Nông nghiệp hữu cơ phù hợp vùng hoang sơ

Nền nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng chuyển từ canh tác vô cơ (sử dụng hóa chất) sang hữu cơ trong vài năm trở lại đây. Nhưng để phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cũng không dễ  do thiếu chính sách, quy mô, định hướng, liên kết để phát triển.
Bò sữa của Tập đoàn TH được chăn nuôi theo quy trình hữu cơ
Bò sữa của Tập đoàn TH được chăn nuôi theo quy trình hữu cơ
Hữu cơ theo “đặc sản” vùng miền
Theo Hiệp hội NNHC Việt Nam, nước ta sản xuất NNHC còn ở mức thấp, song tốc độ đã có phần tăng nhanh trong những năm gần đây. Vào năm 2007, diện tích NNHC chỉ có 12.120ha, đến năm 2017 đã đạt 70.000ha. Ngoài diện tích sản phẩm hữu cơ chủ yếu dựa vào cây trồng đặc sản bản địa và thu hái tự nhiên, còn lại các đơn vị, cá nhân phải xây dựng khu sản xuất tập trung ở những vùng đất chưa canh tác, cách xa khu vực dân cư.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, cần phải định hướng phát triển NNHC theo vùng nông nghiệp sinh thái. Bởi hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang dần cạn kiệt về nguồn dinh dưỡng do nông dân khai thác quá mức, lại thiếu bổ sung nguồn dinh dưỡng tự nhiên, đất không có thời gian tái tạo nên việc sản xuất hữu cơ ngay lập tức là điều không thể. Đơn cử, nông sản hữu cơ để làm sản phẩm thuốc có thể tập trung ở những khu rừng nguyên sinh, rừng thuộc khu bảo tồn đa dạng sinh học. Hay các loại cây, con làm sản phẩm theo bản địa, mang đậm giá trị đặc sản vùng miền như gà Hồ, heo Mường, heo rừng, nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà, nếp cái Hoa Vàng… hoặc trồng cây phổ biến theo vùng miền. Nếu trước kia NNHC chủ yếu tập trung vào các sản phẩm trồng trọt như rau củ quả, thì ngày nay chăn nuôi cũng được đầu tư theo tiêu chuẩn hữu cơ như cá basa ở An Giang, tôm ở Cà Mau, heo ở Bắc Giang, bò sữa ở Lâm Đồng…
Điển hình, Tập đoàn TH đang trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) với quy mô tập trung, riêng biệt, khép kín. Trên những cánh đồng trồng cỏ, bắp nguyên liệu, cây hướng dương làm thức ăn cho bò sữa, được trồng theo quy trình hữu cơ. Cứ sau vụ bắp và cao lương thì lại trồng cây hướng dương nhằm luân canh cây trồng để giảm nguy cơ tích lũy bệnh. Bên cạnh đó, Tập đoàn TH còn bổ sung thức ăn giàu Omega 3 theo phương thức hoàn toàn từ thiên nhiên cho bò sữa ăn để có được dòng sữa tươi nguyên liệu với tỷ lệ Omega 3 cao hơn bình thường. Bò được chăn thả tự nhiên theo tiêu chuẩn organic, thức ăn tại chỗ cũng theo tiêu chuẩn organic với những quy định cụ thể. Tập đoàn còn có trang trại FVF trồng rau organic theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA-NOP và EC 834/2007 trên cánh đồng “mở” như gấc, rau má, lạc tiên, lá hồng, quả hồng, dầu gấc… Trang trại có dây chuyền sơ chế tự động, công nghệ đóng gói, bảo quản tiên tiến cùng phương tiện vận chuyển chuyên dụng giúp rau quả sạch, an toàn “từ gốc đến ngọn”.
Đầy thách thức
NNHC là hệ thống sản xuất bền vững cho “sức khỏe” của đất, lợi ích đối với hệ sinh thái và con người… Điều quan trọng hiện nay là giá bán nông sản hữu cơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá thành cao; thiếu cơ chế, chính sách phát triển. Ví dụ, lá rau má có kích thước nhỏ do sản xuất theo NNHC nên hình thức, mẫu mã không đẹp bằng sản phẩm thâm canh truyền thống. Hơn nữa, sản xuất NNHC cho năng suất không cao, nhưng khó bán được giá cao nên chưa thu hút đầu tư. Chỉ các doanh nghiệp đủ tiềm lực mới có khả năng đầu tư NNHC, còn cá nhân, hợp tác xã rất khó. 
Theo Hiệp hội NNHC Việt Nam, sản xuất NNHC đang đứng trước thách thức về thu nhập cho người sản xuất. Phần lớn nông dân muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC nhưng do phân khúc tiêu thụ còn ít, đầu ra thị trường không được cam kết bao tiêu. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất NNHC phức tạp, khắc khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí cao. Do vậy cần phải có tiêu chuẩn sản xuất NNHC phù hợp với thực tế hiện nay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân tham gia sản xuất hữu cơ. Cần có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp mỗi đối tượng sản xuất… Hỗ trợ bảo hộ thương hiệu, chứng nhận sản phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Tin cùng chuyên mục