Tôm là sản phẩm có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 3 tỷ USD, tạo ra khoảng 2 triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nghề nuôi tôm ở Việt Nam có tiềm năng bậc nhất trong ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng sản xuất và mở rộng vùng nuôi. Tại Việt Nam, vùng ĐBSCL là nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để tập trung phát triển thành vùng sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm của cả nước. Tuy nhiên, bất cập của ngành tôm hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nên chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết.
Một nghịch lý là giá thành tôm nuôi ở Việt Nam luôn rất cao (so với các nước cạnh tranh chính như Ấn Độ, Thái Lan…) do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Chính điều này đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành tôm Việt Nam.
Trong khi đó, cả nước hiện có tổng diện tích nuôi cá tra khoảng 3.100ha, đạt 62,3% kế hoạch năm và tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2016. Diện tích thu hoạch cá tra khoảng 1.700ha và sản lượng cá tra nguyên liệu đạt trên 519.000 tấn.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, giá cá tra nguyên liệu tăng cao, đạt từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, còn hiện nay ở mức từ 21.500 - 23.000 đồng/kg, người nuôi vẫn có lãi. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến ngày 15-6 vừa qua đạt trên 582 triệu USD, tăng 2,7% cùng kỳ 2016. Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo thực hiện tốt các giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất, đặc biệt trong công đoạn ương dưỡng con giống; xã hội hóa công tác chọn tạo giống cá tra bố mẹ.
Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung cần chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra cũng như kiểm soát vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Trở lại với con tôm, theo Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngay từ năm nay, có nhiều phương án triển khai để ngành tôm tăng trưởng một cách bền vững; trong đó, có giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, tập trung vào những mô hình phù hợp để giảm thiểu rủi ro cho người dân.
Theo đó, sẽ rà soát lại quy hoạch, đối với vùng nào phù hợp loại hình nuôi nào sẽ triển khai tiến bộ kỹ thuật vào từng loại hình để phát triển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quan trắc và quản lý môi trường, để có những thông tin về môi trường, dịch bệnh và những giải pháp kèm theo, giúp người dân có những ứng phó và chủ động trong nuôi tôm.
Cũng theo ông Luân, đối với chuỗi sản xuất tôm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu thì quá trình nuôi đóng vai trò quan trọng; trong đó, tổ chức lại liên kết sản xuất để tạo ra những cánh đồng lớn, tiếp cận vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất và chất lượng được đảm bảo. Ngoài ra, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đầu vào nhằm kiểm soát tốt ngay từ đầu giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Người dân và doanh nghiệp ĐBSCL hy vọng với những giải pháp nêu trên, 2 mặt hàng xuất khẩu chiến lược này tiếp tục phát triển bền vững để bà con ổn định sản xuất và đời sống, tránh tình trạng bấp bênh như vừa qua n