Chỉ còn mấy ngày nữa đến giao thừa, hiện không khí đón tết đang lan tỏa khắp nơi, từ nông thôn tới thành thị. Tại các tỉnh ĐBSCL, nông dân đang tất bật sửa sang nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều thứ cần thiết cho ngày tết cổ truyền dân tộc. Dấu hiệu tích cực là năm nay nhiều mặt hàng nông thủy sản được giá, giúp bà con có thu nhập khá, vì vậy nhiều gia đình sẽ ăn tết lớn…
Chuẩn bị vui xuân
Liên tục cả tháng qua, hàng chục công nhân làm đường ở ấp Tân Hưng, xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) phải tăng cường làm ca đêm để kịp hoàn thành tuyến đường bê tông nông thôn dài 3,5km. Bí thư chi bộ ấp Tân Hưng Cao Văn Chiếm mừng ra mặt: “Đây là tuyến đường nông thôn “xịn” nhất ở xã Tân Thành, với bề mặt rộng tới 3,5m, đảm bảo cho xe 4 bánh đi lại dễ dàng, tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn lắp đặt hệ thống đèn đường, đưa vùng nông thôn phát triển lên như đô thị. Song hành cùng con đường mới, nhiều hộ dân cũng “đua” nhau xây nhà tường kiên cố. Chỉ riêng đoạn ngắn ở tuyến kênh Ông Phật đã có hàng chục nhà tường mọc lên, có căn trị giá tới 2 - 3 tỷ đồng… Tết này bà con vui xuân trong ngôi nhà mới”. Ông Phạm Văn Lành, ở ấp Tân Hưng, bộc bạch: “Gia đình tôi canh tác hơn 2ha vườn cam, quýt hồng, quýt đường… Năm nay, cũng nhờ trái cây được giá cao giúp cả nhà có thu nhập khá. Sẵn con đường vừa được Nhà nước làm mới rất rộng, nên tôi chi khoảng 400 triệu đồng để xây hàng rào và mở rộng căn nhà cho khang trang hơn”.
Người dân TP Cần Thơ chọn mua hoa tết.
Tại vùng ven sông Hậu thuộc huyện Bình Tân (Vĩnh Long) không khí đón tết cũng đang nhộn nhịp. Ông Phạm Văn Út, ngụ ấp Tân Thới, xã Tân Bình (huyện Bình Tân) hớn hở: “Xứ này nổi tiếng trồng hành lá để cung ứng cho thị trường TPHCM và các nơi khác. Năm nay hành lá được giá từ 700.000 - 800.000 đồng/tạ, nông dân còn lãi gần 10 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Vụ này gia đình tôi sản xuất 4 công hành lá thu lời được 40 triệu đồng; số tiền trên đủ cho cả nhà vui tết”.
Dọc các vùng ven biển ĐBSCL, nhiều hộ trúng mùa tôm nên không khí đón tết được chuẩn bị sớm. Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết: “Kinh tế chính của xã là con tôm với diện tích trên 2.100ha. Vụ tôm vừa rồi nhờ tuân thủ tốt lịch thời vụ và chăm sóc chu đáo nên kết quả có hơn 70% số hộ nuôi tôm có lời; trong đó nhiều hộ lời từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Được mùa tôm nên tết này nhà nào cũng chuẩn bị xôm tụ”. Một trong những nơi chuẩn bị tết sôi động ở ĐBSCL là dân đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Lần đầu tiên nơi đây có điện lưới quốc gia, nên nhiều gia đình xây nhà mới, mua sắm tivi, tủ lạnh… để đón một cái tết sung túc nhất từ trước tới nay. UBND huyện Phú Quốc cho biết, hiện cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể; đường hàng không, đường thủy từ đất liền ra đảo Phú Quốc dễ dàng. Vì thế lượng khách trong và ngoài nước ra đảo Phú Quốc vui xuân rất đông…
Kỳ vọng… năm mới
Nhờ thủy sản một năm thắng lợi nên không khí đón tết ở “vùng đất mũi Cà Mau” rất chộn rộn. Năm 2014, Cà Mau tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu mặt hàng tôm với kim ngạch đạt khoảng 1,3 tỷ USD. UBND tỉnh Cà Mau đề ra kế hoạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 tỷ USD trong năm 2015, khẳng định vị thế số 1 về mặt hàng tôm.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Năm 2015, Đồng Tháp sẽ hình thành chuỗi giá trị về sản xuất lúa gạo và cá tra; đây là 2 sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh chương trình hợp tác với Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản… để phát triển hoa kiểng, lúa gạo, thủy sản… Các chương trình này đã hé mở nhiều hướng đi mới và Đồng Tháp kỳ vọng bứt phá trong năm mới này, nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp”. Ông Trần Văn Rón, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã… tổ chức cho bà con vui xuân đầm ấm, an toàn, tiết kiệm. Năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Long đạt 34,58 triệu đồng, tăng 4,37 triệu đồng so năm 2013; điều này cho thấy việc sản xuất, kinh doanh phát triển khá tốt. Năm mới 2015, Vĩnh Long phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,2%; đồng thời tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp; mở rộng mô hình cánh đồng lớn và nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,54%.
Năm 2015, các địa phương ở ĐBSCL đều có kế hoạch đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, thủy sản, rau màu… để đưa vùng ĐBSCL tăng tốc.
HUỲNH PHƯỚC LỢI