Theo ghi nhận ban đầu, toàn bộ cánh đồng khoảng 10 ha của Đội Nhất, Đội Nhì thuộc 2 thôn Mỹ Hòa và Thuận Trạch, (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy) rộng khoảng 10ha được gieo cấy bằng giống lúa TBR 225 (do Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất) trong giai đoạn cuối để chuẩn bị vào vụ thu hoạch đột nhiên bị khô phần bông trở lên khiến bông lúa bị lép hoặc không có hạt.
Bằng mắt thường có thể quan sát được các thửa ruộng trên cánh đồng này lúa thay vì màu vàng mơ thì đã chuyển sang màu vàng đậm, nếu quan sát kỹ sẽ thấy nhiều cây lúa bị khô ở phần bông trở lên, nông dân lấy hạt thóc bóc ra thì bên trong bị lép, không có hạt.
Ông Trần Văn Thành ở thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy cho biết: “Gia đình có 3 sào ruộng gieo cấy giống TBR 225. Chăm sóc đúng kỹ thuật và lúa phát triển bình thường, nhưng gần đến ngày gặt mới phát hiện toàn bộ diện tích đều bị lép, thậm chí không có hạt".
Người dân phản ánh, tình trạng lúa chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch bị lép hạt không chỉ xảy ra ở xã Mỹ Thủy mà còn ở nhiều xã khác ở huyện Lệ Thủy, tuy nhiên mức độ nặng nhẹ khác nhau. Hiện tượng này chỉ xảy ra trên giống lúa TBR 225. Giống lúa này có nhiều địa phương ở Lệ Thủy đưa vào gieo trồng trong những vụ gần đây, được đánh giá có năng suất cao, chất lượng gạo tốt nên bà con nông dân sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PT-NT huyện Lệ Thủy cho biết: Vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 10.100 ha lúa; trong đó có hơn 1.900 ha lúa được cơ cấu bộ giống TBR 225. Trong số 1.900 ha gieo cấy giống TBR 225, có 900 ha mua giống trực tiếp từ Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, số diện tích còn lại do người dân chủ động mua hoặc để lại từ các vụ trước. Thế nhưng, không hiểu tại sao vụ Đông Xuân năm nay, toàn bộ diện tích gieo cấy giống TBR 225 đều bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông dẫn đến lúa bị lép hạt; tuy nhiên mức độ đặng nhẹ có khác nhau.
Trong khi đó, tại huyện Quảng Ninh kế bên, lý do 40ha lúa bị lép hạt được phòng NN-PTNT huyện lý giải là do gió mùa chứ không do chất lượng hạt giống.