Non nhà vạn dặm xa

Hương vị Tết quê nhà trên đất Mỹ
Non nhà vạn dặm xa

Anh là người Việt duy nhất ba lần “ăn dầm nằm dề” tại châu Nam Cực (có lần suốt sáu tháng, dưới vòm trời đông đen kịt), quan trắc vũ trụ vào những hôm nhiệt độ rớt xuống -73 đến -100°C. Trong đêm lạnh quạnh hiu, muộn phiền, nhớ quê hương xa thẳm, anh đơn độc khâu lá cờ đỏ sao vàng rộng 4m², đem cắm ở điểm đầu trục quay Trái đất vào một ngày hè nắng lóa. Anh là Nguyễn Trọng Hiền, nghiên cứu viên của NASA.

Hương vị Tết quê nhà trên đất Mỹ

Đêm giao thừa, tôi gửi một bức email chúc mừng xuân mới sang Mỹ cho Nguyễn Trọng Hiền và gia đình anh. Chỉ lát sau, nhận được reply:

Non nhà vạn dặm xa ảnh 1

Nguyễn Trọng Hiền thăm Văn Miếu.

“Gia đình Hiền, Linh và Ban xin chúc anh Hàm Châu và gia đình anh một năm mới yên bình và khỏe mạnh.

Hôm nay Hiền ở nhà, không đi làm. Tết mà! Ở nhà nấu xôi, nấu chè, dọn cỗ cúng giao thừa và gọi điện về Việt Nam chúc Tết bà con, bạn bè. Năm nay gia đình nhỏ của Hiền ăn Tết cũng đầy đủ lắm: bánh chưng, bánh tét, hoa cúc, hoa lay ơn, mứt gừng, hột dưa...

Mấy hôm nay, vào mạng theo dõi tin tức, Hiền rất mừng cho đất nước ta. Người người được ăn một cái Tết vui vẻ, kể cả những hộ nghèo. Cảm thấy nôn nao trong lòng cả tuần nay...

Bác Đinh Ngọc Lân rất tốt với Hiền. Anh Hàm Châu cũng vậy. Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình thật may. Mà Hiền vẫn chưa làm được một cái trò gì cho quê hương cả! Quê Hiền ở Đà Nẵng, bên ngọn Ngũ Hành Sơn ấy.

Thôi thì ước mong được gặp anh Hàm Châu và bác Đinh Ngọc Lân thường xuyên hơn, và sẽ có dịp kể cho anh nghe nhiều chuyện lý thú hơn.

À, anh có thích cuốn sách nào bên Mỹ không, cho Hiền biết với!”.

Tôi gặp Hiền lần đầu vào cuối năm 1993 tại Hà Nội, khi anh về nước dự Gặp gỡ Việt Nam lần I về vật lý. Lúc bấy giờ, Mỹ còn cấm vận Việt Nam. Nước ta chưa mở Đại sứ quán tại Mỹ. Những người gốc Việt như Hiền muốn về quê, phải làm thủ tục nhập cảnh vòng vèo tại cơ quan ngoại giao của nước ta ở một nước thứ ba (Pháp, Thái Lan,...). Gian truân quá! Nhưng Hiền không bỏ cuộc. Anh đến tuổi “tam thập nhi lập” rồi mà.

Tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Hiền trình bày một bản báo cáo về chuyến quan trắc ba tháng liền ở châu Nam Cực, đo bức xạ phông Vũ trụ (cosmic background radiation), khiến nhiều người dự - trong đó có GS Đinh Ngọc Lân và tôi - cảm thấy thích thú.

Trong ngữ cảnh thiên văn học, từ Vũ trụ viết hoa, bởi lẽ đó là tên riêng chỉ cái vũ trụ nơi con người tồn tại, để phân biệt với các thứ vũ trụ khác - rất có thể có - theo thuyết vũ trụ song song hay đa vũ trụ (parallel or multiple universes). Từ Trái đất cũng viết hoa, vì cũng là tên riêng.

Từ đấy Hiền và tôi thường trao đổi thư từ. Năm 2003, tôi sang Mỹ, Hiền giúp tôi nhiều trong chuyến đi dài ngày trên xứ sở bao la xa lạ ấy.

“Nằm lì” sáu tháng ở vùng nước đá

Năm 1994, Hiền quay lại châu Nam Cực, rồi “nằm lì” ở đấy suốt mùa đông. Nam Cực (South Pole) và châu Nam Cực (Antarctic) là hai khái niệm khác nhau. Nam Cực là điểm cực nam của Trái đất. Tại điểm cực đó, người Mỹ đã dựng một cột trụ đánh dấu. Còn châu Nam Cực là cả một lục địa bao la, rộng tới 18 triệu km², gần gấp đôi nước Mỹ! Chỉ có điều, bề mặt lục địa này luôn phủ một lớp băng dày 2.000 - 3.000m, khiến trước kia người ta tưởng nhầm là một “băng dương”!

Hiền bay trên một chiếc C-130 có lắp ski trượt băng. Đây là loại máy bay quân sự. Do nhiệt độ quá thấp, ảnh hưởng đến các bộ phận cơ khí và dầu máy, nên chưa một hãng hàng không dân dụng nào dám phiêu lưu mở tuyến bay tới vùng này. Phương tiện đi lại duy nhất vẫn là máy bay quân sự. Là người lãnh đạo khoa học của đoàn quan trắc Mỹ, TS Hiền ngồi ngay trong khoang điều khiển. Anh lơ đãng nhìn những trái núi băng trôi nổi bồng bềnh, lổn nhổn trên mặt vịnh Ross.

“Thị trấn” McMurdo đang hiện rõ dần. Về mùa hè, “số dân” trú ngụ tại “thị trấn” này đông tới... vài nghìn! Đây là nơi “tiện nghi” nhất ở “băng châu”, có phòng thí nghiệm hiện đại, có thể gọi điện thoại đến các châu lục khác. Mùa hè, được tàu phá băng mở đường, tàu thủy cỡ lớn cập bờ, chở đến những thiết bị, vật liệu nặng, mà máy bay khó chở được. Thế nhưng, sang mùa đông, “số dân” giảm xuống, chỉ còn… vài trăm! Hầu hết là các nhà khoa học hay nhân viên kỹ thuật.

Lấp lóa hiện lên sân bay... nước đá xanh! Đường băng cho máy bay đáp xuống là nước đóng băng, đã được sửa sang bằng phẳng.

Sau chuyến bay kéo dài suốt tám giờ từ Christchurch (New Zealand), qua hàng chục nghìn kilomet, Hiền đến McMurdo, cửa biển quan trọng nhất “băng lục”, nằm phía Nam vịnh Ross. Nghỉ lại đây một ngày, anh đi loanh quanh ngắm đàn chim cánh cụt lang thang ngoài ghềnh băng, cho vơi đi nỗi buồn do xa nhà biền biệt.

Sáng hôm sau, bay tiếp đến Trạm Quan trắc Amundsen-Scott.

Thời tiết ở Amundsen-Scott càng khắc nghiệt hơn. Không một loài cỏ cây, muông thú nào sống sót! Nhưng, đây lại chính là nơi lý tưởng nhất trên Trái đất để quan trắc thiên văn. Sáu tháng mùa đông, không có ban ngày! Luôn là vòm trời đêm thăm thẳm, chi chít sao. Có thể “ngắm” vẻ diễm lệ của các ngôi sao và các thiên hà suốt 24 giờ liền!

Do nhiệt độ thấp, cao độ lớn (trạm quan trắc đặt trên núi phủ một lớp băng dày 3.000m), áp suất không khí thấp, cho nên bức xạ ở đây, từ sóng cận hồng ngoại (2 micron) đến sóng siêu cao tần (2 milimet), đều thấp hơn 200 lần so với ở Hawaii hay Chile.

Với kính viễn vọng siêu cao tần, Hiền truy lùng những... “chú lùn nâu” (brown dwarf) - những ngôi sao đã tự “thui chột”, trở nên nhỏ bé nên mới gọi là “lùn”, không còn đủ nặng, đặc, nóng để phát khởi phản ứng hạt nhân, tạo ra bức xạ nhiệt, ánh sáng.

Sự hiện diện của những “chú lùn nâu” được suy đoán từ quy luật tiến hóa của các ngôi sao, và là phần thiết yếu trong lời giải đáp về vật chất tối (dark matter), loại vật chất tồn tại gần dải Ngân Hà. Vật chất tối - còn gọi là vật chất không nhìn thấy được (invisible matter) - chiếm 90%-98% tổng khối lượng Vũ trụ. Nhưng, nó không phát ra ánh sáng, cũng như bất kỳ loại bức xạ nào khác, cho nên ta không “thấy” nó! Tuy nhiên, sự hiện diện của nó là hiển nhiên, bởi vì, được thể hiện qua lực hấp dẫn mà nó tác động lên các ngôi sao và các thiên hà.

6 tháng u hoài trong đêm dài bất tận...

Trong một lá thư gửi từ châu Nam Cực, Hiền tâm sự:

“Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy rất sớm. Gọi là buổi sáng, nhưng thực ra trời vẫn tối mịt, bởi vì, về mùa đông, sáu tháng liền là… đêm! Vào nhà ăn, nướng một lát bánh mì, uống ly nước lạnh, rồi mang găng tay, mũ, áo ấm, đi ra Trạm Quan trắc. Sáng nào cũng vậy thôi! Đường đi trong đêm tối như bưng, dài chừng một kilômét. Có hôm tôi rọi đèn pin. Có hôm cứ nhằm thẳng ngọn đèn của Trạm Quan trắc mà đi. Bước thấp bước cao trên mặt tuyết gồ ghề. Đôi giày đi tuyết bó chặt hai bàn chân, vướng víu. Hôm nào gió to, tuyết bay mù mịt, tầm nhìn không quá 5 mét. Tôi cứ lần bước theo sợi cáp nối liền Vòm Mùa đông - nơi chúng tôi ở - đến Trạm Quan trắc. Gió tuyết táp vào mặt, rát như bỏng lửa.

Nhiều hôm liền lạnh -73°C. Những hôm gió lớn, rét tới -100°C. Riết rồi cũng quen! Chướng ngại về môi trường, thời tiết chỉ còn là mấy con số để nhìn mà tắc lưỡi. Có khi suốt đoạn đường, tôi chẳng nghĩ ngợi gì. Nhưng, cũng có lúc, tôi dừng lại, đưa mắt nhìn quanh, khâm phục nét hùng vĩ huyền bí của tự nhiên…”.

Rồi anh viết tiếp:

“Nam Cực vắng lặng kinh người! Có những hôm chan chứa muộn phiền, tôi giải khuây bằng cách nghĩ về cái kính viễn vọng mà tôi và anh em trong nước hứa cùng nhau thiết lập…”.

Nhớ quê hương, anh một mình khâu lá cờ đỏ sao vàng rộng 4m², rồi vào một buổi trưa hè nắng lóa, đem cắm cờ Tổ quốc cùng với quốc kỳ Mỹ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Australia, New Zealand, Chile, Argentina, Nam Phi… Đây là lần đầu tiên quốc kỳ nước Việt Nam phấp phới bay tại Cục Đón chào, châu Nam Cực.

Về chuyến đi năm ấy, Hiền kể thêm:

“Vài tuần trước khi lên đường xuống vùng nước đá, tôi về lại Việt Nam, thăm nhà sau bao năm xa cách. Khoảng thời gian ít ỏi ấy ở quê hương chẳng là gì cả đối với số đông người Việt đang vất vả ngược xuôi nối dài sự chia lìa xa cách. Tôi xuống Nam Cực mà lòng vẫn nghĩ hoài về những ngày ngắn ngủi bên cạnh người thân, những giây phút lặng im ngắm cánh cò trên đám ruộng xanh hay nhìn vòm trời mịt mù sũng nước ở cái thành phố nhốn nháo mà tôi yêu thương vô vàn…”.

“Cái thành phố nhốn nháo mà tôi yêu thương vô vàn” ấy chính là Đà Nẵng, quê anh, bên ngọn Ngũ Hành Sơn xưa từng là nơi rừng xanh, suối mát…

Giữa tháng 7-1994, xảy ra một sự kiện “kinh thiên động địa”: Sao chổi Shoemaker Levy đâm sầm vào Mộc tinh! Các cột lửa bốc cao… hàng nghìn… kilômét! Hàng loạt mảnh sao chổi to như trái núi khổng lồ va đập mạnh vào bề mặt Mộc tinh, tạo ra những cái hốc lớn đến mức có thể “nhét” cả… Trái đất… vào đấy!

Không phải đài thiên văn nào cũng có thể quan sát sự kiện “triệu năm có một” ấy! Chỉ có kính viễn vọng Hubble của Mỹ bay trong không gian mới theo dõi được tường tận.

Thế nhưng, có một người Việt Nam “thấy” hiện tượng ấy từ đầu đến cuối. Đó là TS Hiền. Anh là người lãnh đạo khoa học Trạm Amundsen-Scott, nơi có 27 nhà khoa học và kỹ sư Mỹ làm việc. Bởi thế, trong hai buổi phát thanh chiều 21 và chiều 28-7-1994, Đài BBC London, phần Anh ngữ cũng như Việt ngữ, mới truyền đi cuộc phỏng vấn TS Hiền qua điện thoại.

“Một biệt non nhà chẵn chục năm”

Tháng 10-1995, Gặp gỡ Việt Nam lần II diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 24-10, nhật thực toàn phần có thể nhìn thấy ở hai tỉnh Sông Bé, Bình Thuận. Cuốn Ngày hai đêm của Nguyễn Trọng Hiền in đúng lúc, đem lại nhiều điều thú vị cho bạn đọc Việt Nam.

Hôm nhật thực, ngay từ sáng sớm, những người dự cuộc gặp đã lên xe buýt đi Sông Bé. Trên xe, tôi ngồi cạnh Hiền. Tôi cảm thấy thú vị quá khi được biết, tuy sống ở Mỹ, anh vẫn mê văn, sử, triết phương Đông. Anh thuộc cả mấy câu thơ chữ Hán trong bài Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác Nguyễn Trãi viết sau mười năm binh lửa, trở lại chốn “gia sơn”:

Nhất biệt gia sơn cáp thập niên,
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên.
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ?
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên!…

Tôi mách với Hiền rằng nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn - một ông “bạn vong niên” của tôi - đã dịch bài thơ ấy sát mà hay:

Một biệt non nhà chẵn chục năm,
Chuyến về thông cúc nửa hoang cằn.
Sao đành phụ ước nơi rừng suối?
Chỉ tự thương thân ngạt bụi trần!…

Khi tôi ngân nga mấy tiếng “gia sơn/non nhà”, “lâm tuyền/rừng suối”, Hiền cho biết anh liên tưởng ngay tới những ngọn “non nhà” nơi quê anh như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn…

Hiền sinh năm 1963 bên ngọn Ngũ Hành Sơn, sang Mỹ năm mười tám. Anh học Berkeley, rồi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Princeton. Lĩnh vực anh chuyên sâu là bức xạ phông vũ trụ.

Rồi anh làm việc cho NASA, giảng bài ở Viện Công nghệ California.

Nhiều lần về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, anh cộng tác với các đồng nghiệp trong nước nhằm thiết lập một kính viễn vọng hiện đại ở Việt Nam. Một đất nước hơn 85 triệu dân mà không có lấy một chiếc kính viễn vọng “dùng được” thì - theo anh - quá thiệt thòi cho lớp trẻ!

Trong lần về nước gần đây nhất, anh tỏ ý muốn viết một cuốn sách tiếng Anh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết sao cho người phương Tây “dễ đọc”. Tôi đưa anh đến gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư, một người anh em đồng hao của Đại tướng, để tìm thêm tư liệu.

Luôn suy tư về đất mẹ, rất dễ hiểu vì sao trong đêm dài Nam Cực, anh đơn độc khâu một lá cờ đỏ sao vàng, rồi đem cắm ở chốn “băng châu” muôn trùng cách trở ấy…

Hàm Châu

Tin cùng chuyên mục