mạng của người dân, cây cối, hoa màu bị tàn phá. Mới đây, vụ việc sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo tại Lạc Dương (Lâm Đồng) khiến 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm tối gần 4 ngày đang còn nóng hổi khiến dư luận lo lắng và đặt câu hỏi về chất lượng các công trình thủy điện cùng những hệ lụy mà các dự án thủy điện gây ra.
Thân đập bị vỡ vào cuối tháng 9-2013, nước lũ trong lòng hồ thủy điện Đakrông 3 cuồn cuộn chảy về hạ du.
Những tai họa từ thủy điện
Năm 2012, những trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) với cường độ ngày càng mạnh và tần suất ngày càng nhiều. Từ đó đến nay nhiều nhà khoa học, các chuyên gia… về nghiên cứu, xem xét tình hình và kết luận động đất tại công trình đã được khẳng định là động đất kích thích, các kết quả giám định an toàn thủy điện Sông Tranh đều khẳng định tốt. Tuy nhiên, vẫn không làm an lòng những người dân ở đây khi nhà cửa, tài sản của họ bị hư hại liên tiếp bởi động đất.
Động đất vẫn tiếp diễn và chưa dừng lại thì bất ngờ xảy ra sự cố sập bờ đập thủy điện Đăk Mek 3 (thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) được cho là một chuyện hy hữu nhất từ trước đến nay khi nguyên nhân sập thủy điện dài 80m, cao 20m sụp đổ một đoạn 60m là do… 1 chiếc xe ben.
Cũng trong năm 2012, thêm một câu chuyện buồn khác là sự cố đập chắn thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị) bị vỡ toang vào ngày 7-10. Được biết, công trình này, chỉ sau một trận mưa vừa, đập dâng của công trình đã bị vỡ dài gần 30m, tạo thành luồng nước mạnh chảy về phía hạ lưu gây sạt lở một số hạng mục khác, ước tính thiệt hại lên tới 20 tỷ đồng.
Tại Quảng Ngãi, công trình hồ chứa nước Nước Trong kết hợp thủy điện được thi công những năm qua dù chưa hoàn thành nhưng bờ tường đập đã bị nứt trong năm 2013 khi bắt đầu tích nước. Các kết quả kiểm tra từ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho thấy việc xử lý hiện tượng nứt tường thượng lưu đập tràn chưa hợp lý về quy trình và kỹ thuật thực hiện. Ai dám chắc trong tương lai đập ngăn gần 290 triệu m3 nước này không có những sự cố tương tự?
Bỏ ngỏ thủy điện vừa và nhỏ?
Hầu hết những thảm họa do thủy điện gây ra đều rơi vào những dự án vừa và nhỏ. Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung, tính đến thời điểm này toàn miền Trung có trên 40 nhà máy thủy điện loại công suất dưới 30MW đã được các chủ đầu tư đưa vào khai thác, phát điện, trong đó chỉ có 4 nhà máy do Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lý là Ry Ninh (Gia Lai), ĐrayH’linh (Đắk Lắk), Kon Đào (Kon Tum) và An Điềm (Quảng Nam), số còn lại hầu hết là của các nhà đầu tư ngoài ngành điện. Việc xây dựng những công trình thủy điện nhỏ này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua các đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh. Ngoài ra, việc quản lý, giám sát thi công lỏng lẻo như hiện nay sẽ là điều đáng lo ngại cho vùng hạ du.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, hầu hết các thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đều chưa xây dựng kịch bản đề phòng sự cố khẩn cấp vỡ đập theo Nghị định 72.
Tại diễn đàn “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” tổ chức tại TP Huế ngày 28-10-2014 đã đưa ra một nguyên nhân thực tế hết sức lo ngại và cực kỳ nguy hiểm: phần lớn các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên không trồng bù rừng. Nếu có trồng cũng chẳng đáng là bao, đó là chưa kể đến chất lượng rừng trồng nên tạo ra những trận lũ dữ bất thường cho vùng hạ du, gây thiệt hại cho con người, cuốn trôi hoa màu, gia súc, sạt lở bờ sông, hư hại công trình giao thông, gián đoạn sinh hoạt.
Có rất nhiều lý giải cho các hệ lụy này, trong đó nổi bật là khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường và xã hội từ các dự án thủy điện chưa chặt chẽ, đôi lúc rất hình thức. Chủ đầu tư không có nhiều chuyên môn trong thi công và vận hành thủy điện, hoặc đầu tư không đúng mức, đặc biệt xem nhẹ các yếu tố môi trường và xã hội mà người dân là đối tượng chịu nhiều thiệt hại và tổn thương nhất…
Qua các sự cố này, Hội Cơ học thủy khí Việt Nam nhận định đã lộ diện những bất hợp lý điển hình cho loại thủy điện nhỏ này, như kỹ thuật xây dựng đập bê tông đầm lăn giống như một quả dưa hấu. Đập thủy điện Đăkrông 3 chưa xây xong đập đầm lăn bên trong thì như quả dưa rỗng ruột, không vỡ thì cũng bị lật khi tích nước là điều hiển nhiên. Bởi vậy, việc chưa hoàn tất xây đập đã cho tích nước là một việc làm liều lĩnh. Và càng nguy hiểm hơn nếu vỡ dây chuyền, khi đó, thảm họa sẽ không lường hết được.
Hà Minh - Văn Thắng - Nguyên Khôi
| |
Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo
Nhiều nhà thầu “đầu hàng” vì địa chất phức tạp
(SGGP).- Ngày 22-12, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, phân định để truy cứu trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tham gia hoạt động xây dựng công trình này.
Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ, dự án thủy điện Đạ Dâng là công trình xây dựng cấp 3, thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý, khởi công tháng 12-2003. Chủ đầu tư ban đầu là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5, đến năm 2007 chuyển đổi sang Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Long Hội. Nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật là Viện Thiết kế thủy lợi và điện lực Nam Ninh (Trung Quốc) và nhà thầu tư vấn giám sát thi công là Công ty cổ phần Tư vấn Nhật Thăng. Về hạng mục hầm dẫn nước, ban đầu do Công ty cổ phần Xây dựng Lũng Lô 2 triển khai, sau đó chuyển sang Công ty cổ phần xây dựng công trình ngầm thực hiện đào và gia cố đoạn 600m đầu hầm và nay chuyển Công ty cổ phần Sông Đà 505 thi công vỏ bọc bê tông, đoạn còn lại do Công ty cổ phần Sông Đà 10 thi công.
Chiều cùng ngày, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.
Phát biểu trong cuộc họp, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex (công ty mẹ của Công ty CP Đầu tư Xây dựng điện Long Hội, chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo), đã gửi lời xin lỗi đến tất cả mọi người vì đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc. Theo ông Thăng, sở dĩ xảy ra sự cố là vì khu vực công trình này có địa chất rất phức tạp. Nhà thầu thứ nhất là Công ty Lũng Lô đầy kinh nghiệm nhưng cũng “đầu hàng”. Nhà thầu thứ hai là Vinaconex trong quá trình thi công gặp lớp đất phức tạp, bị tụt một lần và không khắc phục nổi, chủ đầu tư quyết định dừng vì nếu tiếp tục sẽ rất nguy hiểm. Khi Công ty Sông Đà 505 vào đảm nhiệm việc gia cố hầm, do mang máy móc gây rung và trước đó mưa kéo dài, đất ngấm nước nặng sụp xuống.
Điều đáng nói là trước khi xảy ra sự cố nghiêm trọng này, nhiều sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra hoạt động thi công tại đây và nhận thấy nền địa chất của hầm dẫn nước yếu, nên đã đề nghị trong quá trình thi công cần chú ý việc gia cố, xử lý theo đúng quy định để tránh xảy ra các sự cố, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Trong đợt kiểm tra vào tháng 4-2014, Sở Xây dựng Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư bổ sung các hồ sơ quản lý chất lượng công trình còn thiếu, kịp thời chấn chỉnh các mặt chưa làm được và tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Phát biểu tại cuộc họp rút kinh nghiệm, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho rằng đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhất trên địa bàn. Qua vụ việc này, cần phải xem xét lại việc tuân thủ quy trình vận hành thi công các công trình, đặc biệt các công trình ngầm, từ khâu khảo sát, thiết kế, chọn đơn vị thi công…
Nhóm PV
- 11 công nhân đã được xuất viện