“Nội thương” ở những vườn dừa

“Nội thương” ở những vườn dừa

Bão số 9 đi qua những vườn dừa ở huyện Giồng Trôm,  Bến Tre hơn tháng, vậy mà xem ra nhiều nông dân tại đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Về đây, lẩn khuất đâu đó ở những vườn dừa ngổn ngang sau bão là biết bao suy tư thổn thức của người nông dân.

  • Vào vườn... đội nón bảo hiểm!
“Nội thương” ở những vườn dừa ảnh 1

“Anh Tư, từ hôm bão đến nay, vườn tược của anh Tư ra sao rồi?”. Vừa đến nhà của anh Tư Thuận ở ấp 2 xã Bình Hòa (Giồng Trôm), tôi hỏi. Anh Tư Thuận chậm rãi chỉ tay ra khu vườn dừa trước sân nhà của anh và nói: “Hồi chưa bão, đứng trước nhà tôi, trăng phải lên trên đỉnh đầu, tôi mới thấy. Còn bây giờ, vườn tược đầy thương tích, trống quơ trống quớt như vậy đó…” - anh Tư nhìn tôi, rồi hỏi: “Có muốn ra vườn cho biết không?”.

Tôi gật đầu: “…Em đang rất cần một số hình ảnh về những vườn dừa bị…nội thương.” . “Vậy thì đi…” - nhưng bất ngờ anh Tư ngó chiếc Honda của tôi: - “Đi xuống đây, chạy xe, em có đội nón bảo hiểm hôn?”. “Đương nhiên rồi. Anh Tư kỹ lưỡng quá chừng…”-Tôi nói.

Anh Tư Thuận khoát tay: “Chẳng phải chuyện an toàn giao thông đâu, nhưng bây giờ đi vô trong vườn dừa, em phải đội nón bảo hiểm cho chắc ăn bởi không khéo dừa rụng trúng bể đầu! - anh Tư tiếp luôn: - “Bão đi qua chừng 20 ngày thì những quài dừa bị gió giật gãy cổ (gãy quài) lần lượt tuôn xuống khỏi cây, rớt ình ịch xuống đất. Hiện nay, để dưỡng sức lại cho dừa, các chủ nhà vườn mướn người leo dừa cắt bỏ những quài dừa đã bị chấn thương nhưng cũng không ai dám leo, vì sợ mới leo lên giữa chừng bất thần dừa rụng trúng!”.

Có mặt tại nhà anh Tư, ông Trần Đông Phong thêm vào: “Nghe nói, ở Bến Tre, từ hôm bão đến nay đã có trên chục người phải đi bệnh viện vì dừa khô rụng trúng người. Đã khổ lại còn gặp… nạn”.

Nhìn những cây dừa xác xơ, héo ngọn, trái trăn rụng gần hết, có cây sống không ra sống, chết không ra chết, tôi càng thấm thía về mối âu lo của nông dân trước vết “nội thương” đang âm ỉ nơi mảnh vườn dừa của mình.

Anh Tư thở dài: “Vết nội thương ở những vườn dừa tại Giồng Trôm nói riêng, tại Bến Tre nói chung sẽ còn kéo chừng 6-7 năm nữa. Rất nhiều cây phải đốn bỏ, trồng mới thôi…”.

Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Văn Quới cho tôi con số gần đây nhất về vườn dừa ở huyện bị thiệt hại sau bão số 9, theo đó, có 6.048 ha/10.500 ha bị thiệt hại từ 50% trở lên và 4.032 ha bị thiệt hại từ 30% đến 50%.

Còn tính trên cả tỉnh, Bến Tre hiện có 37.595 ha dừa thì 21.335 ha bị hư hại, trong đó 30% ngã, đổ, số còn lại đã xác xơ vì vết nội thương hoành hành sau bão. Theo các bậc cao niên sống ở Bến Tre kể lại, chỉ có bão lụt năm Thìn (1904) thì những vườn dừa ở đây mới bị trốc gốc, gãy đổ. Như vậy, đã trên một thế kỷ qua, người trên đất cù lao Bến Tre mới lại chứng kiến  cảnh tượng tương tự!

  • Ngổn ngang, lúng túng
“Nội thương” ở những vườn dừa ảnh 2

Những vườn dừa ở Bình Hòa, Giồng Trôm tan hoang sau bão.

Vượt sông Hàm Luông, tôi sang cồn Ốc (xã Hưng Phong) vào buổi trưa, buổi trưa nơi đây không còn êm đềm như bao lần tôi đã đến.

Cũng giống như tại xã Bình Hòa, Châu Bình, Tân Lợi Thạnh, Hưng Lễ, Tân Hào, Thạnh Phú Đông của huyện Giồng Trôm; Nhuận Phú Tân, An Thạnh, Bình Khánh Đông… của huyện Mỏ Cày; những vườn dừa tại Hưng Phong bị thiệt hại rất nặng.

Ghé thăm hộ anh Nguyễn Hồng Sơn trên cồn Ốc, anh Sơn cho biết vườn dừa của anh có 68 cây bị ngã, 60 cây bị gió bão… vặn củ hủ; trong vườn dừa có trồng xen thêm chanh nên khi dừa ngã ngổn ngang, dừa lại đè lên chanh làm hư hại trên 60% vườn chanh của anh.

