Nông thôn mới ở huyện miệt ngàn

Trung tuần tháng 12-2019, về huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), không khí nơi đây thật tất bật, từ người dân đến cán bộ xã huyện. Họ đang chuẩn bị cho ngày hội lớn: Lễ công nhận huyện Châu Thành A đạt chuẩn huyện nông thôn mới (ngày 14-12-2019).
Đường nông thôn mới về trung tâm huyện Châu Thành A
Đường nông thôn mới về trung tâm huyện Châu Thành A

Nét độc đáo “có một không hai” của huyện Châu Thành A là có 4 thị trấn (Rạch Gòi, Cái Tắc, Bảy Ngàn và Một Ngàn) đều được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Đây cũng là huyện có đội ngũ cán bộ thân thiện trong thực hiện giải quyết thủ tục theo hướng “một cửa”; và có nhiều tỷ phú là nông dân.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

“Xã đã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới rất thiết thực, cán bộ luôn đi tiên phong làm trước trong nhiều phong trào. Từ đó, gia đình tôi và bà con trong xã đồng tình hưởng ứng, cùng tham gia đóng góp ý kiến, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động, tiền của để cùng với chính quyền xã, ấp xây dựng nông thôn mới”, ông Sáu Ánh, người dân ở xã Trường Long A, cho biết. Ông Sáu Ánh và người dân nơi đây vui mừng vì cuộc sống đã tốt hơn trước đây: Ruộng vườn được đê bao khép kín, cầu lộ giao thông được thông suốt, điện lưới quốc gia, nước sạch, dịch vụ viễn thông, Internet đã về đến tận nhà người dân, nhà ở dân cư nông thôn đạt chuẩn theo quy định, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, có nơi sinh hoạt giải trí cho người dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Huyện Châu Thành A được tái lập vào năm 2001, diện tích tự nhiên hơn 16.000ha (diện tích đất sản xuất nông nghiệp 13.862ha), dân số 97.606 người. Huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 6 xã và 4 thị trấn). Trên địa bàn huyện có 4 tuyến quốc lộ đi qua, trong đó có tuyến đường thủy là kênh xáng Xà No.

Từ năm 2011, chính quyền nơi đây bắt tay vào xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thi đua: Nhân dân tự đầu tư kinh phí 100% để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, thủy lợi; kè mé chống sạt lở, sửa chữa đường; xóa 100% nhà tạm, dột nát… Trong chỉ đạo, điều hành, huyện đã có những định hướng mang tính đột phá như: Ban hành nghị quyết về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong gia đình chính sách, đảng viên thuộc diện hộ nghèo; Xây dựng quyết tâm chính trị với công thức: 6 + 9 + 4 + 1 + 1 (6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, 4 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 1 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã không còn hộ nghèo).

Qua hơn 8 năm thực hiện, đến năm 2019, toàn huyện có 6/6 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; 4 thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Xã Thạnh Xuân đạt 16/16 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh (0,8%); trên địa bàn huyện có 20 ấp không còn hộ nghèo. 

Tỷ phú chân đất và cán bộ “bốn xin, bốn luôn”

Huyện Châu Thành A gần như ôm trọn vùng miệt ngàn với những nông dân tỷ phú. Điển hình là ông Thiều Văn Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hải Thành. Ông Thiều Văn Hải là một trong những người được tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018. Khởi nghiệp với 1,5 công đất ruộng, đến nay tổng diện tích đất sản xuất đã lên tới 6,6ha, ông Hải là người đi tiên phong trồng và bán lúa thơm trong 19 năm qua. Thu nhập hiện nay của gia đình ông đạt gần 2 tỷ đồng/năm. 

Tại huyện Châu Thành A có một nữ tỷ phú nông dân nổi tiếng nhờ nuôi cua đinh, ba ba là chị Trương Ánh Nguyệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi (xã Thạnh Xuân). Chị cũng là một trong 63 gương điển hình nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2018. Đồng hành với chị Nguyệt trong gần 10 năm qua là các cán bộ ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, Liên minh HTX tỉnh, đã hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện để chị tiếp cận nguồn vốn. Đến nay HTX Thạnh Lợi có trên 50.800 con ba ba, cua đinh giống và thương phẩm. Riêng chị Nguyệt nuôi 4.000 con ba ba giống, 500 con cua đinh giống. Hiện ba ba và cua đinh giống sản xuất ra bao nhiêu đều có người mua hết. Nhờ vậy kinh doanh thuận lợi, doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng, lợi tức chia cho xã viên trên 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt từ năm 2015, sau những lần tham gia xúc tiến đầu tư, chị đã bắt mối bán được con giống qua thị trường Trung Quốc và Thái Lan. Năm 2019, chị Nguyệt bán sang Nhật được 500kg ba ba thương phẩm.

Đến nay, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành A được cơ giới hóa khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch; đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung 5.000ha. Toàn huyện có 800 mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó 240 mô hình đạt lợi nhuận từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên; huyện có 20 sản phẩm đã gửi đăng ký sản phẩm OCOP (mỗi xã nông thôn mới gắn với một sản phẩm), nổi bật như: Xoài cát, sữa dê, nhãn, cỏ may mắn, cây đinh lăng… 

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành A không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết địa phương đã trang bị máy tính bảng cho cán bộ chủ chốt từ xã đến huyện, góp phần xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện văn phòng không giấy, kỳ họp không giấy. Huyện đang nỗ lực thực hiện “Xây dựng chính quyền thân thiện” tại bộ phận một cửa của huyện và 10/10 xã, thị trấn, với khẩu hiệu thực hiện “bốn xin” (xin chào, xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn), “bốn luôn” (luôn mỉm cười, luôn lắng nghe, luôn nhẹ nhàng, luôn sẵn lòng giúp đỡ)...

----------------------
Kết nối cùng phát triển

Sau 15 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã bắt nhịp hòa vào sự phát triển chung của ĐBSCL. Tỉnh xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là đưa Hậu Giang thành tỉnh khá trong khu vực. Tuy nhiên, nguy cơ bị tụt hậu so với các địa phương khác trong khu vực và cả nước là hiện hữu, nếu không tự vươn lên, không có khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp, đáng sống. Trong bối cảnh đó, việc lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học từ Hội thảo Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025, được xem là một cách tiếp cận thiết thực của tỉnh.

Các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn và quý báu cho tỉnh Hậu Giang. Các nhà khoa học đã đánh giá cao những thành tựu đạt được của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, Hậu Giang cũng như nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn đang đối diện với nhiều thách thức từ cơ sở hạ tầng còn yếu kém, mặt bằng dân trí còn thấp. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Xâm nhập mặn, sạt lở, sụp lún đất, triều cường… là những vấn đề mà ĐBSCL sẽ đối diện ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Các nhà khoa học cho rằng, Hậu Giang còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, vấn đề là cần xác định được đâu là lĩnh vực trọng tâm, định hướng phát triển và các giải pháp hiệu quả để tập trung phát triển các lĩnh vực đó. Các nhà khoa học nêu một số gợi mở như: Ứng dụng nền kinh tế tri thức; tiếp cận và ứng dụng các mô hình phát triển bền vững (mô hình đô thị thông minh, nông nghiệp cánh đồng lớn, canh tác thông minh và hợp tác xã nông nghiệp thông minh…). Trong đó, Hậu Giang cần chú trọng tranh thủ các nguồn lực quốc gia và quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; tranh thủ nguồn lực từ phong trào khởi nghiệp, liên kết với các tỉnh trong vùng tạo ra chuỗi sản xuất mang giá trị cao cho nông sản. Tỉnh cần quan tâm khu công nghiệp nằm ven sông Hậu với nhiều tiềm năng để khai thác logictics. Cần chuẩn bị “đất sạch” để các tập đoàn lớn đang có nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp. Hậu Giang có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm ĐBSCL; đất đai còn nhiều, mặt bằng giá đang thấp hơn so với khu vực nên dư địa cho phát triển còn rất nhiều, nếu khai thác đúng hướng. Đặc biệt, tỉnh có hơn 60% dân số đang trong độ tuổi lao động, là nguồn lực vô cùng quý giá.
CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục