Nông dân vùng lũ cấp tập sản xuất lại vụ mùa

Đợt mưa rét kèm theo thiên tai từ cuối tháng 12-2022 đến đầu tháng 1-2023 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất vụ mùa của người dân tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định. Đặc biệt, mưa lớn khiến nhiều vùng thấp trũng bị ngập nặng, hàng ngàn hécta lúa vụ đông xuân bị nhấn chìm, hư hại khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận tại cánh đồng thôn Lạc Điền (thuộc xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định) những ngày sát Tết Nguyên đán, hàng trăm hộ dân đang nỗ lực dọn dẹp, khôi phục ruộng đồng, bờ bãi để bắt đầu xuống giống gieo sạ lại lần 2 sau đợt ngập lụt vừa qua. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều nông dân huy động các loại máy bơm nước để tiêu thoát, xử lý môi trường đồng ruộng.

Đứng giữa vùng ruộng trũng, ông Đoàn Thanh Phong (49 tuổi, thôn Lạc Điền) buồn bã nói: “Nhà có 2 mẫu ruộng vừa gieo sạ hôm 14-12 (âm lịch) nhưng đã bị nước lụt nhấn chìm, hư hại hoàn toàn. Nay phải cật lực để khôi phục sản xuất, gieo sạ lại vụ mùa, không còn tâm trạng đón tết”. Theo ông Phong, 2 năm trở lại đây, thời tiết ở Tuy Phước, Bình Định khá bất thường nên dù đón bắt thời vụ vẫn không tránh khỏi thiệt hại. Điển hình như vụ mùa năm nay, bà con đã tốn tiền, tốn công gieo sạ, xuống giống được vài hôm thì mưa lũ phá hết, nhiều gia đình phải vay nợ để mua giống, phân gieo sạ lại. Theo phản ánh của nhiều người dân, ngoài ngập lụt làm hư hại cây lúa thì tình trạng ốc bươu, cá rô phi… cũng là tác nhân “kép” tàn phá lúa. Trong khi, lúa giống tại các cơ sở, cửa hàng đã hết nên nhiều nông dân đành bỏ ruộng.

Nông dân xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) dùng máy bơm tiêu thoát nước trên cánh đồng ngập do lũ

Nông dân xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) dùng máy bơm tiêu thoát nước trên cánh đồng ngập do lũ

Tương tự, tại các cánh đồng lúa đông xuân ở thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa, TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) cũng bị mưa lũ nhấn chìm, hư hại nặng nề. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có trên 4.000ha lúa vừa gieo sạ bị ngập úng; khoảng 260ha giống ngâm ủ chuẩn bị gieo sạ bị hư hại; trên 47ha hoa màu thiệt hại. Những ngày cuối năm, nông dân phía Bắc tỉnh Phú Yên vẫn đang chạy đua tranh thủ thời tiết thuận lợi để khôi phục sản xuất, ruộng đồng kịp đón tết cổ truyền…

Còn tại “rốn lũ” Cảnh Tịnh (xã Hòa Thịnh), mưa lũ làm ngập, thiệt hại nặng trên 100ha lúa đông xuân của người dân. Hộ ông Lê Thành Liêm (42 tuổi, thôn Cảnh Tịnh) có trên 6ha lúa vừa xuống giống bị ngập, trong đó 4,5ha thiệt hại 100% phải gieo sạ lại. Vừa rồi, chính quyền địa phương hỗ trợ tạm thời cho ông Liêm 220kg lúa giống để gieo sạ lại lần 2. “Mấy hôm nay, gia đình tôi canh nước rút tới đâu là dọn đồng, gieo sạ lại. Chưa có năm nào tôi thiệt hại nặng như năm nay, rất khó khăn. Năm nay do lịch gieo sạ dính phải tiết tiểu hàn nên bà con đều bị thiệt hại nặng”, ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh, cho biết, địa phương có 750ha lúa bị ngập lụt, thiệt hại, trong đó phần lớn ruộng lúa của nhiều hộ dân bị thiệt hại từ 70% trở lên… Hiện, UBND huyện Tây Hòa đã hỗ trợ kịp thời 25 tấn lúa giống để người dân xã gieo sạ lại; các lực lượng chức năng địa phương cũng đang nỗ lực hướng dẫn người dân thau rửa bùn, xử lý môi trường ruộng đồng để khắc phục thiên tai, giảm tối đa thiệt hại, chi phí…

Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng thiên tai, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm thời sử dụng nguồn dự phòng chi ngân sách mua giống lúa hỗ trợ bà con đón bắt thời tiết thuận lợi để khôi phục nhanh vụ mùa. Ngoài ra, các địa phương cần sớm rà soát, thống kê cụ thể, có báo cáo diện tích thiệt hại, lượng giống bị mất do ngập lụt để có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Tin cùng chuyên mục