
Thời gian gần đây, nhiều nông dân trồng cà phê tại Lâm Đồng lao đao vì mua phải phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là, số phân bón này lại được phân phối cho nông dân thông qua các tổ chức của hội nông dân và một số lãnh đạo cấp xã, huyện.

Nông dân lao đao vì phân bón kém chất lượng.
Bón 1 vụ, hại 3 năm
Đầu năm 2008, ông Nguyễn Đức Minh đại diện cho 22 hộ dân tại thôn Hà Tân, xã Tân Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mua 51 tấn phân NPK của Công ty Thiên Phúc từ ông Lăng Văn Niệp (Bí thư Đảng ủy xã Tân Văn). Sau khi bón phân, hầu hết vườn cà phê của những hộ dân này không phát triển mà còn bị vàng lá, rụng lá, rụng hạt và khô cành. Nghi ngờ bón phải phân kém chất lượng nên người dân đã lấy mẫu phân mang đi thử nghiệm, kết quả cho thấy tỷ lệ nitơ, photpho và kali thấp hơn nhiều so với thông tin công bố trên bao bì…
Cũng thông qua kênh phân phối của ông Lăng Văn Niệp, hàng chục hộ dân tại thôn Tân Đức đang lao đao vì gặp phải phân kém chất lượng. Ông Nguyễn Trung Đăng bức xúc: “Gia đình tôi mua 3 tấn phân NPK nhãn Bình Nguyên theo hình thức trả chậm của ông Lăng Văn Niệp phân phối thông qua ông Trần Văn Thọ (trưởng thôn Tân Đức). Sau khi bón cho vườn cà phê được nửa tháng thì phát hiện cà phê vàng lá, rụng lá và hạt. Vụ cà phê 2008, năng suất vườn cà phê của gia đình tôi giảm rõ rệt, 2.000 cây cà phê chỉ thu được 2 tấn cà phê nhân so với 6 – 7 tấn của vụ trước”.
Còn bà Nguyễn Thị Hiên ở thôn Phúc Thọ, xã Liên Hà thì mua 3 tấn phân NPK Bình Nguyên thông qua tín chấp của Hội Nông dân xã. Sau khi bón phân, thấy cây cà phê vàng lá, rụng trái liền báo với Hội Nông dân xã nhưng hội chỉ cử người đến xem rồi hẹn rày, hẹn mai. Bà Hiên cho biết, phân bón kém chất lượng không chỉ làm giảm năng suất một vụ mà còn gây ảnh hưởng lâu dài đến vườn cà phê. Khi phát hiện cà phê bị hư hại, gia đình bà đã ngưng bón phân NPK để dùng phân hữu cơ, phân bón lá và thuốc kích thích phát triển bộ rễ nhưng vườn cà phê phục hồi rất chậm, trong 2 – 3 vụ tới năng suất có thể giảm đến 50%.
Mua phải phân “dỏm”, còn bị hầu tòa
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra, phân tích cho thấy, có 18/59 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 30,5%. Sở đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 công ty và 14 đại lý số tiền gần 97 triệu đồng. Như vậy, từ đầu năm 2009 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt 34 công ty và 40 đại lý sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng với số tiền gần 350 triệu đồng. |
Ông Trần Văn Thái, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, cho biết: Năm 2008, hội có nhận 300 tấn phân NPK Bình Nguyên và Thiên Phúc từ ông Nguyễn Huyến (Ủy viên Thường trực HĐND huyện Lâm Hà) về phân phối cho 70 hội viên. Sau đó, hội có nhận được đơn khiếu nại của một số bà con nên đã đề nghị ông Huyến vào làm việc với nông dân nhưng từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Còn tại xã Tân Văn, sau khi mang mẫu phân đi kiểm nghiệm thấy chất lượng kém, bà con đã đến báo và đề nghị ông Lăng Văn Niệp vào xem xét vườn để cùng nhau giải quyết nhưng ông Niệp lại tỏ ra thiếu trách nhiệm. Không những thế, ông Niệp còn khởi kiện nông dân ra tòa vì chưa trả tiền mua phân. Đến đầu tháng 9-2009, đã có 4 nông dân tại xã Tân Văn phải hầu tòa, 5 người khác cũng đã có giấy triệu tập. Do đây là tranh chấp dân sự nên TAND huyện Lâm Hà tuyên những nông dân đã mua phân phải có trách nhiệm trả tiền cho người bán, còn vấn đề chất lượng phân bón không được xem xét.
Bức xúc vì đã mua phải phân bón “dỏm” còn bị hầu tòa, người dân đã quyết định lặn lội tìm đến tận nơi sản xuất phân bón để khiếu nại. Khi đến địa chỉ ghi trên bao bì của Công ty TNHH Phân bón Bình Nguyên là “tổ 5, ấp Vĩnh Tường xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” thì người dân mới ngã ngửa vì biết rằng công ty này đã ngưng hoạt động từ năm 2007 (theo xác nhận của UBND xã Tân Vĩnh Hiệp).
Điều đáng nói là, trên bao bì của phân bón Bình Nguyên vẫn ghi năm sản xuất là 2008. Vậy loại phân bón kém chất lượng mà nông dân đã sử dụng liệu có phải của Công ty Bình Nguyên hay từ đâu? Ông Niệp cho rằng, đại lý của ông chỉ biết nhận các loại phân bón về rồi bán lại cho dân chứ không thể biết được nguồn gốc, chất lượng, kể cả việc Công ty Bình Nguyên đã ngưng hoạt động. Muốn biết xuất xứ nguồn gốc thì phải đến đại lý cấp cao hơn.
Người dân đang chờ đợi ngành chức năng huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vào cuộc để làm rõ vụ việc.
Nam Viên
Đắc Lắc: Nhiều mẫu phân bón không đạt tiêu chuẩn Tại Đắc Lắc, trong thời gian qua, Thanh tra Sở NN-PTNT đưa 50 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm, trong đó có 26 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng mà nhà sản xuất công bố, chiếm tỷ lệ 52%. Một số loại phân bón có hàm lượng thiếu quá lớn so với công bố như phân lân hữu cơ sinh học TiNoMix-CF1 của Nhà máy phân bón Tiến Nông, phân hữu cơ khoáng BiMix của Công ty cổ phần Cây trồng Bình Chánh, phân NPK 16-16-8 của Công ty Phân bón Đồng Xanh, phân bón lá cao cấp TN GROW và TN GREEN của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Tây Nguyên. C.Hoan |