NSƯT Tiến Hợi: Mỗi lần thể hiện vai diễn về Bác là một niềm tự hào

NSƯT Tiến Hợi: Mỗi lần thể hiện vai diễn về Bác là một niềm tự hào

Với trên 40 vai diễn về Bác Hồ, ở cả sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình, NSƯT Tiến Hợi (Nhà hát Kịch Hà Nội) là một trong số ít nghệ sĩ vào vai Bác Hồ nhiều nhất và cũng thành công nhất cùng lúc ở nhiều thể loại. Vào vai lãnh tụ, nhất là vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở giai đoạn nào của cuộc đời Người, cũng hoàn toàn không dễ. Mỗi lần được vào vai Bác Hồ, là một niềm tự hào trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19-5), NSƯT Tiến Hợi lại trải lòng mình với những vai diễn về Bác.

* Phóng viên:
Năm 28 tuổi, anh được đảm nhận vai diễn đầu tiên về Bác, anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình về vai diễn đặc biệt ấy?

* NSƯT TIẾN HỢI: Năm 1987, Đoàn Nghệ thuật Quân khu II dàn dựng vở kịch Đêm trắng (tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và lúc ấy tôi đang công tác tại đoàn, được giao thể hiện hình tượng về Người. Đây là vinh dự lớn, cũng là trọng trách nặng nề với một diễn viên còn chưa nhiều kinh nghiệm như tôi (mới 28 tuổi): thể hiện vai diễn vị lãnh tụ khi Người gần 60 tuổi. Trong suốt 2 tháng liền, cứ sáng tập, chiều xem phim, tối nghe băng cassette Bác nói chuyện, để có thể nắm bắt và thể hiện thật dung dị phong thái, cách đi đứng, chất giọng của Người. Việc luyện tập cho đúng chất giọng, cách phát âm, nhả chữ sao cho giống giọng nói của Bác cũng rất vất vả, bởi giọng nói của Bác thật sự rất khác biệt, vừa rõ ràng, dứt khoát lại vừa pha chút dí dỏm.

NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ.

NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ.

* Với 300 lần trình diễn, vở Đêm trắng có thể được coi là kỷ lục về số lượt diễn lúc bấy giờ. Tâm trạng của anh khi diễn vở này chắc hẳn phải rất đặc biệt?

* Trong vở Đêm trắng, tôi khắc họa hình ảnh Bác Hồ phải xem xét án tử hình một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội đã thoái hóa, biến chất, nên Người phải đắn đo, trăn trở rất nhiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, tôi phải khai thác tâm lý để làm đậm nét tính cách bao dung, nhưng cũng rất kiên quyết của Bác Hồ. Sau khi nghiên cứu kỹ kịch bản, tình huống sự việc, tôi đã rất khó khăn khi thể hiện làm sao cho đạt cảm xúc vô cùng giận dữ xen lẫn thất vọng của Bác ở cảnh thấy vị cán bộ nọ quỳ gối xin tha tội. Cách xử lý này lần đầu xuất hiện, nhưng được đạo diễn và mọi người ủng hộ, vì góp phần làm bật lên tính cách của Người.

Với Đêm trắng, mỗi đêm diễn, tôi có một cảm xúc khác biệt, không lần nào giống lần nào. Hơn 300 buổi diễn dù sân khấu trong rạp hay ngoài trời khán giả đều rất đông. Bảy, tám ngàn người bao quanh sân khấu, có khi trèo lên cả nóc ô tô để ngồi xem. Họ mê nghệ thuật đến nỗi bất chấp mưa gió. Nhiều đêm xem diễn vở kịch này, khán giả khóc rưng rức vì xúc động. Có buổi diễn ở Việt Trì, Phú Thọ, khi các nghệ sĩ đang diễn, có một cụ già đứng dậy giơ tay phát biểu xin gặp Bác… Đó là những kỷ niệm tôi không thể nào quên.

* Anh thành công trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ không chỉ trên sân khấu mà cả trong những tác phẩm điện ảnh, vậy có gì khác biệt khi anh vào vai Người trong tác phẩm điện ảnh và sân khấu không?

* Sau thành công của Đêm trắng, tôi được đạo diễn Long Vân mời đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Lúc này, tôi đã ngoài 30 tuổi, nhưng phải đảm nhận vai diễn mới ở tuổi 20. Để tìm hiểu về Người thời gian này, tôi vào Huế, TPHCM, gặp những người lớn tuổi để tìm hiểu về cách sống của thanh niên thời kỳ đầu thế kỷ XX. Trong phim này có nhiều phân đoạn thể hiện tâm lý nhân vật khá phức tạp. Khi nhận vai diễn ấy, tôi cũng may mắn được gặp gỡ, nói chuyện với tác giả - nhà văn Sơn Tùng, tìm hiểu thêm tư liệu về chặng đường hoạt động của Bác khi đó để hiểu hơn về nhân vật. Tôi hiểu rằng nhân vật Nguyễn Tất Thành lúc này mới chỉ là một thanh niên yêu nước, thương dân trong bối cảnh thực dân Pháp đàn áp và bóc lột nhân dân, chứ chưa hình thành con đường cách mạng, để thể hiện cho ra tính cách người thanh niên thông minh, giàu nghị lực, trong sáng và có tình yêu nước nồng nàn.

Với phim Hà Nội mùa đông năm 46, vai Bác Hồ lúc đó lại khác. Ở các vở kịch, bộ phim khác, vẫn là vai diễn Bác nhưng ở những hoàn cảnh khác nhau, đối tượng mà Người tiếp xúc cũng khác nhau, đòi hỏi tôi phải tìm tòi, nghiên cứu tâm lý, chất giọng, phong thái của Người phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh và thời gian.

* May mắn được thể hiện hàng chục vai diễn về Bác Hồ, điều đó có tạo áp lực cho anh trong sự nghiệp cũng như cuộc sống?

* Trong mỗi tác phẩm, tôi luôn cố gắng thể hiện sao cho khán giả ở mọi lứa tuổi thấy hình tượng Bác Hồ gần gũi, chân thật chứ không phải là hình dáng của một diễn viên đang “bắt chước” phong cách Bác. Khi đã có được vai diễn đạt đến sự thành công như thế, mỗi nghệ sĩ luôn phải biết giữ gìn.

Sau những vai diễn Bác Hồ, tôi luôn phải cân nhắc, lựa chọn khi được mời, đương nhiên là không thể nhận các vai phản diện. Tuy không thể hiện nhiều dạng vai khác nhau, cũng là một thiệt thòi, nhưng bù lại, tôi luôn được vinh dự và tự hào khi đã được tìm hiểu và trải nghiệm nhiều giai đoạn trong cuộc đời một vị lãnh tụ được cả dân tộc kính yêu.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục