Nông dân khá lên nhờ hẹ nước

Ở miền Tây, vào mùa lũ (mùa nước nổi), nông dân có thêm điều kiện mưu sinh, bội thu nhờ thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật như: cá linh non, bông điên điển, bông súng, cà na, hẹ nước…

Những năm gần đây, không đợi đến mùa lũ, bà con một số nơi tận dụng lợi thế đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng… để tạo “lũ giả”, mang lại nguồn thu nhiều hơn từ các sản vật thiên nhiên. Tại Long An, không ít nông dân đã “bỏ túi” 100 triệu đồng/ha/tháng, nhờ áp dụng việc bơm nước chăm hẹ trên ruộng.

Người dân luôn giữ ruộng ngập nước để khai thác hẹ

Người dân luôn giữ ruộng ngập nước để khai thác hẹ

Mỗi năm, thu 500 triệu đồng trên 3ha ruộng

Ở ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An), ông Ngô Văn Ùm (53 tuổi) được nhiều người biết đến với tên gọi “đại gia hẹ nước”. Người dân trong vùng gọi vui vậy, vì những năm gần đây, ông Ùm có thu nhập rất khá từ việc bơm nước vào ruộng tạo lũ, để chăm hẹ nước tự nhiên rồi thu hoạch.

Nhổ hẹ nước

Nhổ hẹ nước

3 giờ sáng, ông Ùm cùng nhiều nhân công lên ghe ra ruộng nhổ hẹ. Đến 7 giờ, ông chở hẹ nước về để các lao động ở nhà phân loại, cắt gốc, làm sạch, chờ thương lái đến thu mua. Buổi chiều, ông Ùm và những người được thuê làm tiếp tục công việc tương tự.

“Công việc cứ quần quật từ sáng đến tối muộn. Ngoài những người trong gia đình, tôi còn thuê hơn chục người làm, nhưng nhiều hôm vẫn không đủ hàng giao cho khách”, ông Ùm chia sẻ.

Sau khi nhổ hẹ lên khỏi mặt nước, người dân lựa cỏ bỏ đi rồi mới cho vào thau

Sau khi nhổ hẹ lên khỏi mặt nước, người dân lựa cỏ bỏ đi rồi mới cho vào thau

Theo nhiều nông dân ở huyện Đức Huệ, ở vùng này, trước giờ chỉ làm được 2 vụ lúa. Tuy nhiên, có năm lũ lớn, nông dân phải bỏ ruộng. Lúc này, hẹ nước mọc rất nhiều trong ruộng. Thấy vậy, một số hộ nhổ hẹ bán.

“Hẹ nước là loại rau tự nhiên, không có giống để trồng. Đặc điểm của loại rau này là càng nhổ thì hẹ càng mọc nhiều. Người này nhổ hẹ bán kiếm được nhiều tiền, người khác thấy vậy làm theo, dần dần thành một nghề mưu sinh của người dân vùng này”, ông Linh, người làm nghề thu hoạch hẹ nước ở Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ) chia sẻ.

Hẹ sau khi chất đầy ghe sẽ chở về bến để làm sạch, phân loại

Hẹ sau khi chất đầy ghe sẽ chở về bến để làm sạch, phân loại

Ông Ngô Văn Ùm cho biết, trên 3ha ruộng, mỗi mùa lũ đi qua (từ tháng 9 đến tháng 11), ông thu hoạch được hơn 50 tấn hẹ nước, mang về thu nhập hơn 300 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi vụ lúa, thu nhập cao nhất cũng chỉ được khoảng 50 triệu đồng và tốn nhiều công chăm sóc.

“Thấy vậy, khi hết lũ (hoặc lũ không lớn), tôi thử bỏ một vụ lúa, thay vào đó là bơm nước vào ruộng tạo lũ giả. Hơn 1 tháng sau, hẹ mọc lên rất nhiều. Hẹ mọc nghịch mùa lũ nên có giá bán rất cao (gần 18.000 đồng/kg). Những năm gần đây, toàn bộ diện tích lúa của gia đình, tôi chuyển sang làm hẹ, trừ công cán, mỗi năm thu hơn 500 triệu đồng”, ông Ùm khoe.

Ông Ngô Văn Ùm (giữa) lặt hẹ nước cùng người lao động

Ông Ngô Văn Ùm (giữa) lặt hẹ nước cùng người lao động

Chưa khuyến khích nông dân bỏ trồng lúa nuôi hẹ

Do thu nhập từ việc tạo lũ giả trên ruộng để chăm và thu hoạch hẹ nước cao hơn so với trồng lúa, những năm qua, số lượng hộ nông dân bỏ lúa làm hẹ nước gia tăng. Tính riêng ở ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Hòa), hiện đã có 5 hộ nông dân chuyển từ trồng lúa sang làm hẹ nước nghịch mùa với tổng diện tích hơn 5ha, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.

Ông Ngô Văn Ùm cho biết, để thuê được người thu hoạch hẹ nước (nhổ hẹ) rất khó, vì những người này phải có sức khỏe, trầm mình lâu được dưới nước. Tuy nhiên, ở khâu phân loại, lặt gốc, làm sạch thì dễ thuê lao động hơn, chủ yếu là người hết tuổi lao động, hoặc phụ nữ chăm con nhỏ tranh thủ làm thêm.

“Mỗi buổi, tôi cố gắng làm sạch được hơn 30kg rau hẹ nước, 1kg được 5.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, tôi có thu nhập hơn chục triệu đồng. Đây là khoảng thu nhập lớn đối với lao động ở nông thôn như tôi”, bà Nghiêm, người làm thuê cho gia đình ông Ùm khoe.

Bà Nghiêm dù đã hết tuổi lao động nhưng vẫn tham gia lặt hẹ để có thêm thu nhập

Bà Nghiêm dù đã hết tuổi lao động nhưng vẫn tham gia lặt hẹ để có thêm thu nhập

Theo bà Nguyễn Thị Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ), việc nuôi hẹ trong 9 tháng nghịch mùa và 3 tháng thuận mùa (mùa lũ) trên ruộng mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Hiện, rau hẹ rất được ưa thích, có nhu cầu tiêu thụ cao, đặc biệt tại các khu du lịch sinh thái. Khách du lịch rất thích món hẹ nước chấm với mắm kho hoặc nấu canh chua. Dù được mùa được giá, nhưng loại rau này còn “lạ” với nhiều người, do đó địa phương chưa khuyến khích nông dân bỏ trồng lúa nuôi hẹ.

Mỗi buổi sáng, bên lũy tre làng, bà con ấp Chánh quây quần lặt hẹ

Mỗi buổi sáng, bên lũy tre làng, bà con ấp Chánh quây quần lặt hẹ

Tin cùng chuyên mục