Nông dân thời kỹ thuật số

Giảm bớt công việc nhọc nhằn cho nhà nông, cung cấp thông tin chính xác về đất đai, hoa màu, giảm bớt rủi ro mất mùa, tạo diễn đàn trên mạng giữa những nhà trồng trọt, chăn nuôi ở cách nhau nửa vòng trái đất…, cách mạng công nghệ kỹ thuật số đã thổi tới nền nông nghiệp của Pháp.

Giảm bớt công việc nhọc nhằn cho nhà nông, cung cấp thông tin chính xác về đất đai, hoa màu, giảm bớt rủi ro mất mùa, tạo diễn đàn trên mạng giữa những nhà trồng trọt, chăn nuôi ở cách nhau nửa vòng trái đất…, cách mạng công nghệ kỹ thuật số đã thổi tới nền nông nghiệp của Pháp.

Tiết kiệm chi phí, đỡ tốn thời gian

81% nông dân Pháp ở đầu thế kỷ 21 truy cập vào mạng internet tối thiểu 1 lần/ngày. Điện thoại di động, máy vi tính phân tích độ màu mỡ của đất, đo sức và hướng gió, máy bay nhỏ không người lái, ảnh vệ tinh… đã trở thành những công cụ không thể thiếu của các nhà chăn nuôi và trồng trọt Pháp thời kỹ thuật số.

Máy cày được trang bị các công nghệ hiện đại

Theo RFI, ông Christophe Grison, một nhà nông khai thác 360ha đất trồng ở vùng Oise, Bắc Paris đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nông trại của ông trồng từ lúa mì đến lúa mạch để cung cấp cho các nhà sản xuất bia, cải colza hoa vàng ép lấy dầu, củ cải đường, bắp, rau củ quả… Ông Grison cho hay, lĩnh vực trồng ngũ cốc đã có nhiều tiến bộ về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn như dùng máy gieo hạt được kết nối internet với những công cụ khác như điện thoại di động hay máy vi tính. Trước đây, khi gieo hạt, nông dân phải cầm một nắm hạt giống rắc vung lên. Giờ đây, máy gieo tự động sẽ gieo từng hạt một, mỗi hạt cách nhau ở một mức độ quy định rất chính xác. Cây lúa mì khi mọc lên thẳng hàng, không có chuyện 2, 3 hạt giống mọc cùng một chỗ để người nông dân phải nhổ bớt đi. Ngoài ra, còn có các ứng dụng để canh mức độ ẩm của mặt đất, xem đất có tơi hay không, trước khi gieo hạt; kiểm tra được vụ mùa năm trước đã bón nhưng loại phân gì và lượng phân bón đó còn đọng lại bao nhiêu trong lòng đất.

Ứng dụng máy bay không người lái để thăm đồng

Khác với trước đây, 2-3 ngày, ông Grison lại tưới ruộng một lần tùy theo thời tiết và tưới đều trên khắp cả diện tích trồng trọt. Bây giờ, nhờ những con bọ điện tử trong các cột điện tử di động và tất cả cột đó kết nối với điện thoại di động, ông Grison có thể biết chính xác cần tưới thêm cho chỗ nào và tưới bao nhiêu là đủ… Theo ông Grison, điều quan trọng nhất là những công cụ mới cho phép ông sử dụng nước hay phân bón đúng liều lượng và đúng thời điểm. Bởi tiết kiệm nước, hay không sử dụng phân bón quá đà thuộc phạm trù và trách nhiệm của những người làm nghề nông đối với môi trường.

Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật vì môi trường và nông nghiệp (IRSTEA) là nơi cung cấp nhiều trang thiết bị kỹ thuật số được giới trồng trọt và chăn nuôi sử dụng rộng rãi hàng ngày. Theo IRSTEA, những chiếc khuyên điện tử kẹp vào tai bò trong ngành chăn nuôi; ứng dụng cho phép điều khiển từ xa để vắt sữa bò bằng máy vào buổi sáng sớm, vật dụng kết nối vào mạng có chức năng báo trước khi bò cái sắp sinh con… đã trở nên vô cùng thông dụng trong những năm qua. Những nông cụ này tiết kiệm thời gian và công sức cho nhà nông rất nhiều. Ví dụ, người chăn nuôi mỗi ngày mất khoảng 2 giờ để vắt sữa của một đàn khoảng 70 con bò, nhưng với ứng dụng của IRSTEA, cứ đến giờ, bò tự động được lùa về phía các máy vắt. Thêm vào đó, người chăn nuôi còn biết một cách chính xác con bò nào cho bao nhiêu sữa; trong sữa có bị thiếu hay thừa chất vitamine nào hay không. Đỡ được 2 giờ trong công việc vắt sữa là rất đáng kể đối với các nhà chăn nuôi.

Đắt hay rẻ?

Tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp tăng sản lượng… là những ưu điểm nổi bật mà ai cũng có thể nhận thấy từ chăn nuôi sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, có một số câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là các trang thiết bị dùng cho nông nghiệp có tốn kém lắm không và liệu rằng nhà nông nào cũng có điều kiện để sử dụng nông cụ thế hệ công nghệ số?

Theo ông Grison, một máy gặt lúa mì cỡ nhỏ là khoảng 100.000 EUR, để làm việc có hiệu quả thì ông cần một máy lớn giá khoảng 300.000 EUR. Một mình ông Grison thì không đủ khả năng sắm máy như vậy, nhưng ông cùng với hai nhà nông khác trong vùng chung tiền để mua một cái máy lớn. Mỗi vụ mùa, mỗi nhà chỉ cần dùng một vài ngày. Và qua mạng xã hội Facebook, ông Grison đã bàn với những đồng nghiệp của mình để gieo hạt cách nhau vài ngày, không gặt cùng một lúc. Chưa hết, các nhà nông này còn dùng Facebook để khi không dùng đến máy gặt, thì quảng cáo cho thuê máy và nhờ vậy mà thu về đến vài trăm EUR/ngày.

Việc sử dụng máy bay không người lái để chụp hình và thu thập thông tin về ruộng, khí hậu, hoa màu… hiện rất phổ biến với các nông dân Pháp. Giá một chiếc máy bay không người lái thực ra không quá đắt, cái rẻ nhất là khoảng trên dưới 1.500 EUR và có những cái có thể lên tới khoảng 20.000 - 30.000 EUR. Tuy nhiên, các trang thiết bị đi kèm như camera để thu hình một cách chi tiết nhất, chính xác nhất thì rất đắt. Bản thân ông Grison không mua máy bay không người lái mà đi thuê của một hãng cung cấp dịch vụ. Một giờ bay của một chiếc máy bay như vậy khoảng 8 - 10 EUR/ha, còn nếu muốn chụp luôn cả ảnh vệ tinh thì giá đắt hơn một chút. Theo ông Grison, đắt hơn vài chục hay thậm chí vài trăm EUR đi nữa, nhưng đổi lại ông tiết kiệm được phân bón, xăng dầu và thời gian trong một ngày…

Nông dân thế kỷ 21 làm việc không chỉ ngoài đồng mà cả trong văn phòng. Điện thoại di động hay máy tính cũng cần thiết như những chiếc máy cày ở ngoài ruộng. Những con bọ điện tử và ống kính camera là tai, mắt của nông dân thời buổi kỹ thuật số. Trong tương lai, với sự hỗ trợ của công nghệ, việc các nhà sản xuất như ông Grison đặt máy tự động bán rau quả tươi cho khách qua đường, có dịch vụ giao hoa quả đến tận nhà cho khách hàng là hoàn toàn khả thi. Và khi đó thực sự sẽ là một thách thức đối với các nhà phân phối.


MINH CHÂU (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục