Nữ anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Thị Bay (thường gọi Ba Bay, ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) được nhiều người cảm phục không chỉ vì thành tích trong đánh giặc, bảo vệ quê hương mà tên của bà còn gắn liền với những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Bà là một trong số ít người đã hai lần xây dựng đền thờ Bác Hồ tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Nữ anh hùng Ba Bay có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen. Ở tuổi 76, dù tóc đã bạc nhưng nữ anh hùng vẫn còn nhanh nhẹn và nói năng hoạt bát. Khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện đánh giặc, chuyện xây dựng đền thờ Bác Hồ, như gợi lên những ngày tháng hào hùng và đẹp nhất trong đời, nữ anh hùng say sưa kể:
1. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng là Hưng Mỹ. Năm 16 tuổi (1955), tôi tham gia cách mạng và đến năm 1969 làm Phó Bí thư xã Hưng Mỹ. Tháng 9-1969, khi hay tin Bác mất thì nhân dân xã Hưng Mỹ vô cùng đau đớn. Bác ra đi nhưng niềm mong mỏi thống nhất hai miền Nam - Bắc chưa thành hiện thực. Trong những ngày đau buồn thương nhớ Bác, mấy anh em đảng viên ở xã lúc bấy giờ bàn với nhau xây dựng đền thờ để tưởng nhớ công ơn Bác.
Đền thờ khi ấy được xây dựng tại ngã ba Đầu Sấu trên phần đất của ông Nguyễn Văn Cung (ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ). Sở dĩ nơi đây được chọn vì thuận tiện đi lại, cách xa đồn giặc. Do thời gian này người dân sống trong vùng kìm kẹp của địch nên việc xây dựng đền thờ diễn ra bí mật. Đền làm cây gỗ địa phương, chung quanh có cây cối sum suê. Ngày khánh thành, tổ chức rước ảnh Bác rất long trọng, trang nghiêm. Ảnh Bác làm bằng lụa, có khung gỗ hình chữ nhật… Để bảo vệ đền, chúng tôi làm hầm chông, gài bẫy xung quanh. Khi địch phát hiện ta xây dựng đền thờ Bác, chúng kéo vào bắn phá nhưng đều bị du kích đánh trả. Qua thời gian, do đền thờ xây dựng bằng vật liệu cây lá địa phương nên sau đó bị hỏng.
Đền thờ Bác Hồ do nữ anh hùng Phạm Thị Bay và đồng đội xây tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
2. Tôi hoạt động cách mạng tại xã Hưng Mỹ đến tháng 10-1973 thì được điều về làm Bí thư xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước. Khi được cấp trên tăng cường về đây, tôi gặp không ít khó khăn vì là phận gái, người lại nhỏ con… nên mấy anh em hay chọc quê. Có anh phán một câu xanh rờn: “Mày nhỏ con mà sao đánh giặc”.
Sau khi dự đại hội do Tỉnh ủy tổ chức tại Vịnh Dừa (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời), tôi về ngủ không được. Vì tại hội nghị này, tôi hứa trước Tỉnh ủy là sẽ giải phóng Phân chi khu Cái Nước trong tháng 12-1974, với chủ trương tự lực tự cường. Tại thời điểm này ở Tân Hưng Đông, tương quan lực lượng giữa ta và địch quá lớn. Bộ đội địa phương chỉ có 12 người, trong khi địch trên 200 quân và được trang bị vũ khí đầy đủ. Không chỉ lực lượng ít mà còn thiếu cả về đạn dược, vũ khí… Trước tình hình trên, tôi suy nghĩ trước hết phải làm chuyển biến nội bộ đảng viên. Vì vậy, tôi tiến hành tổ chức Đại hội đảng bộ xã (ngày 10-3-1974). Tại đại hội này, tôi báo trước anh em là chỉ có khai mạc, còn khi nào chiến thắng thì đại hội mới bế mạc, nếu không đại hội không bao giờ kết thúc.
Cũng tại đại hội này tôi đề nghị đặt bàn thờ Bác, đọc lại di chúc Bác Hồ cho các anh em nghe để một lần nữa thể hiện sự mong mỏi của Bác sớm được giải phóng miền Nam. Tôi cho lập “sổ vàng lịch sử” ghi tên những đồng chí tham gia giải phóng quê hương, đồng thời cũng để các đồng chí ghi vào những suy nghĩ, sự quyết tâm và cam kết của từng người giải phóng Phân chi khu Cái Nước. Quyển sổ ghi chép như là kỷ vật để lại cho mọi người trước “trận chiến cuối cùng” với kẻ thù không biết ai còn ai mất. Tại đại hội này tôi cũng nêu rõ quyết tâm với anh em là khi giải phóng được Phân chi khu Cái Nước sẽ xây dựng đền thờ Bác Hồ trên chính mảnh đất mà giặc đóng quân.
