Sáng 12-4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo vệ thực vật vụ đông xuân 2017-2018 ở các tỉnh Nam bộ, triển khai kế hoạch vụ hè thu năm 2018; đồng thời đánh giá hiệu quả chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong vụ lúa đông xuân 2017- 2018, khu vực Nam bộ sản xuất hơn 1,67 triệu ha lúa, sản lượng hơn 11,1 triệu tấn lúa, tăng hơn 1 triệu tấn so vụ đông xuân trước. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,6 triệu ha, sản lượng hơn 10,7 triệu tấn.
Sản lượng lúa dù tăng, nhưng tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, vụ đông xuân 2017-2018, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu hơn 33.500ha; lúa bị vàng lùn, lùn xoắn lá hơn 5.500ha; gần 42.195ha bị nhiễm đào ôn; hơn 5.384ha bị sâu cuốn lá; 11.220ha bị bệnh lem lép hạt; 18.800ha lúa bị cháy bìa lá... Đáng lo nhất là có gần 49.000ha lúa bị muỗi hành (sâu năn).
Ngoài lúa, sâu bệnh còn xuất hiện trên 1.500ha thanh long; hơn 6.200ha nhãn bị chỗi rồng; 3.000ha cây có múi bị vàng lá…
Kế hoạch vụ hè thu năm 2018, các tỉnh Nam bộ sản xuất khoảng 1,74 triệu ha lúa, sản lượng khoảng 9,77 triệu tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL đóng vai trò chủ lực với diện tích lúa hè thu gần 1,65 triệu ha, sản lượng 9,32 triệu tấn...
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, dịch bệnh gây hại cho cây trồng, nhất là cây lúa trong vụ hè thu dự báo sẽ phức tạp; đáng ngại là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Để đảm bảo vụ hè thu thắng lợi, ngay từ bây giờ các địa phương phải tăng cường tuyên truyền cho nông dân hiểu và có phương pháp phòng bệnh.
Hiện các tỉnh ĐBSCL đang xuống giống lúa hè thu, do đó cần tập trung sản xuất đồng loạt, đúng thời vụ để né rầy.
Trong tháng 4 và tháng 5, một số nơi xuất hiện bệnh đào ôn hại lá, rầy nâu di trú… vì vậy, các ngành chức năng và nông dân phải chủ động phòng ngừa, giảm thiểu diện tích bị bệnh.
Đối với chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở 22 tỉnh phía Nam, cùng Tập đoàn Lộc Trời triển khai thực hiện, trải qua 5 năm của giai đoạn 1 (2012-2017), chương trình đã:
- Phát hơn 559.536 tờ rơi, tuyên truyền bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn;
- Thực hiện 15.488 cuộc hội thảo với 626.569 nông dân tham dự;
- Hình thành 167 mô hình sản xuất tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới, diện tích hơn 8.451ha, với 7.686 hộ tham gia;
- Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;
- Áp dụng “công nghệ sinh thái” như, trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng...
Từ đó, giảm số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.
Tập đoàn Lộc Trời còn liên kết với 5 HTX nông nghiệp ở Long An, Đồng Tháp và An Giang xây dựng hố chứa, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để tiêu hủy, tránh ô nhiễm môi trường. Thời gian qua nông dân đã thu gom 38.418kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật đem đi tiêu hủy.
Có thể nói, chương trình đã đạt được những thành công trên nhiều mặt, nhất là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng. Một số mô hình về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tái tạo rõ rệt như: cá đồng, ếch, chim cò… xuất hiện càng nhiều, cho thấy môi trường nông thôn được cải thiện.
Giai đoạn 2 (từ 2017- 2021), chương trình sẽ được thực hiện mạnh hơn, qui mô rộng hơn và qui tụ nông dân tham gia nhiều hơn. Cùng với việc sử dụng nông dược an toàn, hiệu quả, chương trình còn tăng cường bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh và bền vững…