Đường bay thẳng nối Cần Thơ với các thành phố trung tâm miền Trung và Tây Nguyên đã mở. Người miền Tây lại nôn nao mở rộng “cổng trời”, nối ĐBSCL với vùng miền và các quốc gia khác.
Chuyện chưa từng có
“Tốc độ mở đường bay mới Cần Thơ - Đà Lạt là điều chưa từng có, chỉ 22 ngày thay vì từ 3 đến 6 tháng”, ông Vũ Đức Biên, Phó giám đốc Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) thông báo trong cuộc họp “bốn bên” về việc mở đường bay này. Đây là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Cần Thơ và Lâm Đồng cùng Công ty Du lịch Vietravel, Vasco. Ngay sau cuộc họp này mấy ngày, lịch bay (dự kiến) 3 tháng thử nghiệm đã được thông báo. Ngày 7-5, chuyến bay đầu tiên giữa hai đầu đã chính thức khai thông.
Chuyến bay đầu tiên tuyến Cần Thơ - Đà Lạt.
Đây cũng là lần đầu tiên một công ty “ngoại đạo”, không hoạt động trong ngành hàng không, lại là đơn vị có dấu ấn quan trọng cho việc mở đường bay mới, đó là Vietravel. Khi chưa có đường bay Cần Thơ đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Vietravel phải “gom” khách theo đoàn rồi chở lên TPHCM. Anh Hải Đăng, Trưởng văn phòng Vietravel tại ĐBSCL cho biết: “Lượng khách du lịch gia tăng ngày càng nhiều là xu hướng tất yếu. Đường tàu hỏa chưa có, đường thủy cũng khó kết nối, đường hàng không là khả thi nhất. Bây giờ, lên Đà Lạt chỉ khoảng 1 giờ bay thay vì gần 12 giờ ngồi xe vất vả. Riêng năm 2014, tỉnh Lâm Đồng đã đón khoảng 1 triệu người đến từ ĐBSCL (trong tổng số 4,8 triệu du khách). Vietravel sẽ “bao chuyến” khi đảm nhận 40/65 số ghế của máy bay ATR 72 mỗi chuyến bay, còn lại do hai địa phương cùng chia sẻ. Đây là hình mẫu về hợp tác kết nối giữa các địa phương, công ty bay và công ty du lịch”. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhận định, với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cùng đường bay mới Cần Thơ, địa phương sẽ tạo thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, nhất là nâng chất Festival hoa Đà Lạt (tháng 12-2015). Trong khi đó, Cần Thơ cũng mới khai trương thêm khách sạn 5 sao Mường Thanh, chuẩn bị “Tuần du lịch xanh ĐBSCL” (tháng 7-2015) và tăng cường dịch vụ sông nước miệt vườn...
Kết nối đồng bằng
Từ khi khai trương (năm 2009) đến nay, sân bay quốc tế Cần Thơ đã kết nối với Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng và Đà Lạt; riêng dịp tết hàng năm có thêm vài chuyến bay tới lãnh thổ Đài Loan. Tuy lượng khách qua sân bay Cần Thơ ngày càng tăng, năm 2014 hơn 305.500 lượt, tăng 28% so với năm 2013; quý 1-2015 là 105.279 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng người miền Tây vẫn còn “nôn nao” rất nhiều với việc vì sao cho đến nay, sân bay Cần Thơ với “tiêu chuẩn quốc tế” nhưng vẫn chủ yếu phục vụ bay nội địa? Dù lượng khách có tăng hàng năm nhưng cao nhất (năm 2014) cũng chỉ mon men con số 1/10 so với công suất thiết kế (hơn 3 triệu khách/năm). Việc mở thêm các tuyến bay Cần Thơ - Cam Ranh, Cần Thơ - Siêm Riệp hoặc Cần Thơ - Phnom Penh, Cần Thơ - Bangkok, Cần Thơ - Hàn Quốc, Cần Thơ - Đài Loan… cũng đã được đưa ra tại cuộc họp do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ GTVT và TP Cần Thơ tổ chức cách đây hơn 1 năm, với sự góp mặt của cả chục hãng hàng không trong và ngoài nước, có nêu ra nhiều vấn đề liên quan nhưng vẫn chưa gút lại được các vấn đề. Người dân miền Tây vẫn “nôn nao” là vì thế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho biết: “Việc phát triển du lịch ở 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Sau đường bay này, chúng tôi sẽ tính toán hợp tác với Vasco và các địa phương khác mở thêm đường bay mới để khai thác tiềm năng du lịch của cả vùng”. Liệu “đột phá” này có thực thi và trở thành động lực để nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác cùng tham gia?
VŨ THỐNG NHẤT