Nông dân nông thôn mới làm giàu

Trong lúc câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong cả nước đang đặt ra không ít vấn đề, thì tại huyện nông thôn mới Nhà Bè (TPHCM), nhiều nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, gầy dựng được mô hình sản xuất hiệu quả.
Nông dân nông thôn mới làm giàu

Trong lúc câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong cả nước đang đặt ra không ít vấn đề, thì tại huyện nông thôn mới Nhà Bè (TPHCM), nhiều nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, gầy dựng được mô hình sản xuất hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, phấn khởi chia sẻ: “Nông dân phát triển nhiều mô hình rất hay, làm giàu ngay trên quê hương mình”.

Ông Phạm Văn Đứng (phải) với mô hình nuôi tôm lót bạt tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM

Năng suất nhảy vọt

Một trong những “mô hình rất hay” mà nông dân Nhà Bè đang phát triển sản xuất hiệu quả là mô hình nuôi tôm lót bạt. Ông Phạm Văn Đứng (ấp 3, xã Hiệp Phước) trước đây nuôi tôm ao đất. Ông kể, chỉ sau 2,5 tháng, tôm lớn chừng 80 con/kg thì nước ao đã đục ngầu, do cặn bẩn tích tụ dưới đáy ao và ô nhiễm. Có nuôi giỏi cũng không thể tiếp tục nuôi cho tôm lớn thêm và ông không bao giờ dám mơ ước có thể nuôi tôm lớn đạt mức 35 - 40 con/kg. Nay thì khác, ông không còn phải quá thấp thỏm hàng ngày lo chuyện nước ao bẩn đục. Sau khi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, cuối năm 2015, ông Đứng đầu tư 110 triệu đồng lót bạt cho toàn bộ ao rộng 1.800m2. Đáy ao đặt đường ống thoát nước, thường xuyên thu hồi và đẩy ra ngoài các chất thải, thức ăn thừa và vỏ tôm lắng xuống. “Ao được tự làm sạch, không còn đọng bẩn dưới đáy, không lo tôm ăn phải cặn bẩn rồi bị bệnh đường ruột nữa”, ông Đứng vui vẻ cho biết.

Chung quanh ao nuôi là một hệ thống các ao hỗ trợ: ao ương, ao lắng và ao thải. Ở vòng cuối cùng, chất thải ao tôm được hút, đẩy sang ao thải rộng 1.000m2 nền đất bình thường, không lót bạt. Ở đó, cá rô phi ăn phần vỏ tôm (đã được vớt lên, phơi khô) còn lớp bùn thải lắng xuống, lâu lâu ông Đứng hớt lên dùng để bón cây. Trước đó, nước từ sông Soài Rạp được dẫn vô ao lắng rộng 1ha để xử lý, diệt khuẩn trong vòng nửa tháng cho nước sạch, rồi từ đó mới chuyển nước vô ao nuôi.

Một lợi thế của ao nuôi lót bạt là thời gian làm sạch đáy ao khi kết thúc mỗi vụ nuôi rất nhanh. Nếu nuôi ao đất thông thường, sau mỗi vụ phải phơi ao mất cả tháng trời thì ao đã lót bạt chỉ cần tháo nước, rửa sạch để một ngày là có thể dẫn nước bắt đầu vụ mới. Nhờ rút ngắn thời gian nghỉ, số vụ nuôi tôm tăng lên thành 4 vụ/năm, trong khi thông thường chỉ nuôi được 2,5 vụ/năm. Và thay vì chỉ nuôi được 80 - 90 con/kg là chạm ngưỡng ô nhiễm, phải dừng lại, nay ông Đứng có thể yên tâm nuôi tôm lớn đến 35 - 40 con/kg. Nhờ đó, năng suất tăng lên rất nhiều.

Ông Trần Minh Dẫu, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè, cho biết chỉ cần một ao lót bạt rộng 1.000m2 cũng cho năng suất 3 tấn/vụ, mỗi năm 4 vụ sẽ có tổng là 12 tấn (năng suất ao thông thường 5 tấn/ha). Ông Dẫu so sánh, cùng một số vốn bỏ ra, thay vì đầu tư nuôi ao lớn rộng 1ha, nông dân có thể nuôi ao nhỏ có lót bạt chỉ rộng 1.000m2 nhưng năng suất cao hơn.

Cùng chia sẻ, cùng làm giàu

Không giấu giếm nghề, ông Đứng luôn chia sẻ cặn kẽ kỹ thuật và con số về chi phí, lợi nhuận để những nông dân khác dễ tính toán, cân nhắc. Theo ông Đứng, tuy vốn đầu tư lớn nhưng chỉ cần nuôi 2 vụ (nửa năm) là đủ hồi vốn. Không những đáy ao luôn sạch và kiểm soát được bệnh tật, một lợi thế nữa của việc nuôi lót bạt là ít tốn kém vật tư (vôi tẩy ao, thuốc diệt khuẩn…) do đáy ao đã sạch rồi. Cùng với ông Đứng, đến nay Nhà Bè có 5 hộ gia đình nuôi tôm lót bạt. Mô hình này đang trở thành một trong các mô hình mẫu “hot” mà nông dân trong và ngoài huyện lui tới tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tấn lại phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Nhà Bè mở trại trồng nấm tại số 824 Nguyễn Bình, ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Cơ sở rộng 1.500m2 chuyên trồng nấm bào ngư xám, vừa xuất bán tới các nhà hàng và chợ đầu mối, vừa là nơi dạy nghề cho lao động nông thôn. Ông Tấn nở nụ cười hào sảng: “Ai thích thì đến đây học nghề, sẵn có mô hình quan sát và thực hành luôn”. Thời gian qua, hàng chục hộ dân huyện Nhà Bè thường ghé cơ sở mua phôi số lượng nhỏ (50 - 100 phôi) về để ở góc nhà, tự nuôi trồng nấm sạch phục vụ gia đình. Nhiều hộ nông dân khác đang quan tâm, đến tham quan học hỏi để nuôi trồng quy mô lớn và đều được ông Tấn cam kết bao tiêu sản phẩm.

Với những mô hình cần tiền đầu tư lớn, ông Trần Minh Dẫu cho biết, các hộ dân đều có thể vay vốn và được hỗ trợ 60% - 100% lãi suất theo chủ trương chung của thành phố. Bí thư Nguyễn Văn Lưu cho hay, mang tiếng là ngoại thành và huyện nông thôn mới nhưng diện tích đất nông nghiệp của huyện không nhiều, chỉ chừng 300ha trong tổng số diện tích 10.000ha. Huyện đang chuyển dần nông nghiệp sang hướng nông nghiệp đô thị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Năm qua, Hội đồng thẩm định Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị huyện Nhà Bè đã phối hợp với các xã, thị trấn, Ban giảm nghèo, tăng hộ khá huyện và các tổ chức tín dụng triển khai được hơn 200 phương án sản xuất nuôi tôm, cá, cua, cua xen tôm sú, trồng lan cắt cành, mai… cho 211 hộ. Các hộ dân trước khi sản xuất được cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, cảnh báo và phòng ngừa dịch bệnh để quản lý tốt khu vực nuôi trồng. Các mô hình có tổng vốn đầu tư hơn 125 tỷ đồng, trong đó, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 100 tỷ đồng. Đa phần hộ dân vay vốn sản xuất đều có lãi.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục