Nông dân Việt trồng cây ăn trái ngoại

Hiện nay, nhiều nông dân đã mày mò nghiên cứu trồng thành công nhiều cây ăn trái ngoại có năng suất cao, chất lượng không thua kém với sản phẩm nhập khẩu. Nhờ vậy, người tiêu dùng trong nước mua được những sản phẩm này với giá thấp hơn trái cây nhập khẩu.
Thanh long Ecuador được nông dân Nguyễn Duy Khang trồng thành công
Thanh long Ecuador được nông dân Nguyễn Duy Khang trồng thành công

Thành công bất ngờ

Sau khi biết thông tin quả chanh dây leo Colombia được bán với giá khoảng 240.000 đồng/2 trái trên thị trường, có vị ngọt thanh, thơm đậm đà và qua một trang mạng quảng cáo bán giống chanh dây Colombia, ông Nguyễn Hữu Công (xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã đặt mua một túi giống với 10 hạt, nhưng khi trồng chỉ 5 dây phát triển lớn và có 3 dây cho ra trái. Sau 9 tháng trồng, cây chanh dây leo cho ra quả chín đầu tiên với hạt có vỏ màu vàng, nhiều trái, ông Hữu Công tiếp tục trồng thêm 12 dây theo mô hình khác là cách trồng thưa để dây phát triển và đạt năng suất hơn. 

“Không giống như cây chanh dây thông thường, trồng chanh dây leo Colombia rất ít tốn công chăm sóc, không bón phân nhiều, mà chỉ cần làm giàn cho dây leo là trái sẽ ra liên tục và thời gian sinh trưởng từ 3 - 4 năm. Khó khăn duy nhất là thời điểm trái gần chín thường bị bệnh nấm và ong đục trái. Đặc biệt, so với trái chanh dây leo thông thường, trái chanh dây leo Colombia có thể sử dụng tươi, với vị ngọt thanh mà không cần pha chế”, ông Hữu Công chia sẻ.

Trái bắp Nữ hoàng đỏ của Thái Lan nổi tiếng trên thế giới từ nhiều năm qua, nay cũng được nông dân Việt Nam trồng thành công. Đã thu hoạch qua 5 mùa, nông dân Lê Thành Nam (TP Tân An, tỉnh Long An) đang trồng 2.000m² giống bắp có hạt màu đỏ, kết thúc mùa vụ 60 ngày thu được lợi nhuận 40 triệu đồng. Trung bình trên diện tích 1.000m² sẽ trồng 6.000 hạt, thu được khoảng 4.000 trái bắp. Hiện giá bắp Nữ hoàng đỏ rất ổn định do công ty bán giống bao tiêu đầu ra, với giá bán thị trường từ 20.000 - 30.000 đồng/trái.

Vừa mới thu hoạch được “mẻ” đầu tiên thanh long Ecuador, nông dân Nguyễn Duy Khang (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) phấn khởi cho hay, trong một lần đến cửa hàng bán trái cây ngoại có trưng bày thanh long Ecuador với giá hơn 700.000 đồng/kg, sau khi lên mạng tìm hiểu, hom thanh long Ecuador có bán ở thị trường Thái Lan nên anh Khang đã mua giống về trồng thử nghiệm. Sau một năm, thanh long Ecuador cho trái, tuy nhiên giai đoạn từ khi ra bông đến khi cho ra trái chín mất khoảng 3 tháng, lâu hơn 1 tháng so với các giống thanh long khác, nhưng anh Khang vẫn tiếp tục trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha.

Tránh phát triển tràn lan

Là đơn vị phân phối giống bắp Nữ hoàng đỏ, ông Trần Viết Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Hạt giống Nova, cho hay: “Sau thời gian 2 năm trồng khảo nghiệm trên 3 vụ mùa cùng một vùng đất, giống bắp Nữ hoàng đỏ đạt năng suất tốt nên đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Trái bắp Nữ hoàng đỏ dùng tươi ngon hơn so với luộc chín. Để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, đồng thời để tránh nông dân trồng tràn lan, bên phía đơn vị Thái Lan cung cấp giống cũng chỉ với số lượng giới hạn nhất định để thị trường không mất giá. Bên cạnh đó, công ty cũng trở thành đơn vị bao tiêu đầu ra cho nông dân để quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, do trái có thể dùng trong trạng thái tươi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Công hiện đang phối hợp với Công ty Happy Trees mở rộng trồng thêm 2ha chanh dây leo Colombia. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Happy Trees, cho biết: “Mỗi gốc chanh leo, sau 5 tháng lai ghép, bắt đầu cho trái chín lần đầu; với 15 dây chanh cho trên 300 - 400kg trái, khoảng 15 trái/kg, với giá bán 100.000 đồng/kg. Trung bình 1.000m2 trồng được 100 dây và thu hoạch rộ trong khoảng 20 ngày; lần thu hoạch tiếp theo sẽ cách 3 tháng. Một năm thu hoạch được 2 mùa vụ, trung bình một cây thu hoạch 20 -30kg/năm”.

Đối với các giống cây nước ngoài, cần rõ nguồn gốc xuất xứ, thích nghi được khí hậu Việt Nam và có chuyên gia theo dõi đánh giá chất lượng. Tốt nhất, mô hình trồng thử nghiệm cần báo cáo với cơ quan quản lý để tránh phát triển tràn lan, không hợp thổ nhưỡng, khí hậu… 

Ông Nguyễn Như Cường, quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đánh giá mô hình liên kết nông dân với doanh nghiệp rất tốt. Doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, kỹ năng quản trị sẽ mang đến những cách thức thực hành tốt cho nông dân. Tất nhiên, doanh nghiệp làm có lợi nhuận thì nông dân cũng được hưởng theo. Đối với trái cây cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm để tăng thêm thu nhập cho nông dân là điều đúng đắn. Trước khi mở rộng thị trường, doanh nghiệp liên kết cần mô hình thử nghiệm, khảo nghiệm để khi thành công mới nhân rộng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những cây trồng mới góp phần phát triển ngành nông nghiệp trong việc tái cơ cấu cây trồng. Nếu sản phẩm phát triển đa dạng phong phú sẽ cạnh tranh được với xu thế hội nhập, có thể hướng tới trở thành trung tâm giao dịch của giống cây trồng.

Trồng theo mô hình nước ngoài, năng suất cao

Đó là khu vườn thanh long của ông Đào Văn Vũ (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) trồng theo mô hình kiểu giàn chữ T đạt năng suất, chất lượng cao hơn so với thanh long trồng trụ theo phương pháp truyền thống.

Mô hình giàn chữ T để phát triển thanh long nằm trong dự án “Phát triển giống trái cây cao cấp” do chương trình viện trợ phát triển New Zealand tài trợ không hoàn lại, với tổng giá trị dự án lên đến 5,6 triệu USD. Dự án do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR), Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch thực hiện.

Với khu vườn 1ha trồng theo mô hình giàn chữ T, ông Đào Văn Vũ không phải thuê nhiều lao động. Trong giai đoạn phát triển, cây thanh long sẽ leo bám theo giàn khung sắt chữ T nên dễ dàng kiểm soát được bệnh và chăm sóc từng dây kỹ hơn hơn so với trồng trụ theo kiểu truyền thống. Đối với thanh long trồng dàn chữ T, trái sẽ phát triển đều, chất lượng cao, kích thước quả đồng đều… nên năng suất cao gấp 2 lần so với trồng trụ truyền thống. “Nếu so với trồng trụ truyền thống, thanh long phải hơn 1 năm mới thu hoạch, còn trồng dàn chữ T thì 9 tháng đã thu hoạch được 1,8 tấn/ha; đồng thời năng suất tăng hơn so với trồng truyền thống, như đợt thu hoạch tiếp theo được 3,6 tấn, đợt thứ ba cho thu hoạch hơn 5 tấn”, ông Đào Văn Vũ cho hay.

Theo bà Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Sofri, hiện dự án trồng thanh long mô hình dàn chữ T đang được triển khai ở 5 tỉnh. Để dự án đạt được hiệu quả như mong muốn, thời gian đầu, nhân viên Sofri phối hợp với sở NN-PTNT các tỉnh tập huấn cho nông dân. Sau khi thành công, mô hình mẫu được chuyển giao, hướng dẫn cho nhiều nông dân khác trên địa bàn. Đại diện PFR nhận xét, nếu sản xuất đúng kỹ thuật, thanh long sẽ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Song, thanh long cũng cần được đầu tư giống mới, sản xuất và đầu tư công nghệ sau thu hoạch, áp dụng kiểm soát chất lượng có truy xuất nguồn gốc… Đánh giá về dự án, ông Nguyễn Như Cường, quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT có định hướng phát triển khoa học kỹ thuật nhằm phát huy được lợi thế hơn của ngành trái cây Việt Nam và không chỉ dừng lại ở con số 4,5 tỷ USD trái cây xuất khẩu vào năm 2020.

QUÝ NGỌC

Tin cùng chuyên mục