Nông nghiệp thích ứng 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh trên thế giới và tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp thông minh 4.0.
Trồng rau màu công nghệ cao ở An Giang.
Trồng rau màu công nghệ cao ở An Giang.

 Tuy nhiên, để nông nghiệp không bị lạc hậu, thích ứng với tình hình mới, việc triển khai các chương trình nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao... đang được quan tâm đầu tư. 

Nông dân lên đời

Phải hẹn 5 lần 7 lượt chúng tôi mới gặp được anh Trần Thanh Tiền, người tiên phong ở huyện biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp) trồng rau màu theo công nghệ cao của Israel. Anh Tiền cho biết, lâu nay bà con xứ này sống dựa vào nông nghiệp, tuy nhiên đa phần sản xuất theo truyền thống nên hiệu quả không cao.

Thị trường xuất khẩu cá tra đang mở rộng, giá tốt và ngày càng khẳng định thế mạnh của Việt Nam về sản phẩm cá tra trên thế giới. Vì vậy, mới đây, Navico quyết định đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để xây dựng vùng nuôi cá tra công nghệ cao rộng hơn 600ha ở huyện Châu Phú (An Giang), nhằm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu cá tra quanh năm…

Ông Doãn Tới, 
Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Việt (Navico)


 
Trong thời buổi bùng nổ công nghiệp 4.0, sản phẩm làm ra phải sạch, chất lượng, giá thành cạnh tranh… Suy nghĩ tìm hướng đi mới, nên anh Tiền lặn lội đi học nhiều nơi và mạnh dạn đầu tư phát triển rau màu theo tiêu chuẩn quốc tế của Israel. Hơn 3 công đất được quy hoạch hợp lý để trồng dưa lưới, dưa leo… các khay trồng được ứng dụng công nghệ cao, quá trình chăm sóc dưa được bón bằng phân hữu cơ và phân bón công nghệ nano.

Song song đó, sử dụng các thiết bị công nghệ để điều khiển tưới nước, tưới phân, theo dõi quá trình sinh trưởng, độ giòn, độ đường của dưa lưới. Tất cả quy trình được ứng dụng với điện thoại thông minh, nhờ đó có thể theo dõi, quản lý từ xa. 

Tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), nhiều nông dân xã Mỹ Đông đang “mê” mô hình “canh tác lúa lý tưởng”. Lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 cho biết, vụ lúa đông xuân 2017- 2018, HTX phối hợp với Công ty Rynan Smart Fertilizers triển khai thí điểm 7,6ha. Lúa được trồng theo ứng dụng công nghệ cao như cấy bằng máy và thực hiện cùng lúc 3 chức năng “cấy lúa, bón phân và phun thuốc”, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Nông dân còn được sử dụng phân bón thông minh “bón 1 lần cho cả vụ”, quản lý mực nước tự động, điều khiển bằng điện thoại thông minh…

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mô hình “canh tác lúa lý tưởng” tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,  giảm khí nhà kính; trong khi năng suất lúa tăng hơn 10% và tạo ra hạt gạo sạch. Cách làm này được Bộ NN-PTNT đánh giá cao và đề nghị nhân rộng ở ĐBSCL.

An Giang là nơi có thế mạnh về nông nghiệp và đang chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu. Tỉnh đang hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đã có những nông dân đột phá trong cách làm mới, như ông Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP Châu Đốc), xây dựng nhà lưới và ứng dụng kỹ thuật mới để trồng dưa lê, dưa lưới, dưa leo baby… đảm bảo an toàn, chất lượng cao, cung ứng cho hệ thống siêu thị, kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp sạch.

Đặc biệt là trang trại của ông Nguyễn Lợi Đức (ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn), đi đầu trong áp dụng công nghệ cao để sản xuất lúa sạch, nuôi bò, trồng chuối cấy mô… Tất cả được tính toán hợp lý và tận dụng tối đa các phụ phẩm nhằm tiết giảm chi phí đáng kể. 
 
Doanh nghiệp cần tiên phong 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp ông Lê Minh Hoan, hiện nay đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau với nền nông nghiệp 4.0, tuy nhiên Đồng Tháp theo đuổi ý kiến của các nhà khoa học. Đó là phải bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

Đây là một hành trình đầy khó khăn, nhưng Đồng Tháp đang kiên trì thực hiện. Làm được điều này cần tạo ra nhiều kênh thông tin để đưa công nghệ "về làng", từ đó có những doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào những tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ ngay trên làng quê.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, phải nhanh chóng chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Tư duy kinh tế cần phải được dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự tham gia nhiệt thành của các nhà khoa học.  

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang quả quyết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải do doanh nghiệp tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn chủ trang trại, nông dân các HTX làm theo quy trình kỹ thuật cụ thể, có hợp đồng pháp lý hẳn hoi. Nông dân không thể “tự sản tự tiêu” với sản lượng lớn theo kiểu mùa vụ, hoặc giao thương với “thương lái lạ” nhiều may rủi như lâu nay.

Nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý, chế tài luật pháp, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng hạ tầng giao thông, logistics thông thoáng... từ đó, tạo cho các sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh. 

Hiện nay, các tập đoàn lớn như FLC, TH, Việt – Úc, Sao Mai, Xuân Thiện, Lộc Trời, Sunrice (Australia), Công ty Vương Đình, CTCP Nam Việt… đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nhiều lĩnh vực lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản…

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tâm sự: “Để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Bộ NN-PTNT về những cơ hội, tiềm năng của tỉnh; qua đó giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào An Giang; đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã công nhận 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao và xác nhận 6 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tới đây sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục công nhận, nhằm thuận lợi trong tiếp cận các chính sách ưu đãi từ Trung ương, cũng như của tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao”. 

Tin cùng chuyên mục