Nốt lặng ở thành phố lớn nhất hành tinh

Những chiếc lá trên cành đã chuyển sang màu xám, báo hiệu mùa đông sắp đến. Tôi đã phải lôi chiếc áo khoác nặng nề và xấu xí ra khỏi tủ áo để mặc.

Hôm trước, khi bước ra khỏi khu chung cư của mình, tôi nhìn thấy một chiếc thùng đựng tủ lạnh nằm ngay cửa trường học cạnh nhà và một cái chân thò ra. Và đó là nhà của một người đàn ông tôi gặp từ mùa đông năm ngoái. Đêm nào anh ta cũng ngủ ở đó, trừ những đêm tuyết rơi dày đặc và nhiệt độ dưới 0.

Nếu bạn lướt qua khu Manhattan- trung tâm của New York vào đêm khuya, bạn sẽ thấy nhiều đàn ông, phụ nữ và có khi là cả gia đình ngủ dưới bậc thềm cửa, trong công viên, dưới bến tàu điện ngầm. Vài người trong số họ trông rất quen. Một phụ nữ cùng với con chó với dáng vẻ đói khát và không nhà, thường ngồi trước chợ thực phẩm ở Quảng trường Union. Ở góc phố cạnh nhà tôi một thiếu niên mặc chiếc áo đen với cái nhìn buồn bã trên gương mặt như muốn nói tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để kiếm ăn.

Nhưng có lẽ buồn nhất là những người phụ nữ già thu nhặt chai, lon từ các thùng rác trên phố để đổi được 5 xu một cái. Và cũng có nhiều cựu chiến binh vô gia cư. Sau khi buộc phải chiến đấu nay họ bị vứt ra lề đường như rác. Có những người đã già (cựu chiến binh trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam) và có những người còn rất trẻ (cựu chiến binh trong các cuộc chiến vùng Vịnh, Afghanistan, Iraq). Liên minh những người không nhà, một tổ chức từ thiện ở New York, cho biết có khoảng 3.500 cựu chiến binh vô gia cư trong thành phố của tôi. Ở khắp nơi trên nước Mỹ, bạn có thể thấy nhiều người sống trong xe hơi, nhưng ngoại trừ New York vì ở đây không có nhiều xe lắm chỉ vì không thể nào tìm ra chỗ đậu xe. Khi tôi lớn lên vào những năm 1960-1970, có nhiều người vô gia cư sống trên đường phố. Có một hai khu nơi những người say rượu ngủ qua đêm hoặc có những nhà trọ rẻ tiền. Số người vô gia cư tăng nhanh vào những năm 1980 và tăng báo động vào giữa thập kỷ này.

Cuộc khủng hoảng hiện nay đã đẩy nhanh số người thất nghiệp, thiếu nhà cho người lao động và bạo lực gia đình-tất cả những nguyên nhân của tình trạng vô gia cư. Chính quyền thành phố công bố số người không nhà đã tăng 34% trong năm qua, Liên minh những người không nhà cho biết toàn thành phố có 36.847 người vô gia cư, gần phân nửa trong số đó là trẻ em. Thiếu việc làm, giá nhà cao và nghèo đói là những yếu tố chính đẩy các gia đình ra đường. Nhiều bạn bè tôi từng có cuộc sống ổn định nay phải vật lộn với bánh mì và việc làm. Chỉ mới hôm qua tôi nhận được thư của một đồng nghiệp lâu năm từng làm việc trong hệ thống trường học ở đây. Anh cầu xin bạn bè gửi tiền để anh ấy có thể ở lại trong ngôi nhà mình đã sống 40 năm qua.

Đồng lương ít ỏi dành cho người lao động và thất nghiệp, nợ nần chồng chất đang đẩy các gia đình Mỹ đến chỗ bất ổn kinh tế. Sự phục hồi kinh tế mà chúng ta nghe báo chí Mỹ nói chỉ dành cho lĩnh vực tài chính, chứ không phải dành cho đại chúng. Chưa thấy dấu hiệu đầu tư vào việc mở rộng sản xuất và tạo thêm việc làm, mà hầu như nước Mỹ vẫn nghiêng ưu đãi về lĩnh vực tài chính đầy rủi ro.

Merle Ratner
VIỆT KHOA (dịch) 

Tin cùng chuyên mục