(SGGP).- Ngày 25-12 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp nông thôn năm 2014 và đề ra chương trình hoạt động 2015 cũng như giai đoạn 2015 - 2020.
Trong năm 2014, tuy ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn gặp những khó khăn như giá cả của một số sản phẩm nông sản chủ lực như cao su, lúa gạo tiếp tục gặp khó khăn, nhưng kết quả chung của toàn ngành đã đạt con số ngoạn mục và đáng tự hào.
Tốc độ tăng tổng giá trị sản lượng toàn ngành đạt 3,6% còn tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 3,1% (so với mức tăng chỉ có 2,67% năm 2013). Theo tính toán với tỷ trọng khoảng 18% trong GDP, riêng ngành nông nghiệp năm nay đã đóng góp gần 1/3 tổng số phần trăm tăng thêm của GDP của nền kinh tế nước ta năm 2014. Đến cuối tháng 12-2014, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đã đạt con số kỷ lục với trên 30 tỷ USD.
Phát biểu tổng kết hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp nước ta đạt được trong năm 2014 và coi đây là động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2015 cũng như giai đoạn 2015 - 2020.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thành tích cũng như tốc độ tăng trưởng mà ngành nông nghiệp đạt được đã chặn được đà suy giảm tăng trưởng trong các năm 2012 và 2013, chứng tỏ vai trò cũng như vị trí quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng nông nghiệp nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế như tăng trưởng cao nhưng thu nhập của nông dân thấp, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn chậm, sự kết nối giữa nông dân - nhà khoa học và doanh nghiệp còn chưa tốt.
“Chúng ta đã đạt tổng giá trị xuất khẩu hơn 30 tỷ USD trong năm nay, nhưng nông nghiệp vẫn còn rất nhiều dư địa so với khả năng mà chúng ta có” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu Bộ NN-PTNT tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp; hỗ trợ các mô hình và tập đoàn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; đẩy mạnh mối liên kết giữa nông dân và các “nhà”: nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học...
VĂN PHÚC