Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 11-8, tại TP Cần Thơ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Vaas) tổ chức hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ 2 với chủ đề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH)”. 

(SGGP).- Ngày 11-8, tại TP Cần Thơ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Vaas) tổ chức hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ 2 với chủ đề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH)”. 

Theo ông Trịnh Khắc Quang, quyền Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam: Thời gian qua một số ngành hàng trong nông nghiệp phát triển sản xuất tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định, có 10 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Lĩnh vực trồng trọt có 7 ngành hàng: lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau quả và sắn. Giai đoạn năm 2013 - 2015, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 50 giống chính thức, 70 giống được công nhận sản xuất thử. Trong đó đã chuyển nhượng bản quyền chuyển giao quyền kinh doanh trên 90 tỷ đồng (26 giống lúa, 8 giống ngô) cho 12 doanh nghiệp. Ngoài giống cây trồng, các quy trình canh tác cũng được quan tâm như quy trình thâm canh, tái canh cải tạo vườn cây ăn quả, ghép cải tạo và thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số giống lúa mới được phát triển diện tích hàng triệu ha ở ĐBSCL, như OM5451, OM6976, OM4900… đã chiếm gần 2 triệu ha/năm ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, hiện nay trước diễn biến của BĐKH ngày càng khốc liệt ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nông nghiệp. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng âm 0,18%, ngành trồng trọt bị ảnh hưởng nhiều nhất, sản lượng lương thực giảm khoảng 1 triệu tấn, lĩnh vực trồng trọt giảm 0,78%...

Trong bối cảnh đó, hội thảo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu là lúc để giới thiệu các kết quả nghiên cứu, các công nghệ mới, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, chủ động ứng phó với BĐKH và các yếu tố thời tiết cực đoan.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tái cơ cấu nông nghiệp phải thực hiện cho được 2 trụ cột là ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, thách thức BĐKH ngày càng khốc liệt chúng ta phải tích cực hơn, nhất là lĩnh vực ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, cần chọn tạo ra các loại giống nâng tầm quốc tế, phù hợp với từng địa phương, vùng lại thích ứng với BĐKH; tăng kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất. Tăng cường canh tác trong sản xuất…

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục