
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) vừa công bố kết quả khảo sát sau 4 năm cho thấy: Bắc Cực chứa đến 22% trữ lượng dầu thô chưa được phát hiện trên thế giới. Con số đó làm Bắc Cực trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết và có thể tạo “cuộc đua nước rút” giành quyền lợi ở vùng đất băng giá này trong lúc giá dầu ngày càng tăng và nguồn cung dầu mỏ đang ngày khó khăn hơn.
Trữ lượng: 90 tỷ thùng
Đây là lần đầu tiên USGS đưa ra báo cáo công bố trữ lượng tài nguyên năng lượng của khu vực Bắc Cực. Theo USGS, trong phạm vi vòng Bắc Cực ước tính có 90 tỷ thùng dầu thô, hơn 46.000 tỷ m3 khí đốt cùng 44 tỷ thùng khí tự nhiên dạng lỏng. Khoảng 84% số tài nguyên này nằm ngoài khơi, được chia sẻ bởi các nước có biên giới giáp Bắc Cực, gồm: Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch.
Số tài nguyên năng lượng ở Bắc Cực chiếm khoảng 22% tổng tài nguyên chưa phát hiện và có thể khai thác được trên thế giới. Bắc Cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu, 30% khí tự nhiên, 20% khí dạng lỏng chưa khai thác của thế giới.
Theo các chuyên gia USGS, trong số 90 tỷ thùng dầu ở Bắc Cực, có đến 30 tỷ thùng nằm ở khu vực ngoài khơi Alaska. Phần lớn trữ lượng khí đốt chưa khai thác của Bắc Cực nằm ở lãnh thổ của Nga (tây vịnh Siberia và đông vịnh Barents) và ở lãnh thổ của Mỹ (Alaska). Trữ lượng khí tự nhiên ở Bắc Cực rất quan trọng vì chiếm đến gần 1/3 toàn bộ trữ lượng khí tự nhiên chưa phát hiện trên trái đất.
Hơn phân nửa trữ lượng dầu mỏ Bắc Cực nằm ở 3 vùng chính là Alaska (30 tỷ thùng), vịnh Amerasisa (9,7 tỷ thùng) và vịnh đông Greenland (8,9 tỷ thùng). Với các kỹ thuật hiện nay, con người có đủ khả năng khai thác tài nguyên năng lượng ở Bắc Cực. Đến nay, các công ty năng lượng đã phát hiện hơn 400 mỏ dầu và khí đốt ở vùng Bắc Cực.
Để so sánh, trữ lượng dầu mỏ của Mỹ khoảng 22 tỷ thùng và sản lượng ở mức 1,6 tỷ thùng mỗi năm, còn trữ lượng dầu mỏ của thế giới vào khoảng 1.240 tỷ thùng. Với 90 tỷ thùng dầu, có thể đáp ứng nhu cầu ở mức hiện tại của thế giới trong 3 năm.
Khai thác: Hại nhiều hơn lợi

Môi trường sống của những động vật như gấu trắng có còn yên bình?
Trước khi có báo cáo của USGS, hồi giữa tháng 7, Chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu ngoài khơi nhằm giảm căng thẳng do giá dầu tăng kéo dài 17 năm qua.
Tuy nhiên, nhiều tranh cãi đã nổ ra quanh việc lợi và hại với hệ sinh thái khi khai thác dầu ngoài khơi. Theo Judy Penniman của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), mỗi mặt lợi và hại đều có những vấn đề quan trọng phải cân nhắc.
Richard Charter, chuyên gia tư vấn của Quỹ Những người bảo vệ hoạt động hoang dã (DWAF), cho biết, ngay từ khâu khảo sát dầu mỏ đã gây hậu quả.
Để phát hiện trữ lượng, các nhà nghiên cứu phát sóng địa chấn vào lòng đất để ghi nhận sóng phản hồi. “Tuy nhiên, sóng địa chấn chỉ giúp dự đoán bước đầu và trữ lượng chỉ biết rõ sau khi khoan thăm dò” – theo Eric Potter, đồng giám đốc khoa địa chất kinh tế thuộc Đại học Texas.
Trong lúc đó, sóng địa chấn lại làm cá voi bị mất phương hướng và lao vào bờ mắc cạn, chết hàng loạt. Đầu tháng 7 này, Hãng ExxonMobile đã phải hoãn thăm dò gần Madagascar sau khi đã có hơn 100 con cá voi tự lao vào bờ.
Những tác động trên đất liền cũng gây tranh cãi vì các cơ sở hạ tầng chính cho khai thác dầu mỏ như đường sá, tiệm sửa chữa, nhà cửa, tổ hợp công nghiệp... có thể làm đảo lộn cuộc sống hoang dã ở những vùng đất còn nguyên sơ – theo Charles Clusen, Giám đốc Công viên Quốc gia và Dự án Alaska của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên quốc gia (NRDC). Các giàn khoan ở Bắc Cực sẽ gây tác động lớn nhất. Gấu trắng, tuần lộc và nhiều động vật khác di cư đến vùng này để sinh sản và thời kỳ dễ gặp nguy hiểm này nếu bị phá vỡ sẽ dẫn đến giảm số lượng các loài này.
Các tác động thực sự với toàn bộ môi trường rất khó đo lường do còn thiếu các cuộc nghiên cứu – Jeff Short, nhà nghiên cứu giám sát của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) đưa ra ý kiến trên.
Các giàn khoan thường thải nước (được bơm lên cùng dầu) chứa nhiều chất độc có hại cho môi trường như các chất polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH) trở lại biển. Với nồng độ cao, các chất độc này giết chết sinh vật biển và dù ở mức thấp cũng gây khuyết tật sinh sản, suy giảm phát triển và làm lệch giới tính động vật.
Phần lớn động vật có thể đẩy khỏi cơ thể chất độc PAH nhưng khi con vật bị phơi nhiễm thường xuyên do sống gần giàn khoan, PAH có thể gây ung thư. Nhiều cộng đồng dân cư vùng biển, vốn phụ thuộc vào du lịch và đánh cá, sẽ bị tác động lớn do việc phát triển khai thác dầu ngoài khơi làm tăng ô nhiễm và phá vỡ cuộc sống đại dương.
Frank O’Donnell, Chủ tịch nhóm phi lợi nhuận Clean Air Watch, cho biết - nhiều động vật như gấu trắng Bắc Cực và nhiều động vật hoang dã khác ở nhiều vùng trong vòng Bắc Cực sẽ mất dần nơi sinh sống khi các giàn khoan dầu xuất hiện ở đây.
Vấn đề dầu tràn và chuyên chở cũng rất đáng quan tâm. Theo Cục Quản lý khoáng sản Mỹ (MMS), hiện chỉ có khoảng 0,001% dầu chở trên các tuyến đường thủy Mỹ bị tràn. Tuy nhiên, theo Clusen, có 300 - 500 vụ tràn mỗi năm và ngày càng tăng cùng với sự gia tăng sản lượng khai thác.
Mỗi vụ tràn dầu gây hậu quả lâu dài do lan nhanh và để khôi phục phải mất hàng thập niên. Như ở Prince William Sound, vùng bị tác động bởi vụ tràn dầu của tàu Exxon - Valdez, sau 20 năm mới bắt đầu hồi phục một phần.
Thiện Nguyễn