Đô thị cảng Hiệp Phước

Nông dân chưa “mặn”việc đổi đất lấy cổ phiếu

Nông dân chưa “mặn”việc đổi đất lấy cổ phiếu

Khu vực quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước bao gồm toàn bộ diện tích xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè TPHCM), với tổng diện tích 3.600 ha, trong đó 1.000 ha xây dựng khu công nghiệp, phần còn lại xây dựng quy hoạch cảng, các khu dân cư…

Khu đô thị liên kết các tỉnh phía Nam

Nông dân chưa “mặn”việc đổi đất lấy cổ phiếu ảnh 1

Một góc khu dân cư Hiệp Phước - nơi sẽ quy hoạch thành khu đô thị cảng Hiệp Phước. Ảnh: Vĩnh Hưng

Đô thị cảng Hiệp Phước là khu đô thị đa chức năng của TPHCM, là cảng biển quốc tế quy mô lớn, đầu mối trung chuyển phục vụ TPHCM, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đó là khu công nghiệp đa ngành, đa sản phẩm, gắn với cảng và vận tải đường thủy. Với đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao, khu đô thị cảng này được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng khu vực phía Nam TP, mở thêm cơ hội phát triển công nghiệp, thương mại góp phần giảm áp lực dân số, việc làm, cơ sở hạ tầng, nhà ở, tạo động lực kích thích và liên kết không gian phát triển các vùng lân cận như Nhà Bè, Cần Giờ (TPHCM), Nhơn Trạch (Đồng Nai), Cần Giuộc, Cần Đước (Long An), Gò Công (Tiền Giang)… Quy mô dân số dự kiến từ 80-100 ngàn người, trong đó 40-50 ngàn là dân cư tại chỗ.

Tuy nhiên các chuyên gia về quy hoạch, xây dựng đã khuyến cáo: Hiệp Phước với lớp đất trầm tích Holoxen hệ đệ tứ, có nguồn gốc sông biển hỗn hợp; từ mặt đất xuống tới độ sâu 15m chủ yếu là lớp bùn sét có khả năng chịu lực rất kém. Trong trường hợp tuyến luồng mới được mở từ sông Lòng Tàu sang sông Soài Rạp, sẽ cần một lượng đất gần 17 triệu m3 để san lấp nền cho khu đô thị này. Nhiều ý kiến cũng lưu ý nếu không tính kỹ các phương án thì việc xây dựng tại đây có thể ảnh hưởng đến việc thoát nước của khu vực này nói riêng và TPHCM nói chung.

Người dân vẫn muốn “mì ăn liền”

Nhằm đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, TP chủ trương cho người dân có đất trong vùng quy hoạch góp vốn bằng cách dùng một phần tiền được đền bù mua cổ phiếu bằng mệnh giá gốc. Ông Phan Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Tạo (IPC), cho rằng khi thu hồi đất của người dân địa phương, Nhà nước vẫn thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định hiện hành như tái định cư, hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm… Ngoài ra người dân còn được mua ưu đãi số cổ phiếu bằng 15% số tiền được đền bù. Người dân không thể dùng toàn bộ số tiền được đền bù để đầu tư vào cổ phiếu được vì họ còn có nhiều mục đích khác như mua sắm phương tiện sinh hoạt, chia cho con cái, kinh doanh… Việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của mình nhằm tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định hơn về sau - vì giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên, được trả cổ tức hàng năm…

Vừa qua IPC đã tổ chức thí điểm thăm dò người dân tại khu vực này về việc đổi đất lấy cổ phiếu. Kết quả cho thấy người dân không mặn mà với việc này. Nhiều người dân cho biết cũng sẽ bán lại cổ phiếu cho giới đầu cơ chứ không có ý định đầu tư lâu dài. Cách đây khoảng 6 tháng, giới đầu cơ mua lại của nông dân khoảng 1,2 lần nay đã lên 3-4 lần mệnh giá. Nhiều người dân vì muốn “mì ăn liền” nên bán luôn cả mảnh đất để người mua được hưởng trọn quyền. Để tránh xáo trộn trong quá trình triển khai dự án khi nông dân ồ ạt chuyển nhượng đất, hiện nay các ban - ngành liên quan đang tìm cách để hạn chế vấn đề này. Vì chủ trương góp vốn bằng đất lấy cổ phiếu là muốn hỗ trợ cho người dân chứ không phải tạo điều kiện cho người đầu cơ.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục