Nỗi nhớ em - người lính quân y thuở ấy

Nỗi nhớ em - người lính quân y thuở ấy

Chuyện lâu lắm rồi, sao cứ dai dẳng theo tôi suốt cuộc đời của người thầy thuốc. Đó là những kỷ niệm thân thương trong những năm kháng chiến chống Pháp, tại mảnh đất cực kỳ “gian lao mà anh dũng”.

Gia đình tôi gồm 5 người đều đi kháng chiến, thằng em út của tôi là Nguyễn Hồng Phước hồi ấy vừa tròn 8 tuổi, mẹ đưa theo để vừa làm việc, vừa nuôi nấng, nhưng em không chịu bám theo lưng mẹ.

Nhờ có giọng hát hay nên em xin mẹ cho theo Đoàn tuyên truyền Trung đoàn 300 Dương Văn Dương. Chiến trường ngày càng ác liệt, thấy tuổi của em còn nhỏ khó theo kịp bước hành quân của đơn vị, Chỉ huy trung đoàn chuyển em về Phòng chính trị khu 8, rồi sau đó được điều động đến Quân y vụ khu 7 làm liên lạc.

Nỗi nhớ em - người lính quân y thuở ấy ảnh 1
Thiếu nhi TP thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang TP. Ảnh: MAI HẢI

Nhóm 3 chiến sĩ măng non trong tổ liên lạc là: Cúc, Sanh, Phước, như 3 mũi nhọn thường băng rừng, lội suối, lao lách trên mọi nẻo đường hiểm trở, đưa công văn và các thông tin của văn phòng nhằm kịp thời đưa những chỉ đạo của bác sĩ Hồ Văn Huê, Quân y vụ trưởng, Quân y vụ khu 7, đến với các đơn vị quân y, cơ quan thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu.

Ai đã từng sống nơi rừng thiêng nước độc, nếu chưa nếm trải sốt rét rừng mới là lạ, còn bị sốt rét và rét kinh niên, bụng báng, lách lo (cụm từ chuyên môn thời ấy) là chuyện bình thường. Và tỷ lệ tử vong đối với những trường hợp sốt rét ác tính cũng không phải là con số thấp.

Rồi cả 3 chiến sĩ nhỏ ấy đều ngã bệnh. Song cứ mỗi lần sốt dứt cữ, là cả 3 em lại đeo cái xắc ngang vai lên đường làm nhiệm vụ. Một thời gian Phước bệnh nặng, bị sốt cao trên đường công tác, bệnh trở nặng, mê sảng, nằm liệt giường.

Về mặt lý thuyết, chúng tôi biết rõ phương pháp điều trị toàn diện là dùng thuốc kết hợp với ăn uống tẩm bổ và nghỉ ngơi v.v... Các thầy là các bác sĩ Hồ Văn Huê, Trần Nam Hưng, Nguyễn Văn Hoa, Trần Quang Quá, Võ Cương, trong những bài giảng đầu cho ngành y đều căn dặn như vậy.

Song trên thực tế lấy gì mà tẩm bổ. Thực phẩm chủ lực là mắm ruốc và “thịt cọp” (muối hột đâm cộp cộp). Được gọi là hàng cao cấp, nếu có muối bọt tẩm mỡ, mỗi lần ăn vít một nhúm nhỏ ở đầu đũa trộn vào cơm nóng, từng hột cơm loang loáng mỡ, nhìn rất hấp dẫn, bắt mắt, cơm có vị béo và mặn mặn.

Các chú bộ đội vừa ăn vừa khen: ngon lắm, đã lắm; nhưng có đủ cơm đâu mà ăn cho đã. Thông thường là cơm độn củ mì hoặc ăn toàn củ mì. Có một thời gian dài chúng tôi phải ăn cháo độn rau tàu bay, mỗi người mỗi bữa được phát một tô nhôm (tô hứng mủ cao su), khi đã ớn xương sống vì ngán măng le.

Nghe đến đây, chắc có bạn bảo sao ở rừng không săn thú mà lấy thịt. Đúng, lính ta đôi khi được cải thiện bằng thịt rừng, nhưng chớ lầm tưởng săn thú dễ như bắt gia súc trong nhà và chuyện săn bắn cũng không đơn giản chút nào.

Hơn thế, thịt rừng cũng không thể thay lương thực. Còn nghỉ ngơi thì làm gì có thời giờ mà nghỉ ngơi. Trong lúc cuộc chiến đấu đang từng giờ diễn ra, một mất một còn với kẻ thù. Đôi điều kể lại trên chỉ để chứng tỏ rằng việc điều trị toàn diện không phải là phương châm dễ thực hiện.

Thiết nghĩ cũng cần dẫn chứng thêm một khó khăn nữa: Quân y vụ có lúc cạn nguồn dự trữ quinin chích, dược sĩ Phạm Văn Sổ, Viện trưởng Viện Bào chế – đã dùng quinacrin viên pha chế thành dung dịch tinh khiết đáp ứng nhu cầu cho Quân y viện và các Quân y xá để kịp thời điều trị cho bệnh binh nhằm giữ vững quân số, góp phần đảm bảo các cuộc chiến đấu thắng lợi.

Còn bệnh binh của tôi – Phước đã tới thời kỳ nguy kịch. Cái thằng nhỏ có khuôn mặt bảnh trai, giờ đã hốc hác, xanh xao vàng vọt. Mỗi “cữ rét” làm cho thể trạng em thêm suy sụp. Nóng ruột quá, nên tôi làm liều, bỏ qua lời căn dặn của anh Chín Huê: “Trong gia đình cán bộ chuyên môn, nếu có người thân mắc bệnh thì cán bộ đó không được can thiệp, sự thiếu khách quan, nóng vội sẽ dẫn đến điều trị sai lệch, rất nguy hiểm”.

Tôi mạo hiểm tăng liều quinin mong mau đẩy lùi cơn sốt, đồng thời dùng morphin (thuốc ngủ) cho em bớt vật vã! Thế là tính mạng Phước đã lâm vào tình tạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Tôi khóc khi biết mình xử trí sai.

Lúc ấy anh Chín Huê vừa đi công tác về, anh gọi tôi lên văn phòng. Anh Chín Huê, là thủ trưởng nhiều năm và cùng với đơn vị, tôi theo anh qua các vùng căn cứ: Cần Giè, Đức Huệ, An Thành, chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu.

Tôi từng được anh giáo dục và đào tạo từ một cứu thương, lên y tác rồi trở thành một cán bộ của văn phòng quân y vụ. Bác sĩ Hồ Văn Huê chẳng những là một nhà chỉ huy tài năng của ngành quân y miền Đông Nam bộ, anh còn có bút danh Hồ Bông Súng, một cây viết truyện ngắn và tiểu thuyết có duyên.

Một thời anh nổi tiếng với tác phẩm tuyên truyền về vệ sinh ăn uống, có nhan đề: “Cuộc du lịch của cục phân”, từ trong chiến khu gởi ra thành, được một số tờ báo ở Sài Gòn đăng tải, công chúng đón đọc tán thưởng đồng tình.

Anh Chín Huê sống giản dị, thương anh chị em. Được cán bộ nhân viên quý trọng tin yêu, kính nể. Đặc biệt, anh có đôi mắt to, sáng sắc xảo, tinh anh. Cái nhìn của thủ trưởng bao giờ cũng ánh lên ý tưởng thay cho lời nói.

Được gọi lên, tôi ngồi đối diện với thủ trưởng, anh nghiêm khắc bảo:

- Hồng Trung đã vi phạm kỷ luật chuyên môn.

Tôi khẽ “Dạ!” rồi từ từ ngẩng lên nhìn anh, tôi hiểu rất rõ khi  đôi mắt có ánh nhìn phê phán. Anh nói:

- Tôi ra lệnh tách biệt anh khỏi Phước và ngay bây giờ anh rời khỏi cơ quan.

Tôi đứng dậy trong tư thế “nghiêm”:

- Tôi xin chấp hành lệnh của thủ trưởng.

Thế là tôi bị “tạm giam” ở căn chòi của chiến sĩ bảo vệ cơ quan phía đầu suối Dây.

Năm ngày sau tôi được trả tự do, vừa về tới văn phòng, tôi chạy ào tới ôm Phước. Hai anh em chúng tôi quyện chặt vào nhau, ngỡ như đã hóa thành một khối. Gia đình tôi mãi mãi biết ơn bác sĩ Hồ Văn Huê và bè bạn đã cải tử hoàn sinh cho em trai tôi là chiến sĩ thiếu niên Nguyễn Hồng Phước.

Sắp kết thúc bài ghi chép, tôi đốt nén nhang lên bàn thờ của Phước, mà nơi này chỉ còn lại tờ “khai lý lịch ngắn ngọn” duy nhất: Nguyễn Hồng Phước, sinh năm 1939, quê quán: làng Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, theo mẹ đi kháng chiến, nhập ngũ năm 1947. Đã công tác qua các đơn vị: Ban tuyên truyền Trung đoàn 300 Dương Văn Dương - Phòng chính trị khu 8 - Văn phòng quân y vụ khu 7.

Cuối cùng là một dòng chữ ghi chéo trên góc bên trái tờ lý lịch: Em Phước hy sinh vào đầu năm 1954, tại quân giới miền Đông Nam bộ trong khi thi hành nhiệm vụ.

Phước ơi! Em đã anh dũng ngã xuống với độ tuổi 14, không tìm được mộ, không để lại một tấm hình, chỉ duy nhất còn lại những dòng chữ, cùng chữ ký và hai dấu lăn tay màu đỏ trên tờ lý lịch của quân đội.

Nhưng em vinh dự được đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ quân giới Nam bộ, được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Tấm bằng huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, cùng với bằng Tổ quốc ghi công, mãi mãi lấp lánh trên bài thờ để lưu lại những chiến công của em – Liệt sĩ Nguyễn Hồng Phước.

Thời gian, ơi thời gian, sao tôi quên được đồng đội, những nam nữ chiến sĩ còn rất trẻ mà phần đông là tầng lớp học sinh ở các vùng đô thị rời ghế nhà trường, tin vào cách mạng, tham gia kháng chiến! Là lính quân y không quân phục, không quân hàm, không lãnh lương, chân đất, đầu trần, đơn sơ trong bộ quần áo tự sắm, nhưng họ không đòi hỏi, không kêu than, không sợ gian khổ hy sinh; quyết tâm sát cánh bên nhau làm việc và chiến đấu.

Giờ đây đồng đội của chúng tôi biết bao người đã ngã xuống, chia xa. Và những người còn lại, có lẽ đã lên bậc ông bà, mỗi người đều có những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội và có cả “nỗi nhớ của người lính quân y thuở nào!” 

Bác sĩ NGUYỄN HỒNG TRUNG

Tin cùng chuyên mục