Sau những ngày nghỉ tết, nông dân bắt đầu trở lại công việc đồng áng. Nhiều gia đình còn dành mớ bánh, miếng trái cây hoặc khá hơn thì gà, vịt để cúng “thượng điền”, cầu mong một năm làm ăn suôn sẻ, an lành.
Chọn ngày ra đồng
Mùng 3 Tết, bác Cao Văn Trấn (Ba Trấn) ở huyện Chợ Mới - An Giang đã thức dậy từ sáng sớm, lọ mọ mần con gà chuẩn bị cúng đất đai, ông bà xuất hành ngày đẹp đầu năm. Gia đình bác Ba Trấn làm hơn 50 công ruộng. Những năm trước, khi tết chưa hạ nêu là phải chạy đôn chạy đáo tìm thợ gặt lúa.
Nhưng năm nay thì khác, bác Ba vừa bỏ ra trên 500 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp vừa làm lúa nhà vừa có thể “chạy đồng” lân cận. Độ mùng 2 Tết, nhiều cánh đồng lúa miệt Lai Vung (Đồng Tháp) đã chín rục, hàng chục máy gặt đập làm cũng không xuể, nên “sau khi cúng bái xuất hành xong sẽ chuyển máy sang qua đó làm, lấy ngày luôn”, bác Ba cho biết.
Dọc tỉnh lộ 909 thuộc xã Mỹ Lộc (Tam Bình, Vĩnh Long) những ngày này lúa đã chín “khòm lưng”. Ông Ba Keo ngồi uống trà sáng trong nhà với mấy ông hàng xóm nhìn ruộng lúa vàng ươm tươi cười, khoe: “Năm nay lúa êm lắm nghen. Tui bấm mấy bông, ước tính không dưới 40 giạ một công đâu”. Ăn xong chén cơm nguội, ông Ba Keo lại tất tả lội ra đồng thăm lúa, sẵn tiện có máy gặt kêu luôn để ra tết là bắt tay thu hoạch. Bà Ba lục đục trong bếp mần gà cúng mùng 3, nói theo: “Nhớ lựa máy gặt êm êm nghe, cắt kỹ để ít sót lúa chứ mùa trước hao hụt quá trời”.
Phòng trừ sâu bệnh hại lúa
Những ngày đầu năm, về nông thôn mới thấy hết không khí lao động sôi nổi của nông dân trên những thửa ruộng. Nhà nhà ra quân phòng trừ rầy nâu bảo vệ lúa đông xuân. Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện Hòa Bình gieo sạ trên diện tích 15.500ha. Hiện nay lúa phát triển tốt, khoảng 20 ngày nữa sẽ thu hoạch rộ. Từ mùng 3 Tết, nông dân trong huyện đã ra quân phòng trừ rầy nâu bảo vệ các trà lúa.
Ông Phú Văn Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình, cho biết: “Theo thông báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, ngay sau tết sẽ xuất hiện một đợt rầy nâu tấn công các trà lúa đông xuân. Vì thế, ngành nông nghiệp huyện đã phát động nông dân phun thuốc phòng ngừa; phân công cán bộ kiểm tra đồng ruộng và trực 24/24 giờ. Trong đợt rầy nâu phá hại lần này, toàn huyện có khoảng 6.000ha lúa nhiễm rầy cần được phòng trừ. Huyện đã đề nghị hỗ trợ thuốc phun xịt 5.000ha lúa nhiễm rầy”.
Không phải đợi đến mùng 3, nhiều nơi như Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, từ mùng 1 Tết, nông dân đã hăm hở ra đồng, tạo nên không khí đồng quê nhộn nhịp. Đất đồng xanh trà lúa mới, vàng ươm lúa chín vụ đông xuân và cả trên đất lúa - tôm luân vụ; đồng tôm, đồng muối vang tiếng cười nhà nông, với bao hy vọng về một năm mới được mùa, được giá, làm ăn suôn sẻ, sung túc.
T.Thành - T.Đạt