“Trong bối cảnh người tiêu dùng lo ngại về thực phẩm không an toàn, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nổi lên như một phương pháp đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, là bước đi cần thiết và kịp thời cho nền nông nghiệp Việt Nam”, đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Trường Đại học RMIT (Úc), khi nói về việc manh nha hình thành và khả năng phát triển nền NNHC ở Việt Nam.
Trang trại rau quả Organica ở Long Thành, Đồng Nai (Công ty TMDV Mùa, TPHCM) được Control Union chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA organic) và Liên minh châu Âu (EU)
Không phải là nông nghiệp hữu cơ sơ khai
Theo TS Nguyễn Quốc Vọng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn, đó là biến đổi khí hậu và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như biến đổi khí hậu chỉ có thể đẩy Việt Nam vào tình thế phải tiến hành ngay nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu, mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng và phương pháp canh tác phù hợp với hạn - mặn hay lũ lụt, thì vấn đề thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ phá hủy môi trường mà còn đầu độc sức khỏe nhiều thế hệ. Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp như thuốc trừ sâu trong trồng trọt, chất kích thích tăng trưởng và kháng sinh trong chăn nuôi, sử dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường đang tác động xấu tới sức khỏe, niềm tin người tiêu dùng. Vì vậy, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm và thương hiệu uy tín đang là một xu hướng. TS Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Organik Đà Lạt (Lâm Đồng), cho rằng kinh tế phát triển, nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng cao, vì vậy sản xuất nông nghiệp không thể đứng yên mà phải có bước chuyển, từ sản xuất theo kiểu truyền thống lên sản xuất an toàn, rồi sản phẩm nông nghiệp VietGAP và cuối cùng là sản phẩm NNHC, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Vọng nhấn mạnh, nền NNHC đang cổ súy không phải là NNHC của thời hoang sơ, mà là một nền nông nghiệp phải tuân thủ 4 nguyên tắc: sức khỏe, sinh thái, công bằng và quan tâm. Để có nền NNHC như vậy, Việt Nam có thể tham khảo, tìm hiểu kinh nghiệm và cách làm của những nước đi đầu như Úc. Lấy chính sách xuất khẩu và nông nghiệp sạch - xanh (clean - green agriculture) làm động lực phát triển, Úc xây dựng quy trình sản xuất NNHC tốt, mang tính quốc tế, nhưng điều quan trọng là hệ thống kiểm tra phải cực kỳ nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả. Nhờ vậy, sản phẩm NNHC của Úc là một trong những mặt hàng uy tín, được tin cậy nhất thế giới.
Gắn với thương hiệu
Ông Võ Minh Khải, chủ trang trại hữu cơ 317ha tại Cà Mau, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú (TPHCM), cho biết, NNHC là xu hướng tiêu dùng đầy tiềm năng. Nhưng để định hình trang trại như hiện nay, ông Khải phải đối diện nhiều thách thức. Trong đó, chủ yếu là những khó khăn rơi vào chính sách để có thể phát triển nền NNHC, như chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, tiếp thị… chưa rõ ràng; chưa có sự phân biệt hay ưu đãi cụ thể giữa sản xuất nông nghiệp truyền thống và hữu cơ. Chưa có quy định thưởng, phạt giữa sản xuất gây hại và sản xuất thân thiện với môi trường. Điều này, ở các nước có sự phân biệt và đối xử rạch ròi, là động lực để tiếp sức cho người theo xu hướng này, nhất là những người tiên phong. Theo ông Võ Minh Khải, cần có tầm nhìn và quy hoạch vùng cho từng loại sản xuất khác nhau để tránh bị nhiễm bẩn chéo, không tốt cho việc sản xuất lâu dài. Vì vậy, rất mong nhà nước sớm có chính sách cụ thể, đột phá để chuyển dần nền nông nghiệp sử dụng hóa chất sang thân thiên môi trường, có như vậy mới xâm nhập thị trường và cạnh tranh. Chính sách liên quan đến sản xuất với nhiều thành phần như nông dân, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp và khâu tiêu thụ, phân phối. Người làm NNHC được ưu đãi gì trong vay vốn, DN đầu tư vào sản xuất hữu cơ có khác gì so với DN sản xuất nông nghiệp bằng hóa học. Trong phân phối có được ưu đãi gì khâu xúc tiến thương mại, thị trường… Nếu xem đây là giai đoạn cần chuyển đổi qua nền nông nghiệp thân thiện cần kịp thời có chính sách phù hợp, lúc đó sẽ thấy rõ sự khác biệt về dòng chảy đầu tư.
Theo ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Organic Life, sản phẩm NNHC mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các sản phẩm truyền thống. Nhưng cái khó của NNHC là vấn đề thương hiệu, giá thành cao và lòng tin của người tiêu dùng. Phải mất khoảng vài năm DN mới chuyển từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang NNHC, điều này đòi hỏi sự kiên định và cái tâm của người sản xuất. Trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn hiện nay, điều này cần được khuyến khích và trân trọng. TS Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, Việt Nam mới có những mô hình riêng lẻ về sản xuất NNHC (sản xuất gạo hữu cơ Hoa Sữa của Viễn Phú Cà Mau, rau ôn đới hữu cơ của Organik Đà Lạt, heo hữu cơ của trang trại Nguyễn Đại Thắng ở Hòa Bình, rau nhiệt đới của Organica ở Đồng Nai... Các DN, địa phương có tiềm năng cần kết nối, phân vùng quy hoạch, hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ. Kinh nghiệm các nước cho thấy, tất cả sản phẩm hữu cơ đều phải có thương hiệu, người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm NNHC vì thương hiệu mà họ đã biết và tin tưởng. Vì vậy phải có tiêu chuẩn, quy trình rõ ràng và cơ chế quản lý theo chuỗi nhất quán, minh bạch mới có thể phát triển.
CÔNG PHIÊN
Ông Wouter Van Ravenhorst, đại diện Control Union (Tổ chức chứng nhận), cho biết có sự khác biệt giữa sản xuất NNHC và truyền thống do đất sản xuất truyền thống bị nhiễm bẩn. Vì vậy, từ nền đất sản xuất theo kiểu hiện nay, không thể ngay lập tức chuyển ngay qua sản xuất NNHC mà phải cần 1 - 2, thậm chí 3 năm mới có thể làm sạch, loại bỏ những chất gây hại từ trong đất. Đây là những trở ngại ban đầu, thách thức sự kiên trì những ai muốn đi theo hướng này.