Nụ cười chiến thắng trong thơ Trần Quang Long

Nụ cười chiến thắng trong thơ Trần Quang Long
Nụ cười chiến thắng trong thơ Trần Quang Long ảnh 1

Nhà thơ Trần Quang Long.

Thế hệ thanh niên chống Mỹ cứu nước ai cũng yêu mến nhà thơ - chiến sĩ Trần Quang Long với bài thơ nổi tiếng “Thưa mẹ, trái tim” viết năm 1966. Trần Quang Long lúc đó mới 25 tuổi đã có những câu thơ gan ruột, đầy chí khí:

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai...
Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim làm trái phá
Sống chết một lần thôi!

Trần Quang Long hy sinh cuối năm 1968, khi anh mới 27 tuổi đời, tài năng đang nở rộ. Anh quê gốc ở Bát Tràng, Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Huế. Mới đây, đọc lại di cảo thơ Trần Quang Long, tôi phát hiện ra một bài thơ rất ấn tượng, anh viết sau những ngày Tổng tấn công Mậu Thân ở Sài Gòn: Đó là bài thơ viết tặng nữ sinh Võ Thị Thắng với nụ cười bất khuất trước tòa án quân sự ngụy quyền Sài Gòn.

Bài thơ có đầu đề: “Nụ cười chiến thắng” dài 60 câu. Bài thơ được Trần Quang Long xúc động viết ngay sau khi xem phiên tòa xử chị Võ Thị Thắng, nữ sinh Trường Gia Long (Sài Gòn), tham gia tự vệ thành, bị bắt trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968, bị tòa án quân sự ngụy quyền xử 20 năm khổ sai (ảnh lớn).

Nụ cười chiến thắng trong thơ Trần Quang Long ảnh 2

Trần Quang Long lúc đó đang dạy học ở Cần Thơ nhưng lại là Ủy viên Mặt trận Liên minh dân tộc dân chủ và hòa bình (MTLMDTDC&HB) Sài Gòn, Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nằm trong Ủy ban MTLMDTDC&HB miền Nam Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch và giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ (bố vợ của Long) làm tổng thư ký, nên anh thường lên Sài Gòn để tham gia phong trào tranh đấu. Đầu năm 1968, Long ở Sài Gòn tham gia Mậu Thân, sau đó anh lên chiến khu Tây Ninh.

Trần Quang Long hy sinh tại Bộ Chỉ huy Miền ở Tây Ninh ngày 11-10-1968 do một trận bom B-52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm. Hình tượng “Nụ cười chiến thắng” trong thơ Trần Quang Long đã trở thành biểu tượng của tuổi trẻ Sài Gòn bất khuất và vang vọng cho đến hôm nay.

Nhắc đến “Nụ cười chiến thắng”, người Việt Nam không ai không biết đó là nụ cười chị Võ Thị Thắng trước quân thù. Đó là hình ảnh: “Người nữ sinh Gia Long / Người con gái Sài Gòn / Người con gái Việt Nam / Đang hãnh hiện trong nụ cười bất khuất”...

Ngô Minh

Tin cùng chuyên mục