Nông dân Quảng Ngãi “căng mình” chống hạn

Nắng nóng kéo dài, nông dân tỉnh Quảng Ngãi đang “căng mình” chống hạn sản xuất vụ Hè Thu.

Oằn mình chống hạn

Chưa năm nào người trồng lúa xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vất vả như năm nay vì thiếu nước sản xuất, còn trạm bơm Tân Hòa hư hỏng không đảm bảo công tác tưới tiêu.

Trạm bơm Tân Hòa (xã Hành Tín Tây) được xây dựng từ năm 2004 đến nay đã gần 20 năm, qua quá trình sử dụng, hiện nay trạm bơm đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo phục vụ tưới nước cho vụ Hè Thu năm nay.

Trạm bơm Tân Hòa xuống cấp sau gần 20 năm hoạt động. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trạm bơm Tân Hòa xuống cấp sau gần 20 năm hoạt động. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nhà trạm bơm xây dựng khoảng 4m2 đặt vùng thấp nên mùa mưa lũ, nước ngập toàn bộ trạm bơm, bùn đất lầy lội, tường nhà nứt nẻ, bong tróc; các hệ thống điện đứt gãy, nguy hiểm dễ gây cháy nổ. Do đó, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hành Tín Tây không thể vận hành bơm nước.

Ông Trần Ngọc Hồng, Giám đốc HTX, cho biết: “Vào vụ sản xuất Hè Thu, vùng thiếu nước do trạm bơm không hoạt động đến 40ha diện tích nông nghiệp, không có nước, người dân tìm đến HTX yêu cầu sửa chữa trạm bơm để dẫn nước vào ruộng”.

Do nguồn kinh phí hạn hẹp, mới đây, ông Hồng phải đi vay trước 30 triệu để sửa chữa hệ thống điện, máy bơm để trạm bơm tạm thời hoạt động.

Trạm bơm với các thiết bị thô sơ, máy móc cũng cũ, sắt hoen gỉ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trạm bơm với các thiết bị thô sơ, máy móc cũng cũ, sắt hoen gỉ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Có 2 máy bơm nhưng chỉ có 1 máy hoạt động vì không đủ kinh phí sửa chữa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Có 2 máy bơm nhưng chỉ có 1 máy hoạt động vì không đủ kinh phí sửa chữa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trạm bơm Tân Hòa có 2 máy bơm nhưng chỉ có thể cho 1 máy hoạt động, vì không đủ kinh phí sửa chữa. Ông nói: “Bây giờ không có nước thì không sạ lúa, làm cây hoa màu được nên trước mắt phải giải quyết cho người dân đảm bảo xuống giống”.

Trạm bơm hoạt động không liên tục, do vậy người dân xuống giống cầm chừng. Nhiều người dân canh cả đêm dẫn nước vào ruộng, tưới luân phiên các thửa ruộng.

Ông Hồng cho biết: “Xã Hành Tín Tây nằm ngoài vùng tưới thạch nham nên thường xuyên thiếu nước do nắng nóng kéo dài. Khi sông Vệ dần cạn kiệt nước, người dân đắp thêm đập tràn, đập bổi, đắp bờ để gom nước từ sông Vệ vào, bơm nước lên đồng ruộng. Do thiếu nước nên năng suất, sản lượng cây trồng giảm trong vụ Hè Thu”.

Ông Hồng có hơn 3 sào ruộng nhưng ông chỉ làm vụ Đông Xuân còn vụ Hè Thu thì bỏ đất hoặc cho người ta thuê làm vì không có nước.

Vùng nước bơm lên từ trạm bơm Tân Hòa không ổn định, thiếu nước. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Vùng nước bơm lên từ trạm bơm Tân Hòa không ổn định, thiếu nước. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Trần Thanh Hùng (xã Hành Tín Tây) có 5 sào ruộng làm lúa và 5 sào trồng hoa màu, ông cho biết: “Khi nào trạm bơm hoạt động thì tôi đi dẫn nước vào ruộng, còn không hoạt động, không có nước tưới thì bỏ vụ Hè Thu. Người dân ở đây hầu hết làm nông nghiệp nên phải thức đêm đến rạng sáng tưới cho đủ nước”.

Tương tự, ông Nguyễn Viễn cũng có 3 sào lúa, đến cuối tháng 5, nhờ trạm bơm Tân Hòa được sửa chữa tạm thời nên ông mới thuê máy cày xới đất chuẩn bị xuống giống.

Chống hạn càng về cuối vụ Hè Thu

Theo Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành, trong vụ Hè Thu này, toàn huyện có hơn 2.200ha lúa đã xuống giống gieo sạ, ngoài ra còn có các loại cây trồng bắp, rau, dưa hấu, ớt, đậu các loại… theo chuyển đổi cây trồng chịu hạn.

Ông Lê Quang Nhu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành, cho biết: “Vụ Hè Thu năm nay, chủ yếu thiếu nước tập trung 5 xã nằm ngoài vùng tưới thạch nham gồm Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Thiện với diện tích khoảng 200ha. Đối với 5 xã này, huyện chỉ đạo HTX chủ động nguồn nước tích trữ, tưới luân phiên từng đợt, không tưới đẫm, chủ động hồ đập, các giếng mà huyện đã hỗ trợ, nếu không đủ phải bơm nước để tưới”.

Do vậy, các địa phương huyện Nghĩa Hành chủ động sử dụng nước tưới từ các đập, hồ chứa, tùy vào điều kiện mỗi địa phương để gieo sạ lúa phù hợp với nguồn nước. Trong đó, Trạm Thủy nông số 4 của huyện Nghĩa Hành tổ chức khắc phục, sửa chữa những công trình, tuyến kênh đầu mối có tính chất quyết định nguồn nước tưới, phục vụ tốt cho sản xuất lúa vụ Hè Thu.

Nguồn nước khan hiếm, việc gieo sạ người dân gặp khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nguồn nước khan hiếm, việc gieo sạ người dân gặp khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

So với trung bình cùng kỳ nhiều năm trong vụ Hè Thu, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện nay cao hơn khoảng 30%. Vì vậy, nguồn nước trong vụ Hè Thu cơ bản đảm bảo cung cấp tưới, trừ vùng tưới cuối kênh chính hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng quy mô nhỏ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh, tuy nhiên, tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng thì khả năng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn cục bộ vào cuối vụ Hè Thu.

Dự kiến tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trong vụ Hè Thu có khả năng bị hạn là 1.900ha, có khoảng 3.500 người có khả năng thiếu nước sinh hoạt và 8.000 vật nuôi khả năng thiếu nước uống.

Theo kế hoạch, tổng diện tích sản xuất vụ Hè Thu khoảng 50.250ha, các khu vực có khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới đối với các công trình thủy lợi do huyện, thị xã, thành phố Quảng Ngãi là 25 xã/13 huyện, thị xã, thành phố.

Đối với các công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý chủ yếu thiếu nước ở các vùng cuối kênh chính.

Về thiếu nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi khả năng bị hạn, thiếu nước tập trung ở 21 xã/9 huyện, thị xã.

Nông dân huyện đảo Lý Sơn chuyển đổi cây trồng sang cây khả năng chịu hạn như cây bắp. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nông dân huyện đảo Lý Sơn chuyển đổi cây trồng sang cây khả năng chịu hạn như cây bắp. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đưa ra các giải pháp chống hạn tập trung vào tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm,…ưu tiên cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm của tỉnh phải có giải pháp tiết kiệm nước.

Đối với những vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt như huyện đảo Lý Sơn, khu đông Bình Sơn, các xã ven biển Mộ Đức, thị xã Đức Phổ,…thì kéo dài tuyến ống cấp nước, khoan giếng lấy nước ở tầng sâu.

Trong trường hợp hạn hán xảy ra quy mô lớn, tổ chức lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn, cụ thể: Sông Trà Bồng (Bình Mỹ, Bình Dương, Bình Minh, huyện Bình Sơn), sông Trà Câu (Phổ Văn, Phổ Minh, huyện Đức Phổ), sông Thoa (Phổ An, Phổ Quang, huyện Đức Phổ; Đức Lân, Đức Phong, huyện Mộ Đức), sông Vệ (Đức Nhuận, Đức Hiệp, Đức Thắng, huyện Mộ Đức)...

Tổng nhu cầu kinh phí phục vụ phòng chống hạn trong vụ Hè Thu là 20 tỷ đồng. Trong đó bao gồm các chi phí tiền điện, dầu vượt kế hoạch; nạo vét, sửa chữa cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước, sửa chữa công trình đầu mối, lắp đặt trạm bơm dã chiến, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt.

Tin cùng chuyên mục