Dù ở vùng nông thôn sâu, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng Thạch Chane không ngừng nỗ lực vươn lên bằng những mô hình làm ăn mới để thoát nghèo. Ông đã trở thành nông dân Khmer làm nông nghiệp xuất sắc nhất ở xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh khiến nhiều người nể phục…
Học hỏi để tăng vụ lúa
Phải hẹn năm lần bảy lượt chúng tôi mới gặp được Thạch Chane vì ông luôn bận rộn chăm sóc khu đất rộng hơn 120 công của gia đình. Bên cạnh đó, ông còn làm dịch vụ sấy lúa, xới đất, nuôi bò, vịt…
Thạch Chane bên cánh đồng lúa rộng lớn của mình
Đưa chúng tôi đi thăm 120 công lúa liền canh liền cư, mà người dân địa phương hay nói vui là “cánh đồng lớn” của Thạch Chane, ông kể, để có được “cánh đồng lớn” này, ông phải trải qua rất nhiều năm cơ cực. Thạch Chane nhớ lại: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, cha mẹ sống dựa vào nghề nông nhưng đất đai không nhiều. Dù cuộc sống khó khăn, song tôi vẫn cố gắng học hết phổ thông rồi học Trung cấp y tế. Ra trường về địa phương làm được mấy năm thì tôi bỏ nghề bởi cảm thấy không “có duyên” với ngành y”. Năm 1987, Thạch Chane lấy vợ và mưu sinh bằng nghề làm ruộng. Thời điểm này, do hệ thống thủy lợi yếu kém, điều kiện canh tác khó khăn nên hầu hết nông dân ở xã Phước Hưng chỉ sản xuất được mỗi năm 1 vụ lúa nhưng hiệu quả không cao. Để có thể khá lên từ cây lúa, Thạch Chane suy nghĩ tìm hướng đi riêng. Đầu tiên, ông nhận ra tập quán canh tác cũ không còn phù hợp, nên ông ra huyện rồi lên tỉnh tìm các kỹ sư nông nghiệp để học hỏi về kỹ thuật sản xuất, cách phòng trừ sâu bệnh, áp dụng giống mới… Nghe nơi nào mở các lớp về khuyến nông là ông đến học để trang bị thêm kiến thức.
Sự cần cù, chịu khó và nhất là chịu học đã giúp Thạch Chane có cái nhìn mới về canh tác lúa. Ông triển khai đào kênh mương để hạ phèn và chứa nước ngọt nhằm chủ động trong việc bơm tưới cho lúa. Nguồn nước đảm bảo, cộng với kỹ thuật vững vàng… thế là Thạch Chane bắt đầu tăng sản xuất lúa lên 2 vụ/năm và sau đó 3 vụ/năm, giúp gia đình có thu nhập đáng kể. Có được bao nhiêu tiền từ lúa, Thạch Chane đầu tư mua ruộng để mở rộng quy mô sản xuất. “Góp gió thành bão”, cứ như vậy hơn 20 năm, đến nay Thạch Chane đã có trong tay hơn 120 công ruộng “liền canh liền cư” tại xã Phước Hưng. Từ khi Nhà nước có chủ trương phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thì Chane cũng xây dựng “cánh đồng lớn” của riêng mình bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, hợp tác với doanh nghiệp trong việc mua vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm…
Đa canh để làm giàu
Tuy sở hữu hơn trăm công ruộng nhưng nông dân Khmer Thạch Chane chưa chịu dừng lại, ông muốn làm giàu qua nhiều mô hình sản xuất nữa. Được vợ con ủng hộ, ông trồng thêm khoảng 1,2ha dừa, xây chuồng trại nuôi bò, vịt, gà, cá… Ngoài ra, ông còn làm thêm dịch vụ sấy lúa, xới đất, phun thuốc trừ sâu, cho thuê rạp đám cưới. Hàng năm lợi nhuận từ 120 công lúa giúp ông bỏ túi hơn 600 triệu đồng; từ vườn dừa hơn 60 triệu đồng; nuôi bò khoảng 90 triệu đồng; nuôi cá, gà, vịt thêm 20 triệu đồng nữa và các dịch vụ khác được khoảng 200 triệu đồng… Tính ra, lợi nhuận mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với một nông dân Khmer ở vùng sâu như xã Phước Hưng.
Bây giờ đã là “ông chủ lớn” nhờ “cánh đồng lớn” nhưng ông sống rất giản dị, hòa đồng với mọi người. Thời gian rảnh rỗi, ông tích cực tham gia công tác hội nông dân và các đoàn thể ở địa phương. Ông nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm làm lúa hiệu quả để mọi người học hỏi, cùng vươn lên. Hộ nào có hoàn cảnh khó khăn, ông sẵn sàng cho mượn vốn làm ăn. Bình quân mỗi năm ông hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng cho các hộ nghèo mượn vốn canh tác mà không hề tính lãi. “Hồi trước tôi cũng chật vật như họ, nay may mắn làm ăn thuận lợi mà khá lên. Vì vậy bản thân phải có trách nhiệm hỗ trợ bà con Khmer địa phương cùng phát triển”, Thạch Chane bộc bạch.
Ông Nguyễn Gia Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng cho biết: “Phước Hưng là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với tỷ lệ hơn 57%. Lâu nay việc sản xuất nông nghiệp cũng như làm kinh tế còn khó khăn, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, việc vượt khó vươn lên làm giàu của nông dân Thạch Chane đã tạo “cú hích” đối với cộng đồng bà con người Khmer địa phương. Từ thực tế của bản thân, cộng với sự nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, tấm lòng rộng mở của ông mà thời gian qua đã có nhiều hộ nông dân khác ổn định được cuộc sống. Thạch Chane như một tấm gương tiêu biểu đối với người Khmer ở địa phương”.
10 năm qua, ông Thạch Chane là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và cấp tỉnh; riêng năm 2016, ông là nông dân Khmer duy nhất của tỉnh Trà Vinh và ĐBSCL đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Đây là danh hiệu lớn mà Thạch Chane tâm sự là “không thể nào quên được”. Song điều quan trọng là ông muốn chứng minh với cộng đồng bà con Khmer “không gì là không thể” nếu chúng ta có quyết tâm, có kiến thức, chịu đổi mới để thích ứng với tình hình mới thì sẽ thành công…
HUỲNH LỢI