Nóng quy hoạch “treo”, ô nhiễm môi trường

Cải cách hành chính: còn nhiều phiền hà
Nóng quy hoạch “treo”, ô nhiễm môi trường

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND TPHCM khóa VIII

Hôm qua (10-7), phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VIII nóng lên với tình trạng quy hoạch “treo”, ô nhiễm môi trường. Trước đó, tại hội nghị này, khi báo cáo giải trình về cải cách hành chính trên địa bàn TPHCM, các sở ngành đã thừa nhận thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cán bộ còn tiêu cực...

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp.

Cải cách hành chính: còn nhiều phiền hà

Báo cáo giải trình tại kỳ họp về cải cách hành chính trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đưa ra nhận xét: lãnh đạo các sở ngành, quận - huyện tại thành phố ứng dụng công nghệ thông tin thuộc hàng kém nhất cả nước. Đồng chí Lê Mạnh Hà lấy ví dụ: Cung cấp hộp thư điện tử cho tất cả các lãnh đạo sở ngành, quận - huyện nhưng số người sử dụng dưới 40%, trong đó rất ít người sử dụng thường xuyên. Qua kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin, UBND TPHCM đã phát hiện ra thời gian trễ hạn trong cấp phép đầu tư nước ngoài trung bình là 22 ngày và lâu nhất là 222 ngày, nhiều hồ sơ trễ hẹn trên một năm. Nguyên nhân trễ hẹn chủ yếu là do các bộ ngành chậm trả lời, thậm chí không trả lời ý kiến của thành phố. Có những hồ sơ UBND TPHCM quyết định không hỏi bộ ngành nữa để rút ngắn thời gian. Tuy không hỏi các bộ ngành nhưng có nhiều hồ sơ UBND TPHCM vẫn phải hỏi ý kiến các sở, thế mà các sở còn trễ hơn các bộ ngành. “Lỗi này hoàn toàn do chính chúng ta”, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, thừa nhận thực tế thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà cho người dân như hồ sơ bị bổ sung nhiều lần hay chuyển lòng vòng… Do vậy, ông Lắm đề nghị tăng cường công tác thanh tra công vụ. Cơ quan đơn vị nào để người dân bổ sung hồ sơ nhiều lần, kiến nghị UBND TP xử lý trách nhiệm thủ trưởng cơ quan đơn vị đó.

Liên quan đến cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, từ năm 2011 đến nay ngành thuế đã kỷ luật 37 công chức, trong đó buộc thôi việc 7 công chức, cách chức 1 công chức. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 này, ngành thuế đã kỷ luật 7 công chức, trong đó buộc thôi việc 1 công chức. “Đến tại thời điểm này, trong hội nghị hôm nay, tôi cũng nhận thấy cán bộ công chức ngành thuế vẫn còn nhũng nhiễu người dân, thậm chí có việc vòi vĩnh nữa. Những nơi xảy ra tiêu cực là nơi công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế tại các bộ phận thu thuế trước bạ… Để ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, cần thường xuyên luân phiên, luân chuyển cán bộ...” - ông Lê Xuân Dương nhìn nhận.

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua Nghị quyết tại hội trường.

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua Nghị quyết tại hội trường.

Quy hoạch “treo” - chuyện chưa có hồi kết

Trong buổi sáng cùng ngày, nội dung được nhiều ý kiến chất vấn nhất là quy hoạch “treo”. Hàng loạt dự án “treo” khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn bị điểm danh như khu quy hoạch ở liên ấp 2 - 3 xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè; dự án cây xanh cách ly KCN Lê Minh Xuân ở huyện Bình Chánh... Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Tấn Tuyến, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt thông tin thành phố đã rà soát cơ bản, thu hồi 536 dự án. Đến tháng 6-2015 sẽ thu hồi dứt điểm những dự án “treo”.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, các khu chức năng đã được thành phố phê duyệt quy hoạch qua mấy trăm đồ án, nhưng cử tri phản ánh có một số quy hoạch khó thực hiện, tính khả thi thấp. Đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và quận huyện phải tiếp tục rà soát lại một cách khách quan, công tâm, vì sự phát triển của thành phố nhưng đồng thời cũng phải vì quyền lợi chính đáng của người dân. Nếu nơi nào không khả thi thì phải điều chỉnh quy hoạch và công bố công khai, đầy đủ đến người dân. Đối với 536 dự án chậm triển khai bị UBND TP thu hồi, những dự án nào phù hợp quy hoạch, cần phải giữ lại, mời gọi nhà đầu tư thì cần tiến hành nhanh để tránh lãng phí nguồn lực đất đai của thành phố.

Đại biểu Từ Minh Thiện (bên phải) trao đổi cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Từ Minh Thiện (bên phải) trao đổi cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ô nhiễm môi trường - cần xử lý nghiêm minh

Vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cũng chiếm nhiều thời gian chất vấn và trả lời chất vấn. Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Mạnh Hà về tiến trình giải quyết tình trạng ÔNMT tại KP 4, 5 phường Đông Hưng Thuận quận 12, đại diện UBND quận 12 báo cáo đến nay quận đã làm xong ba việc theo chỉ đạo của UBND TPHCM: danh sách các cơ sở gây ÔNMT gửi về Chi cục Môi trường thuộc Sở TN-MT TPHCM; lập bản đồ quy hoạch hiện trạng vị trí chuyển Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM để làm cơ sở cấp hoặc không cấp giấy phép thêm một số doanh nghiệp (DN) vào khu vực này nữa; chủ trì mời các DN có ngành nghề gây ÔNMT lên tiếp xúc, vận động, nói rõ quan điểm nếu tiếp tục vi phạm sẽ phạt nặng, đình chỉ vĩnh viễn không cho hoạt động.

Từ 45 DN gây ÔNMT trên địa bàn quận, hiện giảm xuống chỉ còn 25 DN (những DN khác đã chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời). Đa số DN này có hệ thống xử lý khói và chất thải nhưng công nghệ hạn chế, không đảm bảo môi trường sống cho người dân. Biện pháp giải quyết hiệu quả nhất là di dời các DN này lên KCN Thành Thành Công ở Tây Ninh và phần lớn các DN đã đồng thuận di dời.

Thông tin cho câu hỏi của ĐB Thi Thị Tuyết Nhung về số trường hợp gây ÔNMT bị xử lý, ông Đào Anh Kiệt cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014 ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính 38 trường hợp gây ÔNMT với số tiền 715,2 triệu đồng; tham mưu UBND TPHCM phạt 9 đơn vị với số tiền hơn 900 triệu đồng. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, thực tế ÔNMT trong khu dân cư còn xảy ra rất nghiêm trọng, chẳng hạn như ở Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn và một số nơi khác. Nguyên nhân là do các DN xen cài trong khu dân cư gây ra; hệ thống chất thải tại các KCX-KCN chưa tốt; các bãi rác xử lý về kỹ thuật chưa tốt... Trước bức xúc của người dân về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần rà soát lại, chỉ đạo các sở ngành, quận - huyện thực hiện xử lý nghiêm minh hơn.

Đánh giá về chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét: 14 lượt ĐB và 4 cử tri thông qua đường dây nóng gửi ý kiến chất vấn về 37 vấn đề. Các câu hỏi rõ ràng và phần trả lời cũng thẳng thắn, không né tránh. Đối với một số nội dung chưa được trả lời đầy đủ, các sở, ngành có liên quan cần trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, qua phần chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy việc quản lý nhà nước chưa tốt, sự phối hợp giữa UBND quận - huyện và các ngành về tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch thiếu chặt chẽ, đồng bộ, cần phải rút kinh nghiệm.

Yêu cầu các sở rà soát lại công tác cấp giấy trong lĩnh vực đất đai, nhà ở. “Đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát lại công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Những trường hợp có thể tháo gỡ được thì phải giải quyết. Những trường hợp vướng luật phải kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ” - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Chiều 10-7, kỳ họp thứ 14 - HĐND TPHCM khóa VIII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã và bảo vệ dân phố.

Ngoài ra, tại kỳ họp này cũng đã bầu bổ sung 301 hội thẩm tòa án nhân dân TP, quận - huyện (292 hội thẩm tòa án nhân dân cấp quận - huyện, 9 hội thẩm tòa án nhân dân cấp TP).

* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng 536 dự án hủy bỏ chủ trương pháp lý không có nghĩa là Nhà nước thu hồi đất vì đất này là đất của dân; thu hồi là thu hồi về chủ trương để triển khai tiếp việc thực hiện các dự án, để người dân có điều kiện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Đồng thời, khi Nhà nước ban hành các quyết định về chủ trương nêu trên cũng không có nghĩa là Nhà nước thu hồi đất của doanh nghiệp, mà để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các trình tự, quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai. “Khi Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất thì quyền lợi của người dân vẫn tiếp tục được thực thi nghiêm túc. UBND TPHCM đã chỉ đạo từ nay về sau, Chủ tịch UBND 24 quận - huyện nếu không thực thi chủ trương này sẽ bị kỷ luật”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín hứa.


* ĐB Trần Văn Thiện hỏi thẳng Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt: “Đánh giá chủ quan cá nhân đồng chí về mức độ hài lòng của người dân và DN về việc giải quyết thủ tục liên quan quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở như thế nào. Lãnh đạo sở có biết những trường hợp nhân viên nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân? Ông Đào Anh Kiệt nhìn nhận rằng trong năm 2013 tại Sở TN-MT TPHCM số góp ý xấu tương đối nhiều, từ đầu năm 2014 đến nay có 2 ý kiến góp ý xấu. Trong năm 2013, sở xử lý 2 trường hợp nhũng nhiễu theo hình thức chuyển công tác sang bộ phận khác và cho xin (nghỉ) ra ngoài.

VÂN ANH - ÁI CHÂN


Thông qua Nghị quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam

(SGGP).– Chiều 10-7, 100% đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam. Nghị quyết nêu rõ: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là hành động bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm thô bạo chủ quyền quốc gia Việt Nam, với tham vọng độc chiếm biển Đông.

Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng cực lực phản đối, lên án và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động và rút ngay không điều kiện giàn khoan Hải Dương-981 cùng toàn bộ lực lượng tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các vị đại biểu dân cử của Trung Quốc, vì sự thật lịch sử, vì công lý và luật pháp quốc tế, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước.

HĐND và các tầng lớp nhân dân TP Đà Nẵng luôn sát cánh cùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân đang ngày đêm đấu tranh để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

NGUYỄN HÙNG

Hà Nội siết chặt quy định về năng lực đầu tư, ký quỹ đầu tư

(SGGP).– Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai là một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội chất vấn chính quyền thủ đô trong phiên họp ngày 10-7.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong số 352 dự án có dấu hiệu vi phạm, có 160 trường hợp đã tự đưa đất vào sử dụng, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Hiện có 20 trường hợp đã hoàn thành việc thanh, kiểm tra và dự kiến sẽ được thu hồi từ nay đến cuối năm. Về các dự án chậm triển khai, đưa vào sử dụng, Hà Nội sẽ tiếp tục sàng lọc dự án, trong đó siết chặt việc quy định năng lực đầu tư, ký quỹ đầu tư khi triển khai dự án; thẩm định việc chấp hành đầu tư của chủ đầu tư với các dự án đã từng được giao triển khai; công khai các dự án vi phạm, chậm triển khai.

Bên cạnh lĩnh vực này, việc giải quyết chợ cóc, chợ tạm; hiệu quả của các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ; xử lý nước thải tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung... cũng là những vấn đề được các vị đại biểu HĐND Hà Nội yêu cầu làm rõ.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục