Nông dân miền Trung ngại dùng giống lúa ngắn ngày

Nông dân miền Trung ngại dùng giống lúa ngắn ngày

Lũ trái mùa tại miền Trung rơi đúng vào cao điểm nông dân đang ngâm ủ giống và gieo sạ cho vụ lúa đông xuân nên đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nông dân không chỉ “khát” lúa giống mà còn phải tìm lời giải khẩn cấp cho “bài toán” chuyển đổi cơ cấu giống dài ngày sang ngắn ngày.

“Đánh bạc với trời”!

Ngày 4-1, thống kê sơ bộ từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, mưa lũ trái vụ trong những ngày cuối năm 2008 đầu năm 2009 đã làm hàng chục ngàn ha lúa và hoa màu thiệt hại nặng.

Trong đó, Quảng Bình ngập úng 3.250 ha, 500 ha rau màu và 400 tấn giống đã ngâm ủ không gieo sạ được. Thừa Thiên- Huế 2.345 ha lúa vừa gieo sạ bị mất trắng. Bình Định có trên 2.680 ha lúa đông xuân mới sạ bị hư hại hoàn toàn. Phú Yên có 8.671 ha ngập trắng. Còn tại tỉnh Khánh Hòa có 4.574 ha lúa và 463 ha hoa màu bị ngập úng....

Nông dân miền Trung ngại dùng giống lúa ngắn ngày ảnh 1

Hàng ngàn ha lúa gieo sạ tại các tỉnh miền Trung bị mất trắng vì ngập úng.

Hiện tại, nông dân khắp các tỉnh miền Trung đang lâm vào tình cảnh trớ trêu khi thóc giống xác nhận ngâm ủ hư hỏng, mạ chết, thiếu giống gieo cấy lại, phân bón, thuốc trừ sâu tăng giá, hàng nông sản mất giá. Nhưng lúc này vấn đề họ lo lắng hơn cả là việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa dài ngày sang ngắn ngày.

Ông Lê Văn Thứ, Chủ nhiệm HTX Đông Phú, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết: Theo lịch thời vụ đến ngày 10-1, bà con xã viên của HTX phải hoàn thành việc gieo cấy lúa dài ngày (chủ yếu là lúa giống 4B).

Nhưng năm nay, do ảnh hưởng không khí lạnh gây mưa kéo dài cộng với triều cường gây ngập lụt làm mất trắng gần 167 ha lúa đã gieo sạ và hàng chục tấn thóc giống nảy mầm không sử dụng được vì phương án đấu úng đồng ruộng để gieo cấy phải mất 8 ngày nữa nếu thời tiết thuận lợi.

Trước tình hình trên, lãnh đạo sở và phòng NN-PTNT chỉ đạo HTX nên thay thế giống dài ngày đã chết sang gieo cấy lúa ngắn ngày nhưng nông dân e ngại và coi đó như việc “đánh bạc với trời”. Bởi, giống lúa ngắn ngày cho năng suất thấp, chất lượng không cao.

Cụ thể, lúa ngắn ngày cho năng suất 320 kg/sào, lúa dài ngày 350 kg/sào; thóc thịt lúa ngắn ngày, chủ yếu là lúa Khang, dân bán ra thị trường 3.700 đồng/kg, còn giống lúa dài ngày 4B là 4.500 đồng/kg. Hơn nữa, khi cây lúa ngắn ngày đến giai đoạn làm đòng trổ bông dễ bị đổ gãy, đó là chưa tính đến giá chi phí sản xuất lúa ngắn ngày tăng 1,5 lần so với lúa dài ngày…

Chuyển đổi cơ cấu giống là phương án tối ưu

Ông Hoàng Hữu Hè, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, phương án tối ưu mà ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương lúc này là căn cứ vào tình hình ngập úng trên từng cánh đồng để hướng dẫn nông dân thay đổi cơ cấu giống lúa dài ngày sang ngắn ngày cho kịp thời vụ.

Tuy nhiên, khi sử dụng giống lúa ngắn ngày, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo các tổ, đội sản xuất, bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất để chôn vùi các mầm sâu bệnh, lúa chét và cỏ dại, hạn chế nguồn bệnh tồn tại trên đồng ruộng.

Đối với vùng chua phèn, nhiễm mặn cần phải bón vôi để cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu, thau chua rửa mặn, hạn chế bệnh sinh lý gây ra… Đặc biệt, khi xuống giống, nông dân phải đảm bảo nguồn phân, đạm bón thúc cho cây trồng sinh trưởng phát triển nhanh, đủ sức chống đỡ khi thời tiết xảy ra rét đậm và sâu bệnh bùng phát.

Để bà con xuống giống lại kịp thời vụ, một mặt sở chỉ đạo các địa phương huy động nguồn lúa giống dự trữ trong dân, mặt khác tiến hành xuất kho dự trữ khoảng 100 tấn lúa giống xác nhận và đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí sửa chữa lại hệ thống bờ bao, kênh mương nội đồng bị hư hỏng, sạt lở trong mưa lũ…

Ngành nông nghiệp các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã lên phương án trợ giá giống và hỗ trợ để nông dân hoàn thành việc gieo cấy vụ lúa đông trong tháng 1-2009. Trong đó, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã vận chuyển 50 tấn giống lúa do Trung ương hỗ trợ phân phối gấp cho các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên và TP Tam Kỳ. Bình Định đã tạm ứng 3 tỷ đồng từ ngân sách năm 2009 mua thóc giống giúp nông dân vùng ngập úng… 

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục