
Trước đây, pháo hoa chỉ được sử dụng trong vài dịp lễ đặc biệt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm 1995, 1996, cùng với lệnh cấm sử dụng pháo nổ, pháo hoa mới được sử dụng thường xuyên hơn vào các dịp lễ, tết. Bây giờ, cứ đến thời khắc thiêng liêng của giờ giao thừa, mọi người lại được chứng kiến màn trình diễn đầy ấn tượng của những bông “hoa trời”. Tuy nhiên, xuất xứ những bông “hoa trời” đó từ đâu thì không phải ai cũng biết.
- Thích ứng nhanh với kỹ thuật mới

Một trong những loại pháo hoa do Z121 sản xuất.
Được thành lập năm 1966, nhà máy quốc phòng Z121 (nay là Công ty Hóa chất 21) là một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ và hỏa thuật. Từ năm 1974, công ty bắt đầu làm pháo hoa và trở thành doanh nghiệp duy nhất được Nhà nước cho phép sản xuất pháo hoa ở Việt Nam. Những “bông hoa” đầu tiên của họ đã “nở” trên bầu trời ngày đất nước thống nhất năm 1975.
Hai mươi năm sau, chúng ta vẫn chỉ có một loại pháo hoa duy nhất với 10 chủng loại: “ Cờ đỏ rợp trời”, “mừng đại thắng”, “thảm cỏ xanh”, “đàn bướm vờn sao”, “hoa mận”, “bông sen Đồng Tháp”... bắn theo một kiểu duy nhất học được từ các chuyên gia Trung Quốc là châm ngòi thả vào ống phóng như bắn đạn cối... Đất nước hòa bình, những người nắm trong tay công nghệ chuyên ngành hóa nổ đã không ngừng nâng cao trình độ thông qua các đề tài khoa học. Họ ao ước tạo ra những bông pháo hoa đẹp hơn.
Năm 1998, trong một lần tiếp xúc với đoàn thương mại Nhật Bản, hai bên gặp nhau ở ý tưởng này. Phía Nhật hứa sẽ chuyển giao công nghệ không tính tiền và chịu chi phí đào tạo, đổi lại Z121 chỉ được bán sản phẩm cho một công ty của Nhật trong 5 năm. Ban lãnh đạo công ty quyết định đầu tư dây chuyền công nghệ và cử người sang đất nước Phù Tang học kỹ nghệ làm pháo hoa kiểu mới.
Chỉ sau thời gian ngắn, những người lính quốc phòng đã làm chủ được công nghệ này và họ bắt tay vào sản xuất. Từ đó, trong mỗi dịp lễ tết, thay vì chủng loại pháo hoa nghèo nàn như trước đây, người dân Việt Nam đã được chứng kiến những bầu trời hoa lộng lẫy ở nhiều độ cao khác nhau.
Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Nguyễn Văn Thành - cán bộ phòng kiểm nghiệm - cho biết: Đây là công nghệ sản xuất và bắn pháo hoa đa dạng, nhiều tầng, nhiều lớp, mỗi quả pháo được bắn riêng trong một nòng. Khác với trước đây, pháo hoa giờ đây gồm 8 cỡ và trên 300 chủng loại với nhiều tên gọi như: hoa cúc, hoa cúc có nhụy, hoa cúc cánh màu, sóng trắng chuyển hoa cúc, sóng vàng lấp lánh chuyển màu, lá cọ, liễu rủ, vòng sao và hành tinh, pháo hình, hoa nở và vương miện...
Mỗi quả pháo được lắp riêng trong một ống phóng, đôi khi là 2 quả trong một ống phóng. Mỗi cuộc bắn 3.000 quả tại một khu vực, người ta phải có ít nhất 2.000 ống phóng với các bộ điều khiển để phóng theo yêu cầu. Chính sự phong phú về cỡ và chủng loại đã tạo ra những thảm hoa muôn sắc trên bầu trời.
Thời gian đầu, hầu hết nguyên liệu phải nhập từ Nhật, đến nay, công ty đã tự sản xuất được một số nguyên liệu thay thế. Một trong những khâu khó nhất trong sản xuất pháo hoa là làm ngòi cháy chậm cho các quả pháo vì phải tính toán sao cho khi quả pháo đạt độ cao nhất định (khoảng 300m) thì ngòi cháy chậm cháy vào thuốc nhồi bên trong và nổ tung cho tất cả quả pháo đều bay ra tỏa sáng.
- Pháo hoa “sạch” đầu tiên trên thế giới
Bằng việc kết hợp giữa pháo hoa truyền thống Việt Nam với công nghệ pháo hoa Nhật Bản, Mỹ, giờ đây, việc trình diễn pháo hoa đã tiến thêm một bước phát triển mới với cách bố trí có tính tạo hình cao, khi thì bắn từng phát, khi thì bắn thành hàng, khi cao trào có thể bắn đồng loạt hàng trăm quả theo kịch bản lập sẵn và điều khiển bằng kỹ thuật số. Cách bắn này tạo ra tầm vóc hoành tráng và lộng lẫy hơn nhiều cho đêm pháo hoa.
Tuy nhiên, vào những năm 1998 - 1999, ta mới học được ở công nghệ làm pháo còn bắn pháo thì vẫn do chuyên gia Nhật đảm nhiệm do chưa có công nghệ bắn pháo hoa bằng kỹ thuật số. Khi trình diễn, anh em vẫn phải chia thành nhiều tốp, người thì bắn, người thì lau ống phóng, người thì thả quả... rất phức tạp mà độ chính xác, khả năng sáng tạo không cao. Không chịu dừng bước, trên cơ sở bộ điều khiển kỹ thuật số của Nhật, năm 2000, bộ phận kỹ thuật của công ty đã sản xuất được bộ điều khiển đầu tiên của mình mang tên L269 và sau chỉnh sửa lại thành bộ điều khiển L100 như hiện nay.
Với bộ điều khiển này, Công ty Z121 bắt đầu chuyển giao công nghệ bắn pháo hoa cho Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành, quân khu trong cả nước. Và cũng từ thành công này, việc thưởng thức pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán đã không dừng lại ở một vài tỉnh, thành như trước mà có thể triển khai rộng khắp ở 64 tỉnh, thành với nhiều địa điểm khác nhau do chính LLVT tỉnh, thành và quân khu đó thực hiện.
“Cùng với việc chế tạo thành công bộ điều khiển, năm 2002, công ty tiếp tục sản xuất thành công sản phẩm mới là pháo hoa tầm thấp. Sản phẩm này cho phép chúng tôi triển khai việc bắn pháo hoa ở tất cả các vị trí (ví dụ như tại Đầm Cả - Việt Trì trong đêm bế mạc giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2005 vừa qua); mặt khác, việc sử dụng pháo hoa tầm thấp cũng đơn giản hơn nên nó đã trở thành sản phẩm được sử dụng rất rộng rãi trong các dịp lễ, Tết và các lễ hội hiện nay. Sản xuất từ trong nước, giá thành mỗi đợt bắn pháo hoa rẻ hơn rất nhiều lần so với bắn pháo hoa nhập ngoại. Tuy nhiên, do pháo tầm thấp đơn giản hơn nên đương nhiên không thể thay thế cho pháo hoa tầm cao với vẻ đẹp hoành tráng cho cả một vùng rộng lớn.” - Thiếu tá Nguyễn Văn Thành khẳng định.
Theo thiếu tá Nguyễn Trí Dũng - Phó phòng kiểm nghiệm - việc sản xuất pháo hoa rất nguy hiểm do độc hại và dễ cháy nổ, do vậy, các khâu công nghệ đều được bố trí chính xác, bảo đảm an toàn, kể cả việc tính toán độ nóng do đông người gây ra cũng được tôn trọng nghiêm ngặt. Hoàn thiện một quả pháo hoa phải qua một quá trình kỹ thuật phức tạp. Tùy từng đơn hàng, tùy theo chủng loại, màu sắc, yêu cầu, kích cỡ, kỹ thuật viên phải tính toán làm nhân sinh (bằng nhân đất hoặc nhân thuốc), tiếp đến là bộ phận làm viên màu, làm thuốc nhồi cháy, làm vỏ bán cầu, nhồi thuốc, tổng lắp, phơi sấy và bảo quản. Từ khi làm nhân đến lúc hoàn thiện một quả pháo phải mất hàng tháng trời.
Hiện nay, đa phần lao động trong các dây chuyền của công ty là nữ. Họ tỉ mỉ, nhẹ nhàng và thận trọng hơn cánh đàn ông rất nhiều. 5 năm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ trước đây giữa công ty và phía Nhật Bản đã kết thúc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa công ty và phía đối tác Nhật vẫn đang tiếp tục phát triển. Phía Nhật tiếp tục đặt công ty sản xuất loại “pháo hoa không rác” - sản phẩm mà các công ty Nhật và nhiều nước khác ao ước nhiều năm nay. Pháo hoa hiện nay rất đẹp nhưng khi nổ vẫn có xác vỏ rơi xuống mặt đất. Người Nhật đang hướng tới một loại pháo hoa, khi nổ, tất cả xác pháo cùng tan biến.
Thiếu tá Nguyễn Trí Dũng cho biết: “Muốn làm được việc này phải loại bìa các tông ra khỏi vỏ pháo. Đây là điều không dễ gì làm được. Tuy nhiên, công ty đã có những thành công bước đầu, qua bắn thử cả phía Nhật Bản và phía ta đều khẳng định sản phẩm “pháo hoa sạch” là điều có thể trở thành hiện thực. Nếu mọi việc suôn sẻ thì đây sẽ là sản phẩm pháo hoa sạch đầu tiên trên thế giới”.
Hôm chúng tôi có mặt tại Công ty Z121, công ty đang cùng các chuyên gia Nhật nghiệm thu, đánh giá những sản phẩm mới mà hai bên đang hợp tác chế tạo. Đó là các loại pháo hỏa thuật (pháo thác nước, pháo phun nước, pháo phun sao, pháo rồng lửa, pháo măng vàng, pháo bông lau...) được sử dụng cho các cuộc trình diễn không có pháo hoa tầm cao.
Khả năng sáng tạo và thích ứng nhanh với kỹ thuật mới của khoa học thế giới của đội ngũ lãnh đạo và tập thể cán bộ, chiến sĩ Công ty hóa chất 21 đã giúp họ không chỉ tự lo liệu đảm bảo cuộc sống cho những người “lính thợ” mà còn có thể phát triển vững chắc trong thời kiến quốc đang rất cần trí tuệ hôm nay.
ĐINH VŨ