Anh Sơn tặc lưỡi: “Dừa ngã nhưng nếu còn cây chanh, bán chanh vào mùa gần Tết như hiện nay sẽ vớt vát phần nào. Lấy ngắn nuôi dài. Đằng này, cây chanh cũng tiêu hết cả…”. “Anh sẽ trồng lại gì trên mảnh vườn?” - Tôi hỏi anh Sơn. Anh Sơn trầm tư: “Ngổn ngang như thế này, trước hết phải nói tới chuyện dọn dẹp vườn. Hai chữ dọn dẹp nghe qua quá dễ, nhưng trên thực tế không dễ chút nào đối với những vườn dừa bị bão gây hại”. 

Quả vậy, cây dừa trốc gốc, nằm chỏng gọng, ngổn ngang như thế, muốn đem dừa ra khỏi vườn, phải mướn người cưa ra thành từng đoạn, 5-6 người mới khiêng nổi dừa qua các mương, trong khi sau bão, mướn người làm là chuyện rất  khó khăn. Thế nên, đi sâu vào những vườn dừa, tôi thấy nhiều vườn dừa ở nơi heo hút thì từ sau bão cho đến nay, chủ nhà vườn gần như bỏ mặc!

Anh Sơn nói sơ qua về “chương trình” trồng mới của mình: “Cây dừa nào bị vặn ngọn, bị lung (lay) gốc, sẽ cố dưỡng bằng cách cắt hết số trái bị ẻo còn treo lơ lửng trên cây, rồi cho phân bón vào, nhưng những cây dừa đó, thì ít gì cũng đôi ba năm nữa cây mới cho sản lượng trái bình thường như hồi trước. Còn những cây không thể cứu được, tôi sẽ trồng lại giống dừa ta lùn (ta xanh, ta vàng) bên cạnh gốc cũ. Giống này 4-5 năm có thể thu hoạch đợt đầu. Khoảng thời gian này, gốc dừa cũ bên cạnh cũng đã biến thành phân để hỗ trợ dinh dưỡng cho cây dừa mới. Hiển nhiên phải tốn công, tốn thời gian rất nhiều. Và để bù đắp kinh tế cho thời gian chờ dừa có trái, tôi sẽ trồng xen cây có múi (chanh, bưởi) trong vườn dừa. Cây có múi là cây ngắn ngày, nhưng có ngắn gì thì cũng phải chờ hai năm cây mới cho trái”.

Tôi gọi điện thoại để hỏi bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm sản xuất thực nghiệm dừa Đồng Gò (Bộ Công Nghiệp)- một đơn vị đóng trên địa bàn huyện Giồng Trôm: “Nông dân Bến Tre bị thiệt hại nhiều trên vườn dừa của mình, trung tâm có hỗ trợ gì về dừa giống cho bà con?”.

Bà Lệ Thủy nói rằng, nhu cầu về dừa giống sau bão là việc bất ngờ, bởi trong sản xuất, trung tâm  sản xuất theo hợp đồng đã ký trước và dừa giống phải ươm 18 tháng mới trồng được. Tuy nhiên, những ngày qua, trung tâm đã ưu tiên bán cho nông dân với giá gốc 8.000 –10.000 đồng/cây (các giống dừa đã qua bình tuyển). Hiện nay, nếu địa phương có nhu cầu về dừa giống, hợp đồng với trung tâm, trung tâm sẽ hết lòng hỗ trợ”.

  • Tết này, cơn sốt dừa thêm gay gắt

Sau bão dữ, dừa khô, dừa cứng cại, dừa non rụng tơi bời ở những vườn dừa. Để vớt vát, nông dân đã bán đổ bán tháo hết số dừa cứng cại để có thể sản xuất mứt dừa trong dịp Tết Đinh Hợi, thế nên đến thời điểm làm mứt dừa, các chủ lò phải chạy đôn chạy đáo mới có đủ nguyên liệu dừa để sản xuất.

Anh Hai Hảo, chủ cơ sở sản xuất mứt dừa Trúc Giang than: “Chúng tôi đã sống với nghề làm mứt dừa mấy mươi năm rồi nhưng năm nay là năm giá dừa lên cao quá sức, loại dừa cứng cại vừa chuyển qua rám để làm mứt hiện trên 30.000 đồng/chục dừa (12 trái)!”. Giá nguyên liệu dừa tăng đã đẩy giá thành mứt dừa năm nay cao hơn so những năm trước đây.

Tuy nhiên, anh Hai thổ lộ: “ Lấy cái này bù cho cái kia. Biết gì hôn? Bây giờ làm mứt dừa thì không bỏ thứ gì. Ví như sẽ gỡ gạc lại ở phần vỏ dừa. Vỏ dừa hiện nay luôn hút hàng, có bao nhiêu vỏ dừa, các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu đều mua hết. Với miểng gáo dừa, ngoài đốt để sên mứt, các lò sản xuất than thiêu kết rất “đói” miểng gáo dừa để đốt thành than.

Còn nước dừa (khi đập dừa ra để làm mứt), nước dừa trước đây gần như đổ bỏ nhưng giờ người ta thu mua hết ráo để sản xuất thạch dừa, nấu nước màu dừa… xuất khẩu. Giá nước dừa bây giờ cao hơn những năm trước đây gấp 5 – 7 lần, nhưng cũng không có đủ để cung cấp. Dừa da (vỏ ngoài của phần cơm dừa được gọt ra), là nơi tích tụ nhiều dầu dừa nhất trong một trái dừa, đem phơi, bán cho các cơ sở làm dầu dừa.

Và cả “cá kèo” (phần cơm dừa dư ra từ một miếng dừa làm mứt) đem phơi khô, ép dầu, người sản xuất mứt dừa vớt lại ít tiền lời. Nhờ vậy mà mới cầm cự, sản xuất nổi mùa mứt dừa sau bão năm nay…”.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục