Mức tiền thưởng Tết Giáp Ngọ năm 2014 cao nhất đã lên tới 709 triệu đồng, tăng 9,2% so với tết năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay lại có hàng trăm ngàn người lao động năm nay không có thưởng tết và thậm chí còn bị quỵt lương, chậm lương hoặc không có lương để ăn tết…
Nhiều lao động không có tiền thưởng tết
Đó là thông tin “nóng” vừa được nêu ra tại cuộc họp báo do Bộ LĐTB-XH tổ chức chiều 17-1, tại Hà Nội.
Theo ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động và tiền lương, hiện đã có đủ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi kết quả báo cáo về Bộ LĐTB-XH về tình hình lương và thưởng tết năm 2014 (bao gồm cả tiền thưởng Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ). Theo tổng hợp của bộ, mức tiền thưởng Tết Dương lịch 2014 bình quân đạt khoảng 1,1 triệu đồng/người (bằng 90% so với năm ngoái). Mức thưởng cao nhất là tại một doanh nghiệp (DN) FDI ở TPHCM với khoảng 463,7 triệu đồng (thấp hơn năm ngoái khoảng 26%).
Còn về thưởng Tết Giáp Ngọ 2014, theo đánh giá từ kết quả báo cáo của các địa phương, phần lớn các DN đều khẳng định có bố trí tiền thưởng tết cho người lao động với mức bình quân bằng 1 tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng và tăng 20% so với mức thưởng năm 2013). “Mức thưởng Tết Nguyên đán 2014 tăng chủ yếu do tiền lương của lao động tăng”, ông Tống Văn Lai nói. Và mức cao nhất vẫn là một DN FDI nhưng ở TPHCM (năm ngoái là ở tỉnh Đồng Nai) với 709 triệu đồng, tăng 9,2% so với mức cao nhất của năm 2013. Tuy nhiên, đại diện Vụ Lao động và tiền lương không đưa ra được mức tiền thưởng thấp nhất của năm nay là bao nhiêu.
Trong khi đó, ông Tống Văn Lai cho biết, từ số liệu của các địa phương báo về đã có tới 420 DN với 118.000 lao động ở 4 tỉnh, gồm: Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ và Thanh Hóa thông báo không có tiền thưởng Tết Nguyên đán cho lao động. Tương tự, 296 DN với 256.000 lao động ở 8 tỉnh, thành phố đã không có tiền thưởng Tết Dương lịch. Trong đó, rất nhiều DN không có cả tiền thưởng Tết Dương lịch lẫn Tết Nguyên đán.
Cũng theo ông Tống Văn Lai, con số trên vẫn chưa thể phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay. Bởi số lượng DN có báo cáo có hoặc không có tiền thưởng tết về cho cơ quan quản lý lao động chỉ có khoảng hơn 2.000 DN. Trong khi hiện nay, luật cũng không ràng buộc DN phải có trách nhiệm thưởng tết, mà đây chỉ là thỏa thuận giữa DN và lao động.
Còn về tình hình lương của lao động trong năm 2013, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng do nhiều DN đã nỗ lực vượt khó, giá tiêu dùng được ổn định và Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu nên lương của người lao động vẫn có tăng chút ít. Theo đó, tiền lương bình quân cả nước ước đạt 5 triệu đồng/tháng (tăng 19,2% so với năm trước). Người có tổng mức lương cao nhất trong năm 2013 là 434,2 triệu đồng (chỉ bằng 69,6% so với năm 2012). Tuy nhiên, trong số 63 tỉnh, thành phố vẫn có tới 22 tỉnh, thành với 79 DN đang nợ lương của 10.168 người lao động với tổng số tiền là 75,7 tỷ đồng. “Nhiều DN vẫn đang trả lao động mức lương khá thấp. Những DN trả tiền thưởng cho lao động cao, nhưng thật ra đó cũng không phải là tiền thưởng mà có khi là tiền lương nợ của người lao động dồn đến cuối năm rồi cộng lại” - ông Tống Văn Lai giãi bày.
Không để người nghèo mất tết
Trong bối cảnh đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, theo ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH), mới đây Phó Chủ tịch nước đã có quyết định về việc tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công và hỗ trợ cho người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội trong cả nước để chăm lo tết chu đáo, đảm bảo mọi nhà đều có tết tươi vui, an toàn và lành mạnh. Theo đó, năm nay nhà nước sẽ hỗ trợ tiền và quà cho hơn 2,5 triệu người có công, gia đình chính sách với tổng số tiền là 250 tỷ đồng. Trong đó, 1,5 triệu người và hộ gia đình là đối tượng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, còn lại là những đối tượng được hưởng trợ cấp một lần. Ngoài ra, 20 tỉnh, thành phố cũng đã thông báo trích ngân sách của địa phương để lo cho người có công với tổng số tiền là 500 tỷ đồng. Các tỉnh, thành còn lại hiện Bộ LĐTB-XH đang nắm danh sách cụ thể.
Còn theo Cục Bảo trợ xã hội, hiện đã có 16 tỉnh, thành đề xuất Trung ương hỗ trợ gạo cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo có gạo ăn Tết Giáp Ngọ và dự phòng lúc giáp hạt. Trong đó, 9 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng số 12.322 tấn gạo, hiện đang chuyển xuống cho các cơ sở trước tết. Ba tỉnh khác là Ninh Bình, Thanh Hóa và Kon Tum thì Bộ LĐTB-XH đang làm tờ trình để xin Chính phủ hỗ trợ.
Năm nay cũng như năm 2013, Chính phủ sẽ không có chính sách hỗ trợ tiền cho các hộ nghèo đón tết. Tuy nhiên, đã có 20 tỉnh, thành thông báo sẽ trích ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của xã hội hóa để hỗ trợ cho người nghèo với mức trung bình là 200.000 - 300.000 đồng/hộ. Trong đó, cao nhất là ở TPHCM với mức hỗ trợ 700.000 đồng/hộ, Đà Nẵng và Cần Thơ là 500.000 đồng/hộ, Nghệ An chỉ có 100.000 đồng/hộ… Thái Bình cho biết dự kiến sẽ hỗ trợ cho 100% hộ nghèo có tiền đón tết bằng nguồn không phải từ ngân sách.
VĂN PHÚC