Nữ anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay.
3. Sau khi khai mạc, tôi tìm cách sưu tầm đạn dược, vũ khí… để đánh giặc. Tôi đến các đồn bót của địch đã được quân ta chiếm được để tìm đạn, thời điểm này việc tìm đạn chỉ bằng kinh nghiệm chứ không có thiết bị hỗ trợ dò tìm. Ngoài ra, tôi và các đồng đội hỏi khắp người dân trong vùng, xem nơi nào địch thả bom xuống nhưng bị lép, chưa nổ thì đến tìm. Có lần tôi nghe người dân nói phát hiện trái đạn 105 ly địch thả xuống chưa nổ. Khi đi lấy trái đạn này, tôi bảo chị em đứng xa đợi để tôi tìm một mình, có gì một mình tôi hy sinh thôi. Khi mò gặp trái đạn, tôi khiêng lên không nổi nên phải nhận chìm chiếc xuồng, cho trái đạn vào rồi lắc cho nước trào ra để xuồng nổi lên. Trong lúc mò trái đạn này, tim tôi như rớt ra ngoài vì nếu nó nổ thì… banh thây. Sau lần mò được trái đạn này, mấy anh cấp trên cũng tăng cường sưu tầm đạn, thuốc nổ để phục vụ cho việc giải phóng Phân chi khu Cái Nước.
Khi chuẩn bị đầy đủ đạn dược, mọi phương án xong xuôi thì tôi lãnh đạo bộ đội địa phương, du kích xã, phụ nữ, binh vận… tiến hành bao vây Phân chi khu Cái Nước. Cách đánh là cô lập chúng tại chỗ, không cho quân chi viện tiếp cận. Lực lượng ta đánh liên tiếp hơn 10 ngày đêm thì giữa ta và địch đều kiệt quệ sức lực, đạn dược... Dù vậy ta có lợi thế hơn vì được nhân dân đồng tình ủng hộ, còn địch bị chia cắt, quân chi viện đến không được. Quân ta vừa đánh vừa vận động địch ra hàng và trở về với cách mạng, còn nếu không ta sẽ “mở đường máu” tiến vào. Khi ta đánh đến đêm thứ 15 (ngày 16-12-1974) thì địch tháo chạy, bỏ đồn… Thế là giải phóng được Phân chi khu Cái Nước. Sau khi thắng lợi, tôi và các đảng viên trong xã mới quay về tiến hành tổng kết đại hội, báo công với Bác và tưởng niệm những đồng chí đã hy sinh, tính từ ngày khai mạc đến kết thúc đại hội là 83 ngày.
Thực hiện lời hứa trước đó, tôi một lần nữa đứng ra vận động xây dựng đền thờ Bác Hồ. Đền thờ được khởi công ngày 5-1-1975, xây dựng ngay trên “chuồng cọp” của địch dùng làm nơi giam giữ và tra tấn đồng đội ta. Công trình xây dựng rất nhộn nhịp, hàng trăm người hăng hái thi nhau làm. Khi nghe chúng tôi xây dựng đền thờ Bác Hồ, bà con khắp nơi cũng tham gia góp tiền, góp sức. Khác với đền thờ xây dựng ở Đầu Sấu trước đây (xây bằng cây lá địa phương), lần này đền thờ Bác xây dựng kiên cố bằng bê tông, kiến trúc 2 tầng mái, có 4 cửa ra vào quay ra 4 hướng, bên trong trang trí nhiều hình ảnh…
Sau gần 3 tháng thi công, đền thờ Bác Hồ được hoàn thành. Chiều 29-3-1975, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Hưng Đông đã long trọng làm lễ khánh thành đền thờ Bác. Buổi khánh thành này có hàng ngàn người dân khắp nơi về dự. Sau này, đền thờ Bác Hồ tại đây đã được Bộ VH-TT khi đó công nhận là Di tích Văn hóa lịch sử tỉnh Cà Mau (năm 1996).
|
NGỌC CHÁNH (ghi)