Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: Sức hút bất ngờ

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: Sức hút bất ngờ

Tháng 3-2009, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân trong chuyến khảo sát về tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (NNCNC) đã chỉ đạo sớm hoàn thành phần kết cấu hạ tầng để có thể chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9. Đồng thời yêu cầu sớm hình thành thêm 2 - 3 khu NNCNC mới, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Mới đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cũng đi thực tế tại Khu NNCNC TPHCM và yêu cầu Ban quản lý Khu NNCNC sớm hoàn thiện mô hình… Có thể nói, ít có dự án nào như Khu NNCNC nhận được sự đồng thuận và quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TPHCM.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tại vườn lan của Khu Nông nghiệp công nghệ cao.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tại vườn lan của Khu Nông nghiệp công nghệ cao.

16 nhà đầu tư đến thuê đất

Ít có dự án nào như Khu NNCNC TPHCM phần xây dựng cơ bản chưa hoàn tất mà nhà đầu tư đã kéo tới nhiều như vậy. Hiện có 16 nhà đầu tư đăng ký thuê mặt bằng để sản xuất. Ông Trần Phước Dũng, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu NNCNC, cho biết, nếu tính hết số diện tích các nhà đầu tư đăng ký đã vượt quá phần đất cho thuê của Khu NNCNC (56ha).

Chỉ riêng Công ty cổ phần Phát triển đầu tư (CPPTĐT) Nhiệt Đới, ngay tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã kiến nghị, nếu được đồng ý, tất cả phần diện tích còn lại của Khu NNCNC công ty sẽ thuê dài hạn để đầu tư vào sản xuất giống các loại cây trồng với những công nghệ cao mới nhất.

Tổng vốn của các nhà đầu tư vào Khu NNCNC trên 365 tỷ đồng, trong đó Công ty CPPTĐT Nhiệt Đới đầu tư 204 tỷ đồng. Song song với việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và thuê đất, Công ty CPPTĐT Nhiệt Đới kiến nghị TP được sản xuất trước và BQL đã tạm giao đất cho để triển khai các công việc cấp bách trong khi chờ thực hiện các thủ tục như quy định.

Hiện nay công ty đang xây dựng nhà kín, trồng các giống cây ngắn ngày như rau ăn lá, mướp, bí đao, dưa leo, cà chua… lấy hạt làm giống, cung cấp giống cây chất lượng cao cho hầu hết bà con nông dân TP, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh phía Bắc.
 
Hiện nay, BQL đã xem xét và thông qua 5 dự án của 5 nhà đầu tư đăng ký thuê 28 ha/56 ha đất quy hoạch xây dựng nhà xưởng trong tổng diện tích là 87 ha của Khu NNCNC. Đó là Công ty TNHH SXTM Việt Quốc Thịnh với dự án sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và xây dựng điểm trình diễn rau an toàn, Công ty cổ phần Trái Đất Tươi Xanh với dự án sản xuất rau hữu cơ sinh thái theo kỹ thuật mới nhất, Công ty Nông nghiệp Chành Phong với dự án đầu tư sản xuất giống rau F1...

Nhà kính làm giống cây ngắn ngày của Công ty CPPTĐT Nhiệt Đới ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM.

Nhà kính làm giống cây ngắn ngày của Công ty CPPTĐT Nhiệt Đới ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM.

Nhưng đi đầu trong việc mạnh dạn đầu tư phải kể đến Công ty CPPTĐT Nhiệt Đới với dự án nghiên cứu và lai tạo các giống rau ăn lá và ăn quả trên diện tích được thuê 20ha. Công ty còn ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp. BQL đang tiếp tục xem xét hồ sơ của 2 nhà đầu tư để có thể ký hợp đồng là Công ty TNHH Long Đỉnh với dự án sản xuất lan và Công ty TNHH TM Đan Nguyễn với dự án sản xuất rau sạch.

Thực tế này cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư trong lĩnh sản xuất nông nghiệp là còn rất lớn, không như những lo lắng ban đầu khi cho rằng xây dựng Khu NNCNC khó thu hút được nhà đầu tư.
 
Kiến nghị giải quyết vướng mắc

Tuy nhiên, nhiều vướng mắc cũng phát sinh. Ông Trần Phước Dũng tại buổi làm việc với HĐND TP báo cáo, BQL đã ký với 10 nhà đầu tư (tổng vốn 365 tỷ đồng) chiếm trên 90% diện tích dựa vào Quyết định 35 của UBND TP về chính sách và đối tượng thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào Khu NNCNC. Nhưng trong quá trình cấp giấy phép, do Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) quá thận trọng nên xem xét rất chậm.

Theo ông Dũng, những dự án vào đây thuộc dạng đặc biệt khuyến khích đầu tư, những điều kiện nêu trong Quyết định 35 của UBND TPHCM là những điều mà BQL yêu cầu nhà đầu tư thực hiện như công nghệ phải đáp ứng tiêu chí công nghệ cao, phải cho tham quan và chuyển giao công nghệ và những quy định khác về quản lý của Khu NNCNC…
 
Đó không phải là điều kiện trong quá trình xem xét cấp giấy phép đầu tư. Việc thẩm định năng lực tài chính, yêu cầu này nhà đầu tư khó có thể thực hiện được, như Công ty CPPTĐT Nhiệt Đới, khi thẩm định cho rằng không đủ năng lực về tài chính vì dự án đầu tư trên 160 tỷ đồng với công ty mới thành lập thì vốn và hoạt động của công ty này chưa thể hiện hết.

Vì vậy, Sở KH-ĐT đề nghị đơn vị này phải có bảo lãnh ngân hàng, nhưng khi có bảo lãnh ngân hàng thì Sở KH-ĐT vẫn cho rằng không đủ năng lực tài chính, nên đã đề nghị TP chỉ cho thuê đất trong vòng 10 năm (thay vì 49 - 50 năm), trong khi công ty đã đầu tư 20 - 30 tỷ đồng như chủ trương của UBND TP (cho làm trước, hợp thức hóa sau). Những dự án đầu tư khác cũng vướng phải thủ tục này.
 
Nếu vì không chứng minh được năng lực tài chính nên chỉ đề nghị TP cấp giấy phép cho thuê đất 10 năm thì nhà đầu tư không thể làm được. Đầu tư mỗi hécta rất cao, khoảng 8 - 10 tỷ đồng, vì vậy TP đã yêu cầu Sở KH-ĐT xem lại. Nhưng nếu cho 20 - 30 năm cũng chưa chắc nhà đầu tư chấp nhận thay vì ngay từ đầu ký hợp đồng đề nghị cấp giấy chứng nhận sử dụng 49 - 50 năm. Vì vướng mắc này mà hơn 5 tháng chưa nhà đầu tư nào có giấy phép.

Vừa rồi, khi BQL họp với nhà đầu tư thông báo tình hình thì đã có 3 - 4 nhà đầu tư xin rút ra vì cho rằng đã ký hợp đồng với BQL nhưng khi triển khai lại không nhất quán.
 
Để giải quyết khó khăn này, BQL đề nghị không nên coi những dự án này là dạng dự án đầu tư có điều kiện như an ninh quốc phòng, ngành nghề nhạy cảm… mà phải coi lĩnh vực này là đặc biệt kêu gọi đầu tư theo Luật Công nghệ cao sắp được ban hành và được hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi.

Riêng BQL sẽ rà soát về công nghệ trước khi đồng ý và chịu trách nhiệm hậu kiểm, như việc triển khai dự án, nếu quá 12 tháng nhà đầu tư không triển khai sẽ bị thu hồi đất. Có vậy mới mong nhanh chóng khuyến khích nhà đầu tư được.

CÔNG PHIÊN















 

Tin cùng chuyên mục