Tại buổi làm việc mới đây với ngành nông nghiệp TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, TP đã đồng ý với đề án đưa nông dân TP ra nước ngoài tham quan, tìm hiểu và học tập giai đoạn 2 của Hội Nông dân (ND) TP. Có thể nói, việc đưa ND ra nước ngoài học tập chính ngành nghề đang theo đuổi giúp cho bà con có cái nhìn rõ hơn về vị trí và hướng đi khi đất nước ngày càng hội nhập sâu với thế giới.
Đào tạo và đào tạo lại
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp (NN) giảm dần vì đô thị hóa và công nghiệp hóa, TPHCM xác định vùng nông thôn ngoại thành cần chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị (NNĐT), lấy những cây con có giá trị cao nhưng không cần nhiều đất như cá cảnh, hoa kiểng, cá sấu, rau an toàn, đặc biệt là lan cắt cành và mới đây là nghề nuôi yến… Và sự chuyển dịch này cho thấy những thành công bước đầu. 5 năm qua, ngành NNTP đạt được nhiều thành tựu tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm ngư nghiệp TP tăng 5%/năm. Năm 2013, giá trị gia tăng ngành NN tăng 5,6%, giá trị sản xuất NN tăng 6,1%, so với bình quân cả nước là 2,6% và 2,9%. Giá trị thực tế sử dụng trên 1ha đất canh tác năm 2013 là 282 triệu đồng/ha/năm.
Tuy vậy, nguồn nhân lực lao động cho nông nghiệp đô thị nhìn chung vẫn dựa trên kinh nghiệm và kiểu truyền nghề gia đình hơn là được đào tạo bài bản, vì vậy vẫn chưa thể gọi đã vững vàng, đặc biệt là vẫn còn khiếm khuyết về thương mại, quản trị… Đây cũng là hạn chế chung của lao động NN cả nước. Vì điều này, trong buổi họp trực tuyến với ngành NN cả nước đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động nông thôn trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu vào thế giới, tiêu biểu như việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực lao động NN ở nông thôn, cần thiết phải huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao về sản xuất NN theo hướng NNĐT ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể (HTX, trang trại...), giúp cho NN TP phát triển bền vững. Góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, giai đoạn 2006 – 2010, Hội NDTP tổ chức 6 đoàn tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất về nghề trồng, quản lý và kinh doanh lan, bò sữa, rau an toàn… tại Thái Lan 3 đợt, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) 3 đợt.
Trong số này có những người đã trở thành “cánh chim đầu đàn”, sau khi trở về họ mạnh dạn đầu tư. Tiêu biểu như trường hợp vợ chồng chị Trần Ngọc Tuyết ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, từ vài ngàn mét vuông lan cắt cành, sau khi đi tìm hiểu khá cặn kẽ nghề trồng và kinh doanh lan ở Thái Lan, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư mở rộng dần lên 4ha và vừa rồi thành lập hợp tác xã với 13 xã viên và 12ha lan. Là “con nhà nòi” về hoa kiểng ở Bến Tre, từ chuyến đi tìm hiểu nghề hoa kiểng ở lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), anh Trịnh Minh Tân (chủ cơ sở hoa kiểng Minh Tân, Củ Chi) đã củng cố thêm kiến thức và có dịp đưa giống quất mới về lai tạo và đã được thị trường tiếp nhận mạnh trong dịp tết vừa qua. Tương tự, anh Nguyễn Văn Xê ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, cũng từ chuyến đi học hỏi thực tế nước ngoài, anh mở rộng sản xuất, vừa xây dựng phòng nuôi cấy mô vừa liên kết đưa hoa vào bán tại các điểm của Saigontourist.
Mở rộng đối tượng
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội NDTP, đề án lần này có một số nét mới, thành phần không chỉ những ND sản xuất giỏi mà còn là tổ trưởng tổ hợp tác, chủ nhiệm hợp tác xã, những người có thành tích trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng NNĐT, giai đoạn hiện nay còn là việc cùng cả nước chung tay xây dựng NTM mà mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập người dân nông thôn và nâng cao đời sống tinh thần cũng như thụ hưởng các tiện ích xã hội khác như dân nội thành. Vì vậy, những tổ trưởng, chủ nhiệm HTX… sẽ cùng đi để tìm hiểu việc xây dựng NTM ở Hàn Quốc, đất nước xây dựng thành công NTM mà Việt Nam đang tìm hiểu, học tập. Bên cạnh đó, đây còn là đất nước mà ND có dịp tìm hiểu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao về rau an toàn, việc sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu...
Với đoàn đi Malaysia, Singapore, các thành viên sẽ tìm hiểu về nuôi và kinh doanh cá kiểng của Singapore; học tập việc Malaysia có những bước tiến khá căn cơ trong nghề dẫn dụ yến mà TP đang trong quá trình phát triển sau thời gian nuôi thử nghiệm. Đoàn đến Thái Lan vẫn tiếp tục học tập về trồng và kinh doanh lan cắt cành mà TPHCM đang phát triển mạnh. Riêng đoàn đi Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tìm hiểu về nghề nuôi bò sữa, rau an toàn và kinh tế hợp tác. Theo tiến sĩ Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, cách làm kinh tế hợp tác của lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) rất đáng để chúng ta tìm hiểu và học tập. Ở đó, những ND trước khi vào HTX đều phải tham gia khóa đào tạo tập trung về kinh tế hợp tác, chuẩn bị trước tinh thần cho việc gia nhập, những khó khăn khi mới vào chứ không chỉ có thuận lợi, nhất là khi ND vẫn còn nặng tính tư hữu. Những khóa tập huấn đó sẽ giúp ND có cái nhìn tổng quan và hình dung ra những quyền lợi, nghĩa vụ trước khi tham gia.
CÔNG PHIÊN