Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau trận động đất lịch sử tại Nhật Bản đã khiến nhiều nước lo ngại về an toàn hạt nhân. Thậm chí, có nước hoãn các kế hoạch xây thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân. Vậy sự cố này gây ảnh hưởng ra sao?
Nguy cơ
Trong vụ nổ các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, ngoài lò phản ứng chứa lõi hạt nhân mà các lực lượng Nhật Bản đang tích cực làm việc 24/24 giờ để làm nguội, ngăn cản lõi hạt nhân nóng chảy, một nguy cơ khác đến từ hồ chứa các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Mặc dù đã qua sử dụng nhưng các thanh nhiên liệu này vẫn tiếp tục phát ra bức xạ, nhất là khi không có nước làm nguội. Do tập trung lo cho các lò phản ứng, hồ chứa này của nhà máy Fukushima cũng đang cạn kiệt nước làm nguội.
Theo nghiên cứu vào năm 1997 của Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven, bang Long Island, Mỹ, nếu xảy ra sự cố ở các hồ chứa thanh nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng, bức xạ hạt nhân có thể làm chết nhanh chóng 138.000 người trong bán kính 820km. Ngoài ra, bán kính bị nhiễm phóng xạ có thể lên đến 3.580km và thiệt hại 546 tỷ USD.
Theo quy định an toàn hạt nhân, một thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng phải được làm nguội trong hồ chứa dưới 9m nước. Nếu không đủ nước, trong vòng vài ngày đến một tuần, các thanh này sẽ làm nước sôi lên và lên tới mức nguy hiểm trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Một khi tất cả các thanh nhiên liệu đều phát nhiệt, nước cạn và chúng sẽ bốc cháy.
Các thanh nhiên liệu chất phóng xạ iodine 131 đã qua sử dụng trong vài tháng sẽ trở thành vô hại. Nhưng đối với chất đồng vị phóng xạ cesium 137 trong trường hợp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima có thời gian hoạt động lên đến 30 năm sau khi thải từ lò phản ứng và phải mất 2 thế kỷ độ phóng xạ của nó mới giảm xuống còn 1%.
Cho tới nay, chất cesium 137 hiện vẫn còn hiện diện trong đất xung quanh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl sau thảm họa vào năm 1986.
Hậu quả
Nếu chỉ tính về tai nạn lao động tại các nhà máy điện hạt nhân, con số người chết thấp hơn nhiều so với tai nạn tại các nhà máy điện chạy than hay khí đốt. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong giai đoạn từ năm 1970 - 1992, chỉ có 39 trường hợp công nhân nhà máy điện hạt nhân chết vì tai nạn lao động. Cùng kỳ, có đến 6.400 trường hợp tử vong do tai nạn lao động tại các nhà máy điện chạy than, 1.200 ca tử vong tại các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và 4.000 người chết liên quan đến các nhà máy thủy điện.
Đặc biệt, các nhà máy điện chạy bằng than ở Mỹ ước tính mỗi năm làm 24.000 người chết do các bệnh liên quan đến phổi, 40.000 người bị bệnh tim. Theo báo cáo của trợ lý giáo sư Benjamin K. Sovacool thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore, đã có 99 sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới, trong đó có 57 vụ xảy ra sau thảm họa Chernobyl và 56 vụ xảy ra ở Mỹ (chiếm 2/3 tổng số vụ). Đa số các vụ tai nạn đều không gây chết người.
Tuy nhiên, tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân nếu xảy ra sẽ để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ sau. Cho tới nay thảm họa tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl được xem là lớn nhất trong lịch sử với hơn 350.000 người phải sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm xung quanh nhà máy ngay sau khi sự cố xảy ra.
Theo thống kê mới nhất, 400.000 - 500.000 cư dân (kể cả con cái họ sau này) gần Kiev (thủ đô Ukraine) đã bị phơi nhiễm chất phóng xạ với liều lượng rất cao, nhiều khả năng bị ung thư (nhiều nhất là ung thư máu) và rối loạn ADN trong vòng 10 - 20 năm, thậm chí 40 năm sau.
Để xác định mức độ phơi nhiễm, người ta dựa trên 3 tiêu chí: khoảng cách, thời gian và mức độ che chắn của người bị nhiễm. Theo định nghĩa của IAEA, tai nạn phóng xạ hạt nhân sẽ dẫn tới hậu quả trầm trọng cho con người, môi trường và cơ sở vật chất.
Đặc biệt, hậu quả tăng dần với con người do một lượng lớn chất phóng xạ thoát ra môi trường hoặc phần lõi của lò phản ứng bị phá hủy. Trường hợp sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyl năm 1986 là do phần lõi của lò phản ứng bị phá hủy.
Sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát nổ nhiều lần, đã có lo ngại về việc chất phóng xạ có thể lan ra không những ở Nhật Bản mà có thể đến nhiều nơi khác ở châu Á, thậm chí ở Mỹ và châu Âu. Mỹ và Anh đã ra thông báo khẳng định không hề có mối đe dọa nào về chất phóng xạ tại 2 nước này.
Một số nguồn tin cho rằng nếu trong thời gian sắp tới có mưa thì cư dân các nước châu Á hãy đề phòng vì đó có thể là mưa phóng xạ và khuyên mọi người đóng cửa, tránh tiếp xúc với nước mưa. Tin đồn này đã khiến nhiều văn phòng và trường học ở Philippines đóng cửa. Chính phủ Philippines đã phải ra thông cáo bác bỏ.
Theo tạp chí Time của Mỹ, nguy cơ cao nhất hiện nay tập trung vào 200 người Nhật Bản đã được đưa tới bệnh viện kiểm tra mức độ nhiễm chất phóng xạ. Những người này sống trong bán kính 20km xung quanh nhà máy Fukushima. Những đối tượng có nguy cơ cao gồm công nhân tại nhà máy, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 18 tuổi.
Một số người dân sống xung quanh khu vực nhà máy Fukushima đã được cho uống thuốc potassium iodine. Đây là loại thuốc để ngăn tuyến giáp không hấp thu nhanh chất phóng xạ iodine nếu đã hít phải. Tế bào tuyến giáp là nơi hấp thu nhiều nhất chất phóng xạ qua đường không khí hay đường thực phẩm.
Đặc biệt, tuyến giáp của trẻ em và trẻ sơ sinh là nơi dễ nhiễm chất phóng xạ nhất. Người ở độ tuổi trên 40 ít nguy cơ hơn. Phơi nhiễm chất phóng xạ sẽ gây ra hội chứng phóng xạ cấp (acute radiation syndrome - ARS). Trong vòng vài phút bị ARS, người nhiễm sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy kéo dài trong nhiều ngày. Vài tháng sau có thể bị triệu chứng ăn không ngon, mệt mỏi, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí hôn mê và chết.
Ngoài ra, việc ảnh hưởng của chất phóng xạ lên thực phẩm của Nhật Bản vẫn còn quá sớm để kết luận. Một số nước như Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore và Philippines đã cho kiểm tra thực phẩm nhập từ Nhật Bản để đảm bảo khả năng an toàn.
Một số vụ tai nạn đáng chú ý tại các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới: * 3-1-1961: Nổ tại trạm kiểm tra hạt nhân thuộc nhà máy Idaho Falls, bang Idaho, Mỹ. Do nhà máy ở xa khu dân cư và sớm khắc phục nên chỉ có 3 người chết. Thiệt hại 22 triệu USD. * 28-3-1979: Thiết bị làm lạnh bị hư và một phần lõi của lò phản ứng nóng chảy tại nhà máy Three Mile Island ở Middletown, bang Pennsylvania, Mỹ. Không có người chết. Thiệt hại 2,4 tỷ USD. * 26-4-1986: Nổ ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, Liên Xô. 53 người chết tại chỗ và hàng trăm ngàn người bị phơi nhiễm. Thiệt hại 6,7 tỷ USD. * 30-9-1999: Do lỗi của công nhân tại nhà máy Takaimura ở tỉnh Ibaraki, Nhật Bản làm nổ và rò rỉ chất phóng xạ nhưng ở mức độ cho phép. 2 công nhân thiệt mạng. Thiệt hại 54 triệu USD. * 9-8-2004: Nổ hơi tại nhà máy điện hạt nhân Mihama ở tỉnh Fukui, Nhật Bản, làm 5 công nhân chết và hàng chục người bị thương. Thiệt hại 9 triệu USD. Một nhà máy điện hạt nhân an toàn phải đảm bảo các yếu tố: Ngăn ngừa, giám sát và hành động. Cụ thể là thiết kế và xây dựng chất lượng cao (các thanh hạt nhân được bảo vệ trong các bức tường sắt dày 3 tấc và tường bê tông trên 1m); các thiết bị phải đảm bảo ngăn chặn các sự cố do máy móc, do con người hay bất kỳ lý do nào kể cả động đất hay sóng thần gây ra; giám sát và kiểm tra thường xuyên hoạt động của nhà máy; có các hệ thống phụ trợ đa dạng và dôi dư để kiểm soát hậu quả và giảm thiểu phát xạ. Ủy ban an toàn hạt nhân của Mỹ quy định tần số hư hại gây nóng chảy lõi hạt nhân tại các nhà máy điện hạt nhân là 1/10.000 năm, hiện đã tăng lên 1/100.000 năm và trong thập niên tới là 1/10 triệu năm. |
Khánh Minh