(SGGP).- Ngày 17-10, tại Hà Nội, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) thuộc Bộ NN-PTNT cùng Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức hội thảo mang tên “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao”.
Hiện nay đang có bất cập rất lớn về phân chia lợi nhuận từ giá lúa gạo. Cụ thể là khi giá gạo xuất khẩu giảm thường kéo giá bán lúa của nông dân cũng giảm xuống thấp. Trong trường hợp đó, lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp lại càng thấp hơn. Thế nhưng, khi giá gạo trên thị trường tăng cao thì người trồng lúa cũng chỉ được lợi rất ít.
Điều này có thể thấy rất rõ nếu so sánh giá lúa bán tại hộ nông dân với giá gạo xuất khẩu năm 2008: Khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD/tấn vào đầu năm 2008 lên mức trên 900 USD/tấn vào tháng 5-2008 thì giá gạo nông dân bán chỉ tăng chưa được 100 USD/tấn. Rõ ràng là nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo.
Báo cáo phân tích của các chuyên gia về chuỗi giá trị gạo xuất khẩu điển hình là tỉnh An Giang, một trong những nơi được coi là vựa lúa của ĐBSCL, cũng cho thấy, nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo làm ra, phần còn lại do các trung gian và các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng.
Báo cáo khẳng định: “Vai trò của các thương lái ở ĐBSCL là rất quan trọng trong việc kết nối nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, mức lợi nhuận 30% mà người trồng lúa được hưởng là không hợp lý khi họ phải bỏ ra 60%-70% tổng chi phí sản xuất, chưa kể đến những rủi ro thiên tai, dịch hại”.
PHÚC VĂN