Gasmi, 28 tuổi, đang cố gắng xây dựng một cuộc sống mới với vị hôn thê của mình tại một khu phố lao động ở Tunisia. Rồi một ngày, một người Hồi giáo cực đoan đã thuyết phục anh đến Syria tham gia cuộc nội chiến. Chẳng bao lâu sau, anh chết ở Syria. Hình ảnh của anh được đưa lên mạng xã hội Twitter như là một chiến binh với một bộ râu dài cùng với bí danh thánh chiến Abu Qatada.
Tunisia, đất nước nhỏ bé ở Bắc Phi với dân số 11 triệu người, đã trở thành cái nôi cung cấp lực lượng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm cực đoan khác tại Syria và Iraq. Tờ Washington Post dẫn nguồn từ Chính phủ Tunisia cho biết, kể từ năm 2011 tới nay, khoảng 3.000 người Tunisia, hầu hết là nam giới dưới 30 tuổi, đã tham gia chiến đấu tại Syria và cho IS, tỷ lệ cao hơn so với Saudi Arabia và Jordan.
Trào lưu thánh chiến bùng lên trong tầng lớp thanh niên Tunisia là hậu quả một phần của cuộc nổi dậy Mùa xuân Ảrập năm 2011 nhằm lật đổ nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali. Chính phủ mới của Tunisia do lực lượng Hồi giáo ôn hòa dẫn đầu đã tạo môi trường tự do tôn giáo hơn sau một nửa thế kỷ theo chủ nghĩa thế tục cấm phụ nữ che mặt và bỏ tù hàng ngàn người tình nghi tham gia các nghi thức tín ngưỡng Hồi giáo.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động ngày càng mạnh hơn. Họ đã giết ít nhất 2 nhà hoạt động chính trị và 25 binh sĩ, sĩ quan cảnh sát. Thậm chí, các đền Hồi giáo trở thành nơi châm ngòi cho làn sóng bạo lực lan đến tận Syria và Iraq.
Đối mặt với tình trạng này, Chính phủ mới ở Tunisia đã phải rất khó khăn để cân bằng giữa một bên là tôn giáo và một bên là an ninh trật tự. Tuy nhiên, theo các tổ chức nhân quyền, do lực lượng an ninh áp đặt một số biện pháp khắt khe tạo nên những cuộc đàn áp mạnh nên càng kích thích các tay súng Tunisia tìm tới IS. Đối với nhiều thanh niên trẻ tuổi, thà chết tại Syria còn tốt hơn rất nhiều so với ở lại Syria để rồi vào tù và bị tra tấn.
Tunisia có đến 99% dân số theo Hồi giáo. Chính phủ nước này đã cấm hơn 150 tổ chức dân sự Hồi giáo, đóng cửa một đài phát thanh và bắt giữ ít nhất 2.000 thanh niên về tội khủng bố. Các nhà phân tích cho rằng Chính phủ Tunisia đang tham gia vào các vụ bắt giữ tùy tiện và tra tấn có hệ thống các tù nhân không thua gì chế độ tàn bạo của Ben Ali giai đoạn 1987-2011.
Quan chức chính phủ bác bỏ cáo buộc tình trạng tra tấn theo hệ thống nhưng thừa nhận rằng họ đang gặp khó khăn để bảo vệ đất nước trước các phần tử lợi dụng các quyền tự do mới để gây bạo động. Bộ trưởng Nội vụ Lotfi Ben Jeddou, người phụ trách an ninh của Tunisia, ví von: “Chúng tôi đã cho họ quá nhiều oxy và bây giờ chúng tôi đang nghẹt thở”.
Chính phủ Tunisia cho biết đã ngăn chặn hơn 9.000 người dự tính tới Syria chiến đấu. Trong các cuộc phỏng vấn, gia đình của nhiều người đàn ông đến Syria chiến đấu cho biết, họ ra đi một phần vì điều kiện kinh tế khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tunisia ở mức cao và vì vậy khi gia nhập IS họ được trả lương. Nhưng nguyên nhân chính là họ cảm thấy Chính phủ Tunisia, ngay cả sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ảrập, là kẻ thù của người Hồi giáo.
Cuộc bầu cử quốc hội Tunisia lần thứ hai kể từ sau Mùa xuân Ảrập vừa diễn ra ngày 26-10 với phần thắng thuộc về đảng theo đường lối thế tục Nidaa Tounes trước đảng Hồi giáo Ennahda. Kết quả này sẽ khiến nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan tiếp tục con đường bạo lực và thánh chiến. Thử thách cho chính phủ mới vẫn còn rất lớn.
KHÁNH MINH