Nông sản, thực phẩm Việt: Rộng cửa vào châu Âu

Hàng loạt rào cản kỹ thuật liên quan đến nhóm hàng nông, thủy hải sản, lương thực thực phẩm chế biến xuất khẩu từ Việt Nam đã được thị trường châu Âu nới lỏng, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã tăng tốc sản xuất nhằm gia tăng thị phần.
Công nhân chế biến hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân chế biến hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nới lỏng quy định kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm 

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, các DN thành viên đã phải tăng hết công suất sản xuất để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu tăng đột biến từ thị trường châu Âu. Đối với đơn đặt hàng từ nhóm lương thực thực phẩm, nông, thủy hải sản đã tăng vài chục phần trăm trong những tháng gần đây.

Lý giải về vấn đề này, nhiều DN chia sẻ, do nguồn cung thực phẩm tại thị trường châu Âu đang bất ổn và khan hiếm nên các nước này đã nới lỏng quy định về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, Bộ Công thương đã chủ động làm việc với chính phủ các nước nhằm giảm tần suất kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. 

Trên thực tế, công văn do Liên minh châu Âu (EU) ban hành ngày 13-6 vừa qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 3-7 tới, nêu rõ, châu Âu ngừng kiểm soát an toàn thực phẩm khẩn cấp đối với nhóm hàng bún, miến, phở, bánh đa của Việt Nam.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các lô hàng bún, miến, phở xuất khẩu sang châu Âu không cần bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do Bộ Công thương cấp và cũng không bị kiểm soát tại cửa khẩu của châu Âu. Còn các nhóm rau, gia vị vẫn bị duy trì tần suất kiểm tra tại biên giới châu Âu là 50%. Riêng sản phẩm mì ăn liền và trái thanh long vẫn tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. 

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ, cho biết thêm, hành lang pháp lý trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sĩ nói riêng và châu Âu nói chung đã tương đối đầy đủ. Các bên đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...

Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép DN hai nước thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Cơ chế quản lý xuất nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa được minh bạch và nới lỏng. Những điều này cơ bản có lợi cho những nước có hàng hóa xuất khẩu vào thị trường châu Âu, trong đó có Việt Nam.

Cần “bơm vốn” cho doanh nghiệp 

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 305 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu từ kỳ 2 tháng 5 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến khi đạt 18,02 tỷ USD, tăng 40,9% so với kỳ 1 tháng 5-2022 và tập trung vào một số nhóm ngành chủ lực như máy tính, điện thoại, hàng dệt may, gỗ, nông, thủy hải sản…

Nông sản, thực phẩm Việt: Rộng cửa vào châu Âu ảnh 1 Công nhân chế biến hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kết quả khả quan này, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, do các đơn đặt hàng xuất khẩu đang được nhiều nước đổ dồn về Việt Nam thời gian qua rất nhiều. Điều này cho thấy, các nước đã đánh giá rất tích cực tình hình sản xuất cũng như khả năng cung ứng hàng hóa xuất khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều DN trong nước không khỏi lo lắng khi cho rằng giá nguyên vật liệu, xăng dầu liên tục leo thang trong những tháng gần đây nên không “mạnh tay” nhận đơn hàng.

Hiện DN chỉ có thể nhận những đơn hàng mà đối tác chấp thuận điều khoản cho phép điều chỉnh linh hoạt giá bán trong trường hợp bất khả kháng, thị trường có những diễn biến bất lợi về giá như giá nguyên liệu, giá xăng dầu tăng. Trường hợp đối tác nhập khẩu không chấp nhận thì buộc phải từ chối. Bởi trên thực tế, đã có những đơn hàng mà DN vừa ký xong hôm nay thì hôm sau giá xăng điều chỉnh tăng. Trong trường hợp này, DN không thể điều chỉnh giá bán sản phẩm đã ký trong hợp đồng nên đành phải “lấy công làm lời”. 

Trước thực tế nêu trên, nhiều DN cho rằng, Chính phủ cần thiết phải nhanh chóng kiểm soát đà tăng giá xăng dầu, làm cơ sở để kìm đà tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất trên thị trường. “Chúng ta phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn, ước tính 2,9% của hiện tại và tăng lên khoảng 4% vào cuối năm nay để đẩy nhanh gói hỗ trợ vốn cho DN.

Hiện những gói chính sách vốn hỗ trợ mà Chính phủ và Quốc hội đã thông qua từ cuối năm 2021 đến nay vẫn chưa đến tay DN. Trong khi DN đang rất “khát vốn” để tái đầu tư, hoạt động, gia tăng nội lực sản xuất nhằm nắm bắt cơ hội vàng trong phát triển kinh tế, tăng tốc mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu”, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh.

Đa dạng thị trường, giảm rủi ro xuất  khẩu

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Công thương, cho rằng, cùng với những tiềm năng và dư địa mà thị trường châu Âu mang lại, DN trong nước cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh những rủi ro khi thị trường châu Âu siết lại kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; hoặc trong trường hợp châu Âu ban hành thêm những rào cản kỹ thuật mới.

Trên thực tế, cùng với thị trường truyền thống, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 15 thành viên đang rất tiềm năng cho DN Việt Nam. Hiện ước tính thị trường này chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.


Duy trì sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods), cho biết, để có thể duy trì thị phần ổn định tại thị trường châu Âu, DN cần đầu tư bài bản, phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Hiện công ty chuyên sản xuất sản phẩm bún dưa hấu, bún thanh long, bún sợi, bánh phở… các loại, đã xuất khẩu được hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường rất khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Để có thể đạt được điều đó, điều kiện tiên quyết là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn GlobalGAP.

Tin cùng chuyên mục