(SGGPO).- Thật là đột ngột và cũng thật là bàng hoàng khi sáng nay anh Xuân Thái ở Báo Sài Gòn Giải phóng điện thoại hỏi:
- Nghe nói Hải mất lúc sáng nay phải không ? Ông kiểm tra ngay tin này và báo cho tôi biết nhé!
- Hải nào ?
- Hải ở Văn công Giải phóng ấy.
Tôi không tin điều đó lại xảy ra, bởi mới đây thôi, trong chương trình kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen tôi còn gặp Thế Hải và những hình ảnh tư liệu về những bức ảnh truyền thống của Đoàn Văn công Giải phóng do Thế Hải cung cấp và trưng bầy ngay tại tiền sảnh nhà hát.
Tôi còn thấy Thế Hải chụp ảnh lia lịa Tô Lan Phương biểu diễn trên sân khấu cơ mà, sau đó lại thấy anh ấy mau mắn cầm hoa lên sân khấu tặng Tô Lan Phương.
Vậy mà lại chính là sự thật.
Một sự thật đau buồn về một người bạn, người đồng đội đã cùng chúng tôi và anh chị em nghệ sĩ của Đoàn Múa Hát Giải phóng sống và chiến đấu với lời ca tiếng hát trong suốt một thời gian dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Đông Nam Bộ năm nào…
Nhạc sĩ Thế Hải vào chiến trường miền Nam năm 1967, là ca sĩ của Đoàn Múa hát Giải phóng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Trước đó, anh là học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam – Hà Nội. Vào chiến trường cùng với anh ngày đó có Tô Lan Phương, Thúy Hợi, Mai Lâm (vợ anh),Dư An (Ca sĩ), Trần Mùi, Phạm Kiếm (nhạc sĩ) và một số nghệ sĩ của Văn công Tổng cục Chính trị.
Những năm tháng dài trong thời kỳ cam go nhất, khốc liệt nhất của chiến tranh, anh đã cùng anh chị em nghệ sĩ không quản ngại khó khăn gian khổ đem lời ca tiếng hát phục vụ chiến sĩ đồng bào miền Nam. Tôi nhớ hồi đó, anh bị sốt rét ác tính nặng, mặt xanh lét, người ốm nhom nhưng vẫn luôn là con chim đầu đàn lãnh đạo tổ ca của Đoàn và cũng là trưởng đoàn trong đội xung kích nhóm nhỏ đến ngay cửa ngõ Sài Gòn để biểu diễn. Anh từng thủ vai chính trong một số vở múa hát như: Tiếng cồng vượt thác (tác giả Lư Nhất Vũ – Lê Giang) vai Già làng. Trong Ca cảnh Giải phóng (tác giả Thanh Trúc) vai anh bộ đội giải phóng quân…đôi lúc là đơn ca trong những buổi biểu diễn chính, là tác giả bài “Đi trong chiều tình yêu” và các ca khúc khác… Anh là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TPHCM.
Nhạc sĩ Thế Hải là một con người có “Tâm” đối với đồng đội, đồng chí là người đã khởi xướng chương trình xây nhà cho những anh chị em nghệ sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng khó khăn, đau yếu, hoạn nạn. Là thủ lĩnh tiên phong trong các hoạt động liên quan tới Truyền thống của Đoàn. Phải nói rằng nếu không có anh thì mọi việc khó mà thành công.
Anh là một pho sử sống về Đoàn Múa Hát Giải phóng.
Không ai có thể ngờ rằng anh đã đi xa với căn bệnh tim mạch vào lúc 3h sáng ngày hôm nay, 30-9-2011.
Là đồng đội của anh, cùng nhau chia sẻ và cùng nhau hát trên sân khấu đất ở chiến trường miền Nam gian khổ, ác liệt ngày nào, khi nghe tin anh mất, chúng tôi như mất đi một cái gì quý giá nhất…
Anh và chúng tôi biết nhau từ rất lâu, từ thuở cắp sách ở mái trường Chu Văn An (Hà Nội) ngày nào, rồi cùng nhau học thanh nhạc tại Trường Âm Nhạc Việt Nam cho tới ngày cùng nhau nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam, cho tới sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng lại cùng nhau hát ca trên sân khấu Đoàn Nghệ thuật Bông Sen thành phố Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Thế Hải – người bạn thân, người đồng đội của chúng tôi đã ra đi. Nỗi buồn và tiếc thương đang ngập tràn trong lòng chúng tôi lúc này! Một nén nhang thơm gửi tới anh - Nhạc sĩ Thế Hải.
Và… chúng tôi đang khóc một người đồng đội…
NSƯT Tô Lan Phương và NS Trần Mùi