Nông sản Việt tăng tốc chiếm thị phần xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp cho biết, các thị trường gần như đã mở cửa xuất khẩu cho hàng nông sản Việt. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp và nông dân phải bắt tay để tạo ra sản phẩm xanh và sạch, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà các thị trường đặt ra.
Đặc sản Quýt hồng Lai Vung được nông dân tỉnh Đồng Tháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Đặc sản Quýt hồng Lai Vung được nông dân tỉnh Đồng Tháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhiều loại trái cây xuất khẩu chính ngạch

Nông sản nói chung, trái cây Việt nói riêng, đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có hàng chục thị trường chủ lực. Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, ở mỗi thị trường khác nhau, mỗi loại nông sản được tiếp nhận nhập khẩu khác nhau.

Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, nhóm nông sản là xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt đang rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, tại thị trường EU, các loại hoa quả nhiệt đới tươi và qua chế biến đóng hộp, nước quả được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hơn.

Hay như thị trường Hàn Quốc, các loại trái cây như dừa, khóm, chuối, xoài và thanh long ruột trắng lại được yêu thích. Ngược lại, thị trường Nhật Bản, Úc, New Zealand rất ưa chuộng thanh long ruột đỏ và vàng, xoài, vải, chôm chôm. Riêng với thị trường Hoa Kỳ, nhóm trái cây chiếm ưu thế xuất khẩu là thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài, bưởi.

Hiện tại, thị trường nhập khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, phải thấy rằng, cùng với thuận lợi, mỗi thị trường nhập khẩu đã đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật khác nhau.

Đơn cử, tại thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, New Zealand, Úc, Chile, Argentina, nông sản xuất khẩu cần có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, lô hàng nông sản phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và có hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và mã số nhà máy xử lý đạt chuẩn. Cùng với đó, phía đối tác nhập khẩu cũng sẽ cử chuyên gia đến Việt Nam để kiểm tra từng lô hàng trước khi cho xuất khẩu.

Còn với thị trường EU như Anh, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Italy…, nông sản xuất khẩu cần phải đáp ứng yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để được cấp giấy chứng nhận trước khi thông quan. Trường hợp vi phạm sẽ bị cảnh báo và bị trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy hàng hoặc tạm ngừng nhập khẩu.

Riêng các nước khu vực ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore, Philippines...), các nước khu vực Trung Đông, các nước Đông Âu và Ấn Độ, Canada... thì chỉ đơn giản cần có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Chuẩn hóa chất lượng

Liên quan đến chất lượng nông sản, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện đang đẩy nhanh tiến độ triển khai cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho các tỉnh thành, doanh nghiệp, nông hộ. Tính đến nay, Bộ NN-PTNT đã cấp 3.646 mã số vùng trồng, 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường các nước.

Nông sản Việt tăng tốc chiếm thị phần xuất khẩu ảnh 1

Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Nam, Phó phòng Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS), có nhiều quốc gia thay đổi liên tục các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp, nông hộ cần chủ động phòng ngừa, chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng những yêu cầu mới giữ được thị trường xuất khẩu.

Chẳng hạn, hiện Cao ủy châu Âu về y tế đang tiến hành các cuộc thảo luận với các quốc gia thành viên và các nước thứ ba để hàng nhập khẩu vào châu Âu không có Neonicotinoids (một loại chất tác động lên hệ thần kinh trung ương của côn trùng thường được sử dụng phổ biến trong 2 loại thuốc trừ sâu Clothianidin và Thiamethoxam). Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nên lưu ý động thái này.

Không chỉ vậy, chiến lược “Từ nông trại đến bàn ăn có tính đến yếu tố an toàn môi trường trước dư lượng thuốc trừ sâu” là xu hướng tiêu dùng mà nhiều thị trường xuất khẩu đang áp dụng. Do vậy, về lâu dài, các sản phẩm có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc chắn sẽ không được nhập khẩu vào các thị trường trên thế giới. Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần sớm “trở mình” để chủ động vượt qua các rào cản này.

Riêng với thị trường Trung Quốc (thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam), cũng đang thay đổi rất nhiều về tiêu chuẩn chất lượng nông sản nhập khẩu. Các tiêu chuẩn của họ đòi hỏi cao hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, nông dân, doanh nghiệp, HTX cần biết những thay đổi này và cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ngoài những sản phẩm trái cây như xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít, khóm, vú sữa và măng cụt… đã được phép xuất khẩu, bộ đang tiếp tục đàm phán thêm nhiều thị trường để mở cửa cho nhiều nông sản khác như sầu riêng, khoai lang, chanh leo, bưởi. Như vậy, cơ hội xuất khẩu của nông sản Việt đang được mở ra rất lớn. Vấn đề còn lại, các doanh nghiệp, hộ dân cần liên kết để hình thành vùng sản xuất lớn, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.

Theo các cơ quan thẩm quyền, hiện đang có một tình trạng đáng lo ngại, đó là mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Do vậy, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để cùng phối hợp xử lý.

Tin cùng chuyên